Lịch sử giàu cảm xúc

chronicle1

by Ngô Chuyên

Không giống những khu vực khác trong nghệ thuật thứ bẩy, phim tài liệu là lãnh địa của những câu chuyện thật được kể bằng những hình ảnh thật…


Ông anh cả sinh sau

Thế giới có những thước phim đầu tiên vào năm 1895. Đó là những đoạn hình ảnh động cực ngắn miêu tả những hoạt động hàng ngày trong cuộc sống. Những hình ảnh chân thực và sinh động đầu tiên này chính là nguồn cảm hứng thúc đẩy con người khám phá một loại ngôn ngữ mới trong cách truyền đạt thông tin: ngôn ngữ hình ảnh.

Tuy nhiên điều thú vị là những bước tiến mạnh mẽ đầu tiên của điện ảnh lại không đi theo hướng sử dụng những hình ảnh quay từ thực tế như những khám phá ban đầu mà đi vào dàn dựng và sắp đặt để tạo ra những khung cảnh mong muốn. Những người đi tiên phong trong lĩnh vực điện ảnh nhanh chóng nhận thấy cơ hội thu lãi lớn từ việc khai thác các công cụ hình ảnh để kể chuyện. Họ nghĩ ra các câu chuyện và vì lý do kinh tế, họ dựng lại các câu chuyện đó với các diễn viên trong các studio. Cùng với yêu cầu của khán giả, sự cải tiến kỹ thuật và những khám phá về cách dựng, dàn cảnh, kỹ thuật quay phim, âm thanh… cách kể của phim truyện ngày càng hoàn thiện và mượt mà.

Tuy vậy, những năm 20 thế kỷ XX, nghệ thuật điện ảnh thế giới chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của phim tài liệu. Điện ảnh tài liệu trong khoảng thời gian này đã tiến được những bước dài, “đạt được một vị thế mới và ngày càng đồng nhất với phim nghệ thuật” (Kristin Thompson và David Bordwell, Lịch sử điện ảnh thế giới, quyển 1, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, trang 283). Tại Mỹ, với các thử nghiệm khi đưa máy quay ra ngoài trời, một số nhà làm phim Mỹ đã khởi xướng ra trào lưu phim tài liệu Bản hòa âm thành phố. Tiêu biểu cho dòng phim này là bọ phim New York The Magnificent (hay còn có tên khác là Manhattan) được sản xuất năm 1920 của hai nhà làm phim Charles Sheeler và Paul Strand. Trào lưu này sau đó đã lan sang và phát triển mạnh ở châu Âu. Nằm trong xu hướng này, bộ phim Berlin, Symphony of The Great City được sản xuất năm 1927 của Ruttmann được đánh giá là bộ phim tài liệu có ảnh hưởng nhất thời kỳ phim câm (Kristin Thompson và David Bordwell, Lịch sử điện ảnh thế giới, quyển 1, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, trang 279).

Bên cạnh dòng phim Bản hòa âm thành phố, thì trong khoảng thời gian này điện ảnh tài liệu Mỹ chứng kiến sự nở rộ các bộ phim tài liệu xứ lạ với đại diện nổi bật là Nanook of the North của đạo diễn Robert Flaherty. Phim được công chiếu tại các rạp ở Mỹ năm 1922 và rất thành công về mặt tài chính. Tiếp theo bộ phim này của Robert một loạt phim tài liệu cùng chủ đề thám hiểm đã được thực hiện.

Tại nước Nga Xô Viết, trong thời gian này, dòng phim tài liệu ghi nhận sự  nổi trội của đạo diễn Dziga Vertov – một trong những đại diện của trường phái Mantage Xô Viết – với quan điểm về “Kino Eye” (hay còn có tên gọi khác là Kino-Pravda – nghĩa là “Điện ảnh thực tế”). Ông cho rằng chiếc camera – với sự  đa dạng của loại ống kính, khả năng làm chậm, đẩy nhanh tốc độ và dừng hình ảnh – có thể truyền tải một hình ảnh thực tế chính xác hơn những gì mắt người trong thấy. Những cảnh quay ngắn, việc chồng xếp tỉ mỉ các khuôn hình đã khiến cho bộ phim Man With a Movie Camera của ông trở thành điển hình thành công cho phong cách làm phim này.

Sự  nở rộ của các bộ phim tài liệu ở Mỹ trong những năm 20 cũng đã dẫn đến việc xác lập khái niệm phim tài liệu. Trong bài viết “First Principles of Documentary” đăng trên tờ The New York Sun của đạo diễn phim tài liệu, nhà phê bình phim người Scotland John Grierson, lần đầu tiên khái niệm “giá trị tài liệu” được nói đến để đánh giá bộ phim thám hiểm Moana của Robert Flaherty. Trước đó các bộ phim tài liệu được gọi là các bộ phim thực tế. John cho rằng cho rằng khả năng quan sát và chắt lọc hình ảnh tự thân của điện ảnh có thể được sử dụng dưới một hình thức nghệ thuật mới. Theo ông, các nhân vật thật và các bối cảnh thật là những phương tiện truyền đi hình ảnh về một thế giới thật hiệu quả nhất và giàu sức gợi hơn gấp nhiều lần so với những câu chuyện với bối cảnh và nhân vật được sắp đặt. Tất cả những điều này, sau này đều đã trở thành những nguyên tắc đầu tiên của phim tài liệu và bản thân John Grierson, sau này, cũng được coi như người đặt nền móng cho sự phát triển nền điện ảnh tài liệu ở Anh và Canada.

Phim tài liệu – lịch sử đầy cảm xúc

Nếu trong những năm 30, điện ảnh tài liệu nở rộ ở các quốc gia như Anh và Mỹ với vai trò như một công cụ quảng bá cho chính phủ các nước này thì khi thế chiến thứ hai bắt đầu, điện ảnh tài liệu lại trở thành một sức mạnh mới của tất cả các nước Đồng minh.

Trong điều kiện chưa có các bản tin thời sự bằng hình ảnh, phim tài liệu là kênh duy nhất cung cấp các thông tin và hình ảnh sinh động về chiến trường cho nhân dân các nước tham chiến. Các đạo diễn được huy động sản xuất phim phục vụ cuộc chiến. Trong hoàn cảnh đó, đã có rất nhiều bộ phim tài liệu không chỉ làm được nhiệm vụ truyền đạt thông tin mà còn chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật như  Battle of Midway (sản xuất năm 1942, đạo diễn John Ford) hay Desert Victory (sản xuất năm 1942; của Quân đội và Không quân Hoàng gia Anh)… đã ra đời. Ngoài việc trở thành một pho sử hình ảnh sinh động đối với những thế hệ sau, các bộ phim tài liệu thời kỳ này đã tạo ra những ảnh hưởng đối với việc làm phim truyện sau này, đặc biệt là về kỹ thuật quay phim (Kristin Thompson và David Bordwell, Lịch sử điện ảnh thế giới, quyển 1, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, trang 469).

Nằm trong dòng chảy chung của điện ảnh, hai thập kỷ sau thế chiến thứ hai, phim tài liệu bắt đầu có những thay đổi lớn. Sự  ra đời của Chủ nghĩa tân hiện thực Ý, máy quay cầm tay, hệ thống thu âm di động và công nghệ truyền hình đã mang đến cho điện ảnh tài liệu một xu hướng làm phim mới: điện ảnh trực tiếp (Direct Cinema). Nếu trước đó việc làm phim tài liệu là sự kiểm soát các thủ thuật làm phim, thậm chí có cả dàn cảnh nữa thì điện ảnh trực tiếp không chịu sự bó buộc của kịch bản, bố cục, thậm chí nhân vật trong phim còn có thể tự lên tiếng để nói về chính bản thân mình. Chính những yếu tố này đã tạo ra chất thời sự, sự  sôi động và những phát hiện thực tế đầy cuốn hút trong các bộ phim như  Primary (1960) của Robert Drew, High School (1968) và Hospital (1972) của Fredick  Wise hay Don’t Look Back (1966) và Montery Pop (1968)… của Richard Leacock.

Tại Pháp, thời kỳ này cũng xuất hiện một xu hướng làm phim tài liệu được gọi là điện ảnh chân thực (Cinema Verité). Với những yếu tố kỹ thuật tương đồng với Điện ảnh trực tiếp ở Mỹ và Canada, nhưng những người làm phim theo xu hướng điện ảnh chân thực  cho rằng một bộ phim tài liệu không thể thiếu vắng sự can thiệp của đạo diễn vào cách bộc lộ quan điểm của nhân vật – điều mà các nhà làm phim của xu hướng điện ảnh trực tiếp đã cố ý bỏ qua. Đại diện xuất sắc và là người khởi xướng cho xu hướng phim tài liệu này là Jean Rouch. Ông và đồng nghiệp của mình – Edgar Morin – đã cùng hợp tác làm bộ phim tài liệu kinh điển Chronicle of A Summer (1961) theo phong cách này.

Từ đó đến nay, điện ảnh trực tiếp và điện ảnh chân thực vẫn được sử dụng như những xu hướng chính tạo nên các bộ phim tài liệu hiện đại. Cùng với những tìm tòi khám phá trong cách dựng, cách kể câu chuyện của  mình, các xu hướng điện ảnh này đã khiến phim tài liệu trở thành một công cụ nghệ thuật ẩn chứa sức mạnh và vô cùng hấp dẫn.

Chú thích ảnh: Một cảnh trong phim tài liệu được sản xuất năm 1961 Chronicle of A Summer của Jean Rouch và Edgar Morin. Ảnh: http://www.filmreference.com

~ by Ngo Chuyen on April 8, 2009.

5 Responses to “Lịch sử giàu cảm xúc”

  1. “kể truyện” không đúng chính tả, :),

  2. what a beautiful and ambitious post … i just hope it’s all original writing … it looks original and you have cited your sources … i’m so impressed … here’s a question: who is Frederick? most people have family names … if you want to increase the number of people reading your work, try to make comments at yxine and moviesboom and other sites, like blogs and movie and media community lists … and when you do that paste the url for this post in your comments … try posting the url in the comments sections of vtv, vctv, vov and other media venues …

  3. – Oh my god, I’ve missed his family name… He’s Frederick Wise…

    I did not have much talent in writing, so it subsequently took me a week to complete this one. Though this is kind of historical thing about documentary films which many people think that this is very boring land, but I’ve tried hard to raise all the beautiful and interesting things that I, so far, have found in this area in my own words… I admit that it’s still not a good writing but finally, it’s my work. I’m happy that it impressed you…

    Cảm ơn thầy for leaving the comment :D!

    – Cảm ơn Phong sinh huynh! Em sửa cái lỗi chính tả kia rồi!

  4. We hear your hopes
    We’ll never cheat
    All we ask of you
    Believe.

    This is not an original comment because it based on a Savatage ‘s song lyrics, named ” Belive”.

    :D

  5. […] khám phá những khía cạnh độc đáo của nghệ thuật thứ 7, cách con người chép sử bằng điện ảnh và những cảm xúc của K4 khi dấn thân cởi bỏ những rào cản đặt trước các […]

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: