Bên lề khủng hoảng

dscf7316

by Cẩm Cẩm

Tinvan đã thực sự là món ăn tinh thần của K4!

Thực sự khóa học này cho tôi nhiều kỷ niệm, nhiều cảm xúc, ngay cả khi ngồi viết những trang đầy sự chân thành về các bạn, về lớp. Nếu ở một tổ chức, việc khủng hoảng âm thầm ở mỗi bộ phận thì ở đây, chúng tôi có một bầu không khí mở, mọi thứ đều rõ ràng, được nhìn thấy, được công khai. Như thế phải chăng là quá dân chủ, phải chăng chúng ta đang lạm dụng sự tự do quá giới hạn? Đó là những bức thư, bức xúc trên diễn đàn lớp cũng như thư riêng gửi về BBT trong thời gian thực hiện chuyên đề “Khủng hoảng K4…”. Tinvan 68 xin tiếp tục trích đăng những phản hồi trong khi tình hình K4 vẫn chưa thật sự ổn định.

Mong ước

Thanh Hằng: Khi thi vào đây, trước hết tớ muốn tăng cường hiểu biết của tớ về điện ảnh. Không chỉ với điện ảnh, tớ còn tìm hiểu kha khá về hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh… và các loại hình nghệ thuật khác. Với điện ảnh thì hơi nhiều hơn thế, tớ thích sức mạnh của điện ảnh, tớ muốn tận dụng nó. Sau một thời gian học, tớ thấy đây là một khóa học bổ ích và sự hứng thú của tớ, theo đó, cũng nhiều hơn.

Hồng Tươi: Tớ chỉ muốn được học về điện ảnh, thấy có một chương trình được đầu tư tốt thì muốn tham gia. Quan niệm của tớ là “càng hy vọng lắm càng thất vọng nhiều”, nên thường không đặt nhiều hy vọng vào bất kỳ điều gì. Nhưng sau hơn một học kỳ, Dự án thực sự đã gieo cho tớ nhiều hy vọng lắm.

Hồng Lam: Trước khi vào học ở đây, tớ hình dung đây là một khóa học chuyên nghiệp và chất lượng bởi là khóa học do người nước ngoài tổ chức và các giảng viên nổi tiếng trong ngành Điện Ảnh Việt Nam và thế giới dạy. Tớ thấy thực tế như vậy. Tớ không hề phiền lòng với bất cứ những gì dự án đem lại. Ngược lại, tớ cảm ơn dự án đã tạo điều kiện cho tớ được tham gia học tập và thực hiện mong ước của mình.

Minh Tú: Tớ không có định nghĩa nào về điện ảnh ngoài việc học thêm được nghề viết kịch bản nên, nói thức là, dự án này làm được cho tớ nhiều thứ hơn tớ ước chừng ban đầu.

Bích Thuỷ: Tớ chỉ coi khoá học này là một bước khởi đầu để đến với điện ảnh mà thôi. Trái lại với mọi người, càng học tớ càng thấy có hứng thú. Như đã nói, mục đích của tớ lúc đầu chỉ là “làm quen” với điện ảnh thôi nhưng giờ thì tớ thấy mình có đủ niềm đam mê để quyết tâm thử “ nhảy vào” thế giới phim ảnh, để bắt tay vào viết những kịch bản, để mơ ước có ngày nó sẽ được “hình ảnh hoá” thành những bộ phim… Đối với riêng tớ thì bốn tháng học vừa qua đã có hiệu quả hơn là tớ mong đợi, mặc dù thực tình tớ chưa được chăm chỉ và học hành nghiêm túc cho lắm. Tớ “vỡ ra” được nhiều điều. Mục tiêu trước mắt của tớ là viết được đề cương chặt chẽ và hoàn thiện cho kịch bản phim dài mà tớ sẽ làm khoá luận. Tớ vẫn “âm mưu” sẽ viết một kịch bản phim ngắn đủ hay để xin học bổng làm phim của dự án.

Thu Trang: Theo tôi thì kể cả bạn chẳng học được cái gì ở lớp này thì riêng việc được xem phim ở đây là bạn đã “có lãi”. Với tôi đến lớp thú vị hơn. Tôi chỉ mong ngóng đến ngày đi học, việc mọi người khủng hoảng chắc do những lý do riêng của mọi người, tôi thì đã dành trọn vẹn thời gian cho khoá học này. Vừa qua vì việc cá nhân nên tôi phải nghỉ đến 2 tuần, tôi luôn cảm thấy tiếc vì những buổi nghỉ học đó.

Bày tỏ

Thanh Hằng: Nếu thường xuyên phải làm việc khuya (rất nhiều bạn trong lớp mình, tớ biết, cũng thế), bạn sẽ khó có thể đảm bảo sức khỏe nếu phải thức dậy sớm. Tớ khá chiều chuộng sức khỏe và sự minh mẫn cho đầu óc của tớ, cho nên tớ ko muốn mình thường xuyên phải nhọc lòng vừa đặt lưng xuống đã thức dậy. Nếu thức quá khuya, tớ có thể đi làm/đi học muộn vào sáng hôm sau, nếu ko có gì thật sự đặc biệt. Với bài viết cho Tinvan, tớ đã cố gắng viết một số bài, nhưng thật sự… khó khăn. Bởi vì tớ hoang mang ko hiểu mình có thừa thời gian để viết bài lên đó không. Tớ nghĩ là dự án nên khuyến khích học viên hướng đến các bài viết bên ngoài chứ ko nên duy trì cách viết nội san không-cần-độc-giả như hiện nay, bởi vì theo tớ hiểu, đó mới chính là mục tiêu của khóa học. Tớ ko muốn duy trì sự hài lòng về câu chữ ở một nơi ko biết có mấy ai quan tâm đọc hay không. Tớ không xem đủ các bộ phim kinh điển ngay bây giờ (và càng không cần phải cố ưa thích chúng), tớ còn phải làm nhiều việc khác cần thiết hơn. Tớ không viết các bài lí luận dài ngoẵng cho vài người xem, tớ thấy chúng không mang nhiều sự hấp dẫn với mình.

Hồng Tươi: Giờ học kéo dài từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều tối muộn nên cũng khiến tớ xuống sức. Nội san Tin vắn là mảnh đất của chúng ta, nơi chúng ta thể hiện, chia sẻ, luyện tập. Nội san thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào chúng ta. Tớ cũng nghĩ rằng, bỏ học là phụ công của nhiều người lắm, đồng thời bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời mà biết bao người mong muốn. Tớ rất mong có giờ học mà cả 30 thành viên đều đến, mong cả lớp đi chơi với nhau dù chỉ một lần, mong mọi người nhìn nhau bằng ánh mắt như những ngày đầu. Mong lắm!

Minh Tú: Thực ra thì ko học bài và không làm bài thì không phải là côn trùng chết, có điều lật lại lịch sử. Chắc khá nhiều người trong chúng ta hứa là sẽ tham gia dự đầy đủ các buổi học, sẽ chăm chỉ blah blah… Ai ko hứa ko sao, ai hứa mà không làm thì là… một cái gì đó! Trong trường hợp này người ta ko gọi là côn trùng, côn trùng làm gì biết nuốt lời hứa.

Thu Trang: Thời gian này thầy Dean hay nổi giận và có những so sánh làm nhiều bạn băn khoăn. Có nhiều người có vẻ cảm thấy sốc. Tôi không hiểu họ sốc vì lý do gì? Vì họ có lòng tự trọng quá hay sao? Nếu tự trọng quá thì đem cái đó ra “xài” cho mấy việc như đừng đi học muộn. Tôi cũng không thích mọi người gọi thầy Dean bằng cái tên trống không là Dean. Như vậy là vô lễ.

Vũ Thảo: Bản thân cũng là một giáo viên, tôi cho rằng người học có cá tính và sự độc lập riêng. Nhưng lớp học là một xã hội thu nhỏ, nơi đó người học không chỉ học phương pháp (hoặc bác bỏ phương pháp) từ phía người thầy, mà còn là nơi ta học cách ứng xử và thể hiện sự yêu thương trân trọng của mình với những người xung quanh. Theo ý kiến chủ quan của tôi, trước hết phải học sự thẳng thắn và biết tôn trọng người khác, biết chia sẻ những suy nghĩ và tiếp nhận suy nghĩ của người khác bên cạnh việc bảo vệ ý kiến cá nhân của mình. Có lẽ chuyện khủng hoảng của chúng ta sau một thời gian khá là dài và đây là dịp bùng nổ mạnh mẽ, nhưng lại là một dịp lặng xuống để chúng ta hiểu hơn về nhau.

Suy ngẫm

Thầy Trần Hinh: Tôi vẫn đang và thường xuyên theo dõi những tranh luận của các bạn, mặc dù rất ít khi bày tỏ trực tiếp, tức thì tất cả mọi người,tôi nghĩ rằng, việc trao đổi thẳng thắn với nhau là rất cần thiết, “cay đắng” cũng được, miễn là có ý thức xây dựng, miễn là sau mỗi tranh luận, chúng ta phải làm rõ được chân lí, dù nó phức tạp bao nhiêu . Tôi không bình luận gì thêm ý kiến của Thanh Hằng, bày tỏ là quyền của Hằng, thậm chí nói thật được những suy nghĩ của mình cũng là điều tốt, như một lần tôi đã khen em như thế. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn xác định lại thật rõ ràng thế này: Hương Giang nói rất đúng, một khi chúng ta đã cam kết dấn thân vào con đường nào đó, khi ta đã tự nguyện thì nên cố gắng làm theo cam kết, cố gắng đừng vì sự không bằng lòng về một điều gì đó của mình, ảnh hưởng đến cái chung. Dự án được tạo ra là vì các bạn, vì cả chúng ta, nếu tất cả chúng ta không cần đến nó nữa thì chúng ta thực hiện nó để làm gì? Cảm ơn Hằng đã nói thật những suy nghĩ của mình vè khóa học, chúc em đừng vì những cái nhỏ bé mà đánh rơi mơ ước lớn của mình.

Chị Hương Giang – Trợ lý của thầy Dean: Giả sử bạn là giáo viên, bạn đã chuẩn bị kỹ bài giảng, bạn háo hức truyền đạt cho sinh viên những kiến thức mới, bạn mong muốn có một buổi học sôi nổi, bổ ích. Vậy bạn sẽ cảm thấy thế nào khi đến lớp và thấy lèo tèo vài người, và bài giảng của bạn liên tục bị ngắt quãng hoặc mất tập trung do sinh viên đến muộn, và hơn nữa sinh viên không chú ý nghe giảng hoặc không hợp tác với mình (không làm bài hoặc không làm theo chỉ dẫn)? Lớp học Dự án Điện ảnh nhấn mạnh tính cộng đồng, tương tác và làm việc theo nhóm. Mỗi người trong các bạn đều có liên quan đến nhau, vì vậy mọi hành động của các bạn đều có tác động đến mọi người xung quanh. Tất nhiên mọi người sẽ không còn niềm háo hức, hứng thú nữa khi ngồi học trong không khí vắng lặng và thờ ơ. Về bài viết trên Tin Vắn: Đấy là môn để bạn thực hành tổ chức một tờ tạp chí nội san và luyện cho những bài viết của mình phù hợp hơn cho việc xuất bản, công bố và là những nghiên cứu đầu tiên cho những vấn đề bạn quan tâm của ngành công nghiệp điện ảnh. Việc viết bài hàng tuần là yêu cầu bắt buộc của môn học. Hơn nữa, các bạn có thể viết bài theo nhóm, và việc này giúp các bạn tổ chức nghiên cứu và làm việc theo nhóm một cách hiệu quả. Trước khi vào học các bạn đã biết rõ về yêu cầu, nguyên tắc và phương châm hoạt động của Dự án, các bạn cũng đã thể hiện mạnh mẽ những cam kết của mình. Vậy thì hãy thực hiện những cam kết ấy, đặc biệt là thời gian bạn phải thực hiện chỉ vỏn vẹn có 6 tháng. Nếu các bạn không có thái độ chuyên nghiệp ngay từ đầu thì các bạn sẽ mãi mãi chỉ là các amateur.

Hậu khủng hoảng hay tiếp tục khủng hoảng?

Mặc dù được coi như bước qua thời kỳ khủng hoảng với sĩ số lớp luôn trên 10 song không có nghĩa là tất cả mọi người đã hiểu được việc đến lớp đúng giờ và đầy đủ là việc nên làm thay vì “điểm chuyên cần”. Sáng ngày 19.03.2009, sĩ số lớp lúc 9h30 là 14. Một nửa lớp vắng mặt không có lí do. Chưa kể, hạn chót nộp bài cho Tinvan 67 tuần trước với 9 bài đã đăng ký chỉ nhận được 4 bài trong số đó. Tờ báo vẫn ra đúng hạn do gộp bài nộp từ tuần trước nữa, nhưng câu hỏi thì còn lại.

Đối với Mr Dean, đây không phải lần đầu tiên ông đối mặt với việc các cây viết quên mất việc nộp bài, song ông vẫn rất ngạc nhiên vì mọi người không gửi cho mình một “lý do”. Ai trong số đó sẽ thừa nhận mình không viết bài vì lười hay vì không đủ sức triển khai ý tưởng một mình? Ai trong số đó sẽ tích cực viết bài cho số báo tới? Khi được hỏi vì sao không thúc giục mọi người nộp bài đúng hạn hoặc kỷ luật những người “đánh trống bỏ dùi”, BTV Hồng Tươi rơi vào tình trạng khó xử: “Đấy là vấn đề tự ý thức. Mr Dean cho rằng việc xử phạt như thế là “stupid” nên…”. Đã trải qua hơn 4 tháng học tập, thói quen viết “nghiên cứu nguyên bản” đã được chấp hành tốt, nhưng ý thức làm việc đúng hẹn, giữ lời hứa thì chưa. Và nếu tiếp tục chờ đợi vào ý thức của mỗi cá nhân thôi thì “ai cũng nghĩ chắc nó chừa mình ra!”. Tất cả sự trễ nải bài vở là gánh nặng đặt lên vai Hồng Tươi – người Biên tập, dàn trang kiêm phát hành Tin vắn từ đầu khóa học.

Còn gần 2 tháng nữa, với 3 lịch hẹn gặp và làm việc với các chuyên gia nước ngoài. Những ngày cuối của K4 đang hứa hẹn nhiều rắc rối hơn là thành công. Liệu rằng những lời nhắn gửi như của Minh Tú sau đây có quá muộn màng: “Mọi người ơi, đi học đầy đủ nhé. Tớ thấy lớp mình là một lớp rất vui”?

Tôi không tin chúng ta đang trượt dài sau khủng hoảng, chúng ta đang bắt đầu và luôn luôn thế. Những số tinvan tới sẽ là luồng gió mới, không khí mới khác nhiều. Bắt đầu nhé, từ những ngày này, chỉ còn hơn 1 tháng nữa thôi!

~ by quynh12281 on March 25, 2009.

4 Responses to “Bên lề khủng hoảng”

  1. Khủng hoảng qua roài. Lớp mình bây giờ lại học chăm chỉ và đông vui như ngày xưa. Tớ đang mong chờ dến ngày cả lớp được học làm phim với anh Charlie Nguyễn.

  2. Thực sự với sự kiện khủng hoảng này, chúng ta mới thấy được văn hóa tổ chức, và việc giải quyết khủng hoảng. Không ai mong điều đó xảy ra nhưng càng hiện đại thì càng phải đối diện nhiều vấn đề cần giải quyết. Cứ tin tưởng và vượt qua. K4 tuyệt vời,

  3. Đố bạn nào đoán được ý tớ trong lời phát biểu: “mong mọi người nhìn nhau bằng ánh mắt như những ngày đầu”. Ai đoán trúng sẽ được đãi một chiếc bánh bao, loại 5k. Keke.

  4. tớ đoán là ánh mắt sợ sệt, :D,

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: