Đạo diễn trẻ Mỹ Dung
by Nghiêm Nguyên Như
Mỹ Dung, tốt nghiệp Khóa 3 Dự án điện ảnh do Quỹ Ford tài trợ chuyên ngành Biên kịch, Giải bạc Liên hoan phim ngắn 2008. Cuối tháng 5/2009, chị sẽ đi Mỹ học khóa làm phim mùa hè tại trường Đại học Nam California (USC). Những bước đi đầu tiên của chị về việc theo đuổi làm phim và điện ảnh như một sức mạnh đối với chúng tôi những người đang phải lựa chọn trước khi tốt nghiệp Khóa 4, Dự án điện ảnh.
TV: Sau một năm tốt nghiệp Dự án Điện ảnh với những học bổng phim ngắn, giải thưởng và chuyến đi sắp tới, cuộc sống và công việc của chị thế nào?
Mỹ Dung: Cũng như các thành viên trong K3 sau khi tốt nghiệp, chúng tôi quay lại với “trách nhiệm làm công dân” của mình là kiếm sống sau một năm học hành. Tôi quay về miền Trung và quay lại với công việc truyền hình của mình mấy năm trước. Tôi đi làm để thanh toán khoản tiền vay nợ khi di cư từ Sài Gòn ra Hà Nội học và “sống sót” cho đến khi “Khe hở” ra đời. Đến bây giờ thì đã “thanh toán” xong hết rồi. Mọi thứ với tôi bây giờ đều ổn và có kế hoạch rõ ràng. Tôi đang lên cho mình kế hoạch làm phim điện ảnh và học tập để không bị công việc truyền hình và việc mưu sinh làm ảnh hưởng, chi phối. Đà Nẵng là thành phố mới, nhiều tiềm năng và quan trọng là yên tĩnh để có thể viết.
TV: Có phải “Khe hở” là một yếu tố khiến cho CV của chị trong quá trình xin học bổng đi học khóa làm phim ngắn hạn của chị thành công? Chị chia sẻ với chúng tôi quá trình làm hồ sơ cũng như thông tin để apply được học bổng đó?
Mỹ Dung: Quả thật là qua đợt làm hồ sơ xin học bổng vừa rồi, tự thân tôi đã rút ra nhiều kinh nghiệm cho chính mình. Trước hết, để có luôn có được thông tin và không để sót một cơ hội nào, ban đầu tôi lập cho mình một trang web. Sau đó, tôi dành thời gian lên mạng để copy lại tất cả đường link các trang web lớn nhỏ có liên quan tới điện ảnh, để theo dõi thông tin hàng ngày. Tất cả các thông tin về các cuộc thi, liên hoan phim, khóa học… tôi copy lại, dịch sơ qua rồi up lên trang web của mình. Chính vì vậy, việc luôn nắm bắt được các cơ hội không còn khó.
Có thể nói rằng “Khe hở” là yếu tố quan trọng trong CV xin học bổng nhưng đó không phải là tất cả. Việc bạn biết cách làm cho CV của mình “sáng” lên trong rất nhiều hồ sơ trên cả nước gửi về thật không dễ chút nào. Ngoài việc bạn cung cấp đầy đủ thông tin về quá trình hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh (chỉ điện ảnh thôi) thì điều không thể thiếu là một “thư ngỏ” gửi hội đồng tuyển sinh thật thuyết phục. Trong đó bao gồm các yếu tố sau: Tình yêu điện ảnh và nhiệt huyết bạn dành cho nó; Những dự định trong tương lai gần mà bạn đang rất muốn làm và khóa học này sẽ là cú hích cho bạn; Bạn (khẳng định) khát khao muốn học và sẽ không có ai đang rất sẵn sàng hơn bạn…
TV: Chị chuẩn bị gì cho chuyến đi này, chị có bất ngờ khi được lựa chọn? Tôi được biết, rất ít người trẻ được học bổng này.
Mỹ Dung: Khi nhận quyết định được chấp nhận trong tay chắc chắn là tôi bất ngờ rồi. Vì thực sự tôi là biên kịch chứ không phải là đạo diễn đúng nghĩa. Nhưng sau đó tôi đã hiểu ra rằng mình được đồng ý cho đi học không phải vì khối lượng thành tích bé tẹo của mình (so với những người cùng được chọn) mà là do khát khao được đi học của tôi quá lớn và đã làm cho họ “xúc động”. Phần nữa là do lúc làm CV tôi đã vạch ra kế hoạch tương lai về việc làm phim bằng sự nỗ lực của mình cho hội đồng xét duyệt thấy.
Thiết nghĩ, việc xin học bổng cũng giống như đi xin việc, phải tìm mọi cách để tạo ra ấn tượng với người tuyển dụng. Có khi phải lấy điểm yếu của mình ra phân tích và làm cho nó trở thành điểm mạnh khi thực sự mình muốn khắc phục nó. Tôi đã lấy điểm yếu của mình là “tôi làm đạo diễn phim bằng cảm giác, chủ quan và không có một tí chuyên môn nào” để nhấn mạnh trong CV.
TV: Chúng tôi sắp làm tốt nghiệp, bản thân tôi có rất nhiều lựa chọn với chính sự ham thích của mình với điện ảnh và cách thể hiện chúng, năm ngoái, chị làm thể loại phim gì cho kịch bản tốt nghiệp? Chị có lời khuyên gì cho các bạn ngành biên kịch không?
Mỹ Dung: Tôi đã từng chọn thể loại Nhóm kịch bản phim ngắn để làm đề tài tốt nghiệp trong khi tất cả mọi người trong lớp đều chọn kịch bản phim truyện. Thực sự sau khi hoàn thành tốt nghiệp tôi không hài lòng lắm vì chưa dành hết thời gian và sự tập trung vào đó. Theo tôi, đề tài tốt nghiệp ngoài việc bạn chứng tỏ khả năng trọn vẹn làm chủ một kịch bản còn chứng thực khả năng Tiếng việt và sự tưởng tượng cần thiết của một biên kịch.
Khó có thể có một biên kịch xuất sắc về mọi phương diện nhưng nếu biết khai thác thế mạnh của mình thì bạn vẫn sẽ tạo ra giá trị riêng cho kịch bản. Tôi ví dụ như, có biên kịch chỉ giỏi tình huống thì sẽ đầu tư phát triển tình huống làm thế mạnh. Hoặc có người rất thông minh về yếu tố thoại thì sẽ chọn thể loại hài để có đất thể hiện… Chọn đề tài đơn giản nhưng đầu tư vào chi tiết, những chi tiết hình ảnh có ý nghĩa cũng là một điều quan trọng.
TV: Tôi thấy làm phim vất vả, mất mát quá nhiều, với phụ nữ còn thiệt thòi nhiều hơn, Chị nghĩ sao khi vẫn âm thầm theo đuổi nó? Có phải chị muốn trở thành nữ đạo diễn nổi tiếng ở Việt Nam?
Mỹ Dung: Đúng là không phải dễ dàng gì khi phụ nữ làm phim, nhưng tôi có thói quen lúc làm phim thì như bị lên đồng, bị thôi miên, chỉ khi làm xong phim nhìn lại mới thấy đúng là vất vả.
Tôi chỉ dám hứa rằng mình sẽ không bao giờ từ bỏ niềm say mê lớn nhất cuộc đời mà rong ruổi bao năm mới tìm thấy được: niềm đam mê hình ảnh, chứ không dám nói là mình sẽ thành công hay nổi tiếng. Không phải cứ ai làm một vài phim là đã được gọi là “đạo diễn”, chỉ khi có một số lượng và cống hiến miệt mài thì mới có thể nhận danh hiệu này. Tôi chỉ mong đến được ngày mà tên của tôi được đi cùng với danh hiệu đó.
Điện ảnh không phải là một hội chợ phù hoa, tôi không nghĩ nhiều đến việc mình có trở nên nổi tiếng hay không, vì đó là một điều còn quá xa vời. Với tôi bây giờ nhiệm vụ lớn nhất là tạo dựng cho mình cơ hội và tích lũy kinh nghiệm. Như một người bạn tôi từng nói với tôi “có thể xuất phát điểm chậm hơn người khác nhưng cố gắng hết mình thì vẫn sẽ về đến đích”.
Vả lại, trên thế giới có rất nhiều đạo diễn làm phim nghệ thuật thành công nhưng không đồng nghĩa là tên tuổi của họ được nhiều người biết đến. Tôi chỉ mong muốn đến lúc mình có thể trở thành nhà làm phim độc lập (independent filmmaker) làm những thước phim mình thích.
TV: Chị nghĩ gì cho tương lai của điện ảnh Việt Nam? Ở Việt Nam chị thích ai nhất trong sự nghiệp làm phim?
Mỹ Dung: Tôi không mấy khi nghĩ những điều vĩ mô, đến tương lai của một nền điện ảnh “có tuổi thọ” như Việt Nam. Thiết nghĩ, việc đánh giá sẽ dành cho những nhà phê bình chuyên môn, những người có đủ tầm, có tiếng nói. Chúng ta không thể tùy tiện nhận xét, đánh giá nếu như không có một nền tảng kiến thức vừa đủ. Đối với tôi bây giờ không có gì hơn là làm hết sức mình có thể, im lặng và làm việc như vậy đã là góp sức mình cho nền điện ảnh.
Ở Việt Nam, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang là người mà tôi luôn muốn tiếp xúc, học hỏi và nể trọng hơn cả. Sự hiểu biết, tận tâm và điềm tĩnh của con người này có sức ảnh hưởng rất lớn với tôi.
TV: Chị thích đạo diễn nào trên thế giới và sự ảnh hưởng của những người đi trước đối với chị thế nào?
Mỹ Dung: Từ khi chưa biết điện ảnh là gì ngoài những lần đến rạp xem phim, tôi đã rất yêu mến những thước phim của Kim Ki Duk. Lối kể chuyện bằng hình ảnh, triết lý gần gũi, kiệm lời của ông luôn làm tôi thấy ám ảnh.
TV: Sự nghiệp làm phim có ảnh hưởng gì đến cuộc sống riêng tư của chị không? Không phân biệt truyền thông và điện ảnh, công việc hiện tại có khiến cho chị hài lòng? (Với tôi dự án điện ảnh thay đổi cuộc sống của tôi và nhiều thứ tôi đã có, và tôi chấp nhận thay đổi và đi theo nó mặc dù có thể rất nhiều rủi ro).
Mỹ Dung: Tôi làm phim chưa nhiều, chưa bao giờ từng dám gọi mình là đạo diễn chứ chưa nói gì đến việc mình đã có một “sự nghiệp” làm phim, chỉ dám nói là từ khi đi theo điện ảnh coi như tôi đã tìm được đường đi cho mình. Theo con đường này, cuộc sống riêng tư của tôi cũng có phần thay đổi, bớt nữ tính hơn và hầu như chỉ thích lang thang. Công việc truyền thông hiện tại không hẳn làm tôi hài lòng nhưng tôi luôn thấy vui vì các kế hoạch làm phim đều theo mong muốn.
TV: Dự án điện ảnh là một môi trường tốt, là những cơ hội vàng cho những ai nắm bắt được xu thế, công việc đang có. Chị nghĩ thế nào về mô hình đào tạo này ở Việt Nam? Chị có đánh giá gì không?
Mỹ Dung: Dự án điện ảnh quả đúng là môi trường tốt, là sẽ luôn là cơ hội cho bất cứ ai biết khai thác và chớp thời cơ. Riêng tôi thiết nghĩ, tất cả những gì chúng ta học ở đó chưa phải là tất cả, những “gợi mở” mà dự án mang đến nếu một ai ngầm hiểu được ý đồ đó thì có nghĩa là bạn đã có tất cả. Có tất cả có nghĩa là Dự án điện ảnh vốn đã là một tấm căn cước giá trị cộng với việc bạn tăng cấp độ tối đa khai thác nữa là bạn có thể có được cơ hội trong sân chơi điện ảnh.
TV: Câu hỏi cuối cùng, Sau “ Khe hở” chị có dự định gì không? Nghĩa là việc làm phim của chị theo kế hoạch hàng năm hay hàng tháng? Chị sẽ thực hiện các kế hoạch đó thế nào?
Mỹ Dung: Sau “Khe hở” – một thành công nho nhỏ, sự cố gắng không ít – sự tin tưởng và hỗ trợ tối đa của Dự án điện ảnh, tôi đã có cơ hội làm mới mình. Vì vậy, sau khi đã làm mới mình tôi còn muốn khẳng định mình bằng một cái “hậu Khe hở” là các dự án làm phim và lập kế hoạch làm phim hàng năm. Trong năm nay tôi đã may mắn được “Dự án 10 tháng 10 phim” tài trợ cho một phim ngắn sẽ bấm máy vào tháng 9 tới là “Thành phố trống”. Và quan trọng hơn là chuẩn bị thêm niềm tin để đầu năm 2010 sẽ bắt tay cho một phim dài sẽ quay ở Đà Nẵng.
Tất cả còn ở phía trước và tôi biết mình còn nhiều khát khao.
Trân trọng cảm ơn chị!
Ảnh do nhân vật cung cấp
~ by quynh12281 on May 25, 2009.
Posted in Interviews, Recent Posts, Topical VN
Tags: CEEVN, Dự án điện ảnh, film studies program, Ford Film Studies Program, Khe Ho, My Dung, Nguyen My Dung, phim ngan, short film, Tin Van Dien Anh, universityof social sciences and humanties, USC Summer Exchange Program, USSH, Vietnamese Film
image credit?
maximumeskimo said this on May 25, 2009 at 11:30 pm
Yes, thank you teacher!
quynh12281 said this on May 26, 2009 at 8:57 am
chúc mừng cô nàng ngổ ngáo, học hành chăm chỉ vào rồi sau anh em còn dựa hơi tí chút, :P,
phongsinh said this on May 27, 2009 at 11:32 pm
tối qua, Dung đã vượt đại dương sang Mỹ, nghe nàng kể, nàng cầm nhièu đò cho các bạn Việt bên đó nhiều hơn số cân đồ đạc của nàng gấp nhiều lần,
quynh12281 said this on June 1, 2009 at 4:21 pm
Hình như trong đó toàn hàng để nhậu… Và một đĩa phim CD Mùa Hạ.
hongtuoi said this on June 2, 2009 at 5:44 pm
he
mydungk3 said this on June 6, 2009 at 2:22 pm
Chị ơi. Em khâm phục c quá đó. C có 1 bản lĩnh tuyệt vời. E chúc mừng chị đã gặp nhiều thành công trong cs nhe!
Thanh Van said this on June 20, 2010 at 6:02 pm
chi My Dung oi em la huong day da lau tu 2009 chi em mibh da mat lien lac rui hiii. em chuc chi thanh cong .em cho tin cua chi a.
huong said this on December 26, 2012 at 7:25 pm