Khủng hoảng K4 và cú sốc của Mr Dean

k4

by Cẩm Cẩm

K4 đã trải qua một tháng khó khăn kể từ sau kì nghỉ tết. Mỗi sáng bắt đầu với vài ba học viên. Cảnh bỏ học, đến muộn, uể oải trở nên thường xuyên và dường như không lối thoát. Nhiệt tình của các giảng viên giảm dần khi lớp học luôn ở mức trên dưới 10 người. Mọi thứ mới chỉ trở lại bình thường trong một tuần gần đây, khi mọi người đi học đều và đông hơn. Đấy là sau những cơn giận bộc phát của Mr Dean…

Phải chăng là khủng hoảng

Ngay từ buổi gặp mặt đầu khóa học, những người điều hành dự án và các giáo viên đã nói về một đợt khủng hoảng “theo chu kỳ” vẫn diễn ra tại các khoá học này. Những ý kiến thu thập được trong bài thi giữa kỳ cho thấy khủng hoảng tinh thần đã bắt đầu ở một số cá nhân, khi vỡ mộng bởi những kì vọng ban đầu của bản thân không thành sự thật. Nhiều người không quá kì vọng vào những hiệu quả bất ngờ của dự án, nhưng lại rơi vào trạng thái mất tự tin vào bản thân. Đó là một “cơn sóng ngầm” đang chờ đợi…

Các giảng viên cũng nói rằng giai đoạn đó sẽ qua nhanh thôi. Nhưng thực tế thì không như vậy. Việc tham gia một buổi học mà số người chỉ đếm trên đầu ngón tay là gáo nước lạnh dội vào nhiệt huyết của tất cả các thành viên. Thanh Hằng – một trong những người được các giáo viên rất quan tâm nói về cảm xúc của mình: “Tớ cũng là một người có nghỉ học, hay đến muộn, và rất thường xuyên không nộp bài cho Tinvan. Tuy nhiên, nói một cách rất thật lòng, tớ không hề thấy xấu hổ, hoặc ân hận, hay cảm giác gì đó tương tự như thế. Nhưng tớ tự tìm ra cách học cho riêng mình”.

Nhiều người đã không chia sẻ với quan điểm này của Hằng. Minh Tú nói: “Mấy hôm đi học thấy lớp vắng, tớ cảm thấy lo lắng và bất an vô cùng, tinh thần rất mệt mỏi. Hôm nay đi học lớp đông đủ, tớ thấy khá phấn chấn và khỏe khoắn, ngủ gật cũng ngon hơn mọi khi.”. Tuy không nói ra nhưng các giảng viên có cảm giác hẫng hụt và không hứng thú với bài giảng của mình như trước. Họ biết phải dạy gì khi những người đến học không biết buổi trước đã học gì?

Theo Phan Đăng Di – giảng viên lớp Biên kịch thì “Đến tháng thứ 4 các bạn sẽ thấy tự nhiên chùng xuống, đấy là đúng chu kì”. Nhưng thầy giáo này cũng khuyên các nhà biên kịch tương lai phải nhanh lên (vượt qua khủng hoảng – PV), bởi chỉ còn 2 tháng nữa là phải nộp đề cương tốt nghiệp và đề án học bổng. Mr Dean, người phụ trách giảng môn Lý Luận Phê bình từ học kỳ II lại rất bất ngờ về việc các học viên chưa thuộc nằm lòng những kiến thức “đáng ra phải biết từ kì I”. Việc giảng lại những kiến thức cơ bản của chuyên ngành khiến ông giáo này khá bất bình. Các buổi học hầu như mất đến nửa thời gian để ổn định lại kiến thức và tinh thần cho học viên.

Nhận thấy tình trạng rã đám của lớp học, Mr Dean đã tiến hành một số thay đổi: Bỏ nửa buổi học kê dọn bàn ghế, thay một bộ loa mới vào phòng chiếu phim, tổ chức một buổi học tại quán cà phê để tạo sự hứng thú. Nhưng sau đó mọi chuyện… đâu vào đấy. Với nhiều học viên, không phải không biết rõ hậu quả của việc nghỉ học hoặc đi học muộn song họ dường như “quên” mất mục tiêu của mình. K4 từ học kỳ II trở thành một chiếc xe mất phanh đang đà xuống dốc. Nhìn nhận ở một góc độ khác, Khánh Hoà thẳng thắn: “Chẳng có gì là khủng hoảng ở đây cả. Đây gọi là Lười-lây-lan”.

Dean giận và chúng tôi thay đổi

Tất cả lớp cùng thích gọi thầy bằng tên Dean, một từ, đơn giản và thân mật. Tất cả lớp cùng thích đi học muộn và nghỉ học mà không phải xin phép như thời đại học. Tất cả lớp cùng lười đọc sách và ít làm bài tập và không hiểu những câu hỏi kiến thức cơ bản mà Mr Dean hỏi tới. Thế nhưng, tất cả những sở thích này lại tập trung trong suốt gần 30 ngày và không có dấu hiệu kết thúc!

Trong những lá thư gửi tới toàn thể các thành viên K4, Mr Dean đã thể hiện rõ sự lo lắng và mong muốn của mình: “Dự án mang đến cho các bạn cơ hội được làm điều gì đó trong đời mà rất ít người có được ở Việt Nam. Hãy nghĩ về điều này. Các bạn có cơ hội tiếp cận với những người ở đẳng cấp cao, các học giả, các phương tiện học tập, kiến thức, sự sáng tạo…, tất cả đều miễn phí. Tại sao hầu hết các bạn lại đang quẳng đi cơ hội này?”. Ông tha thiết: “Cần phải làm gì để gây hứng thú cho các bạn? Hãy nói cho tôi biết, và tôi sẽ cố gắng hết sức để làm cho các bạn”. Trái với những mong đợi tha thiết ấy, K4 vẫn phải đếm sĩ số trên đầu ngón tay.

Nhìn lại và bước qua

Không bất ngờ lắm về những phản ứng của Mr Dean – cố vấn dự án. Ông không những là người quản lý mà còn là một giảng viên. Tiếp xúc với học viên khá nhiều, ông nhận thấy rất rõ sự chán nản của họ. Từng đánh giá cao lớp học từ ban đầu có lẽ là một nguyên nhân khiến Mr Dean cảm thấy hẫng hụt và tức giận. Mức độ giận dữ ngày càng dữ dội, toàn bộ những hành động của ông được kể lan truyền trong lớp cùng với lời kêu gọi mọi người cùng suy nghĩ lại. Ngay tuần đầu tiên sau khi bị chế giễu là “côn trùng”, lớp học đột nhiên đông đủ. Đó không phải điều đáng ngạc nhiên. Ngạc nhiên chính đối với mọi người là họ nhận ra sự có mặt của mình quan trọng như thế nào đối với những người còn lại. Đối với nhiều người, những biểu hiện của Mr Dean là “quá khích”, song thực tế, ông thầy này thường ngỏ lời xin lỗi và tiếp tục động viên. Ngày 10/03, ông viết: “Chúng ta đã cùng nhau đi được nửa chặng đường, vì vậy các bạn hãy trân trọng thời gian, công sức của chính các bạn cũng như nỗ lực, tâm huyết của toàn bộ giáo viên và cán bộ Dự án. Chúng ta cũng đang chờ đón những khách mời danh tiếng và những hoạt động thú vị trong thời gian tới. Vì vậy, các bạn hãy cố gắng cùng nhau đi đến đích một cách thành công, trọn vẹn”. Đó cũng là mong muốn của Bích Thuỷ: “Mục đích của tớ lúc đầu chỉ là “làm quen” với điện ảnh thôi nhưng giờ thì tớ thấy mình có đủ niềm đam mê để quyết tâm thử “ nhảy vào” thế giới phim ảnh, để bắt tay vào viết những kịch bản, để mơ ước có ngày nó sẽ được “hình ảnh hoá” thành những bộ phim…” Nhìn lại giai đoạn khó khăn trên, Ngô Chuyên chia sẻ: “Tìm cách làm mới lại bản thân và xác định thật rõ những gì mình định làm, cố gắng nhắm đến điều đó… Thế là mọi chuyện sẽ qua”. Đó cũng là mong muốn của nhiều thành viên K4.

Qua cuộc phỏng vấn trên diễn đàn K4 gần đây, phần lớn các thành viên đều cảm thấy “cuộc khủng hoảng” bắt đầu từ chính sự không tích cực của cả lớp và thấy mình cần nhìn lại, cần sửa đổi. Ở một góc độ khác, những lời nhận định không nhằm bào chữa hay bênh vực của Thanh Hằng hay Khánh Hoà có thể gây một chút cảm giác khó chịu, nhưng lại là sự thẳng thắn dám “nói ra những điều không dễ nói” về bản thân mình và về dự án. Chính nhờ thế, mọi người hiểu được bắt nguồn từ đâu, cơn khủng hoảng xảy ra và tìm được những hướng giải quyết triệt để hơn./

Photo by: Hồng Tươi

~ by hongtuoi on March 18, 2009.

9 Responses to “Khủng hoảng K4 và cú sốc của Mr Dean”

  1. Khủng hoảng, nguy cơ, thách thức và cũng chính là động lực cho những cội nguồn sáng tạo văn hóa,
    sẽ ổn thôi, K4 tuyệt vời của chúng ta,

  2. Chị Quỳnh luôn là người lạc quan nhất trên đời. Nhờ có chị, em yêu đời hơn rất nhiều.

  3. Đố mọi người ai trong ảnh đấy?

  4. Đính chính lại là thầy Dean không bất bình về việc ôn tập lại các kiên thức cũ, thầy bất bình đỉnh điểm khi đến giờ học mà cả lớp Lý luận chỉ có 3 học viên, các bạn khác chưa đến thì không sao để liên lạc được.

    Việc ôn lại kiến thức cũ luôn được thầy làm ở đầu mỗi giờ học.

  5. thì ra là khủng hoảng, :), chúc mừng các bạn đã vượt qua,

  6. k3 cũng từng thế đấy, có hôm lớp học chỉ có 5 người…

  7. Cái ảnh minh hoạ này hợp thật :D

  8. Bão đã đi qua, và K4 trở mình đứng lại!

  9. :”> Hoahuyen và 1 bạn hay mặc áo đỏ!

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: