Trăng nơi đáy giếng
Lan Anh sưu tầm từ blog của summoner131
Vừa đi dự lễ trao giải Cánh diều 2008 về. Cũng nhiều cảm xúc, tôi cũng muốn viết đôi ba dòng, nhưng lạc vào blog của một người bạn, và cảm nhận có lẽ mình cũng không cần viết gì nhiều hơn nữa.
Tôi dạm hỏi và đã nhận được lời đồng ý của bạn, để mang review của bạn tới tin vắn, mong đưa một cái nhìn khác với đa phần những cảm xúc của nhiều người mà tôi biết, đến với bạn đọc của tin vắn. các bạn vào đọc rồi cùng cho ý kiến nhé. Mong thầy Dean ko bắt gỡ bài này xuống chỉ vì lý do không phải học viên của dự án viết. Đây cũng là cách để chúng ta trao đổi thông tin và cảm nhận điện ảnh !
Đầu năm 2008, tôi được nghe một tuyển trạch viên của LHP Venice đánh giá không cao Trăng nơi đáy giếng, lại cộng với việc đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn làm quá ít phim truyện nhựa khiến cho tôi đi xem TNĐG trong đợt chiếu phim Cánh Diều Vàng vừa qua với không có nhiều chờ đợi. Thế nhưng hoá ra, tôi lại được xem một bộ phim Việt Nam hay nhất mà mình từng biết, được biết tay nghề thực sự của một nhà làm phim Việt Nam giỏi , có đẳng cấp hàng đầu.
Kịch bản TNĐG được biên kịch Châu Thổ xây dựng dựa trên truyện ngắn cùng tên của nhà văn Trần Thuỳ Mai , kể về một người phụ nữ hết lòng vì người chồng mà cuối cùng “lộng giả thành chân”, mất chồng vào tay cô gái vốn chỉ được thuê để đẻ hộ một đứa con. Về cơ bản, côt truyện của kịch bản gần như không khác gì nguyên tác, nhưng về chi tiết, đã được xây dựng dầy dạn hơn rất nhiều, điều đó làm diễn biến tâm lý của nhân vật sống động và có lý hơn .
Thành công dễ thấy nhất của kịch bản này là ở chỗ đặt câu chuyện vào một địa danh cụ thể – cố đô Huế. Có lẽ nhờ vậy mà khán giả có thể cảm thấy dễ chập nhận hơn đối với kiểu tòng phu cực đoan đến khó tin của nhân vật nữ chính – cô giáo Hạnh (Hồng Ánh). Đồng thời với không gian Huế, với ngôi nhà cổ của vợ chồng cô Hạnh, để tạo cảm giác đè nặng của những hủ tục phong kiến lên người phụ nữ, chi phối tâm linh người phụ nữ, thì có lẽ không nơi đâu có thể hơn được chứ đừng nói đến một khu tập thể công chức trong nguyên tác.
Sự chỉnh chu và cầu kỳ trong từng lần cung phụng chồng của cô Hạnh cũng như sự hưởng thụ của ông chồng thì chỉ có ở Huế mới đủ để khán giả tin vào tính chân thật của câu chuyện. Ngoài ra, tôi cũng có cảm giác, biên kịch Châu Thổ và đạo diễn Vinh Sơn đã chọn căn nhà cổ từ trước khi bắt tay vào thực hiện kịch bản này vì có rất nhiều chi tiết trong hành động của các nhân vật, trong các động tác máy quay ở các phân cảnh, thể hiện rõ sự tính toán có ý đồ rất rõ ràng và gắn bó hữu cơ với bối cảnh , có thể ví dụ sự rườm rà của mỗi lần cô Hạnh mở cửa, và sự kiên nhẫn của cô khi dóng của mỗi tối, góp phần thể hiện tính cách nhân vật rất tuyệt vời.
Đặc biệt, có một điểm mà khán giả nào cũng sẽ nhận thấy nhưng lại ít khi được nói tới đó là chất trào phúng (black humour) của TNĐG. Tính chất này có trong giọng kể có phần tưng tửng nguyên tác, nhung khi lên phim, đạo diễn Vinh Sơn đã đẩy cao lên hơn rất nhiều. Chính vì vậy, mặc dù về tổng thể bộ phim hoàn toàn là chính kịch (drama) , đôi khi khán giả vẫn phải bật cười vì sự hài hước ngấm ngầm . Một số chi tiết có thể kể đến như cô Hạnh hàng đêm nghĩ một bài thơ để đánh thức chồng vào buổi sáng, cô Hạnh và cô giáo công đoàn nói chuyện vợ chồng ngoại tình trong khi học sinh đang biểu diễn văn nghệ, trong sự mê tín của bà đồng và cô Hạnh … Cái phi lý đáng cười đằng sau sự nghiêm túc, chính là điểm mà TNĐG có thể mang lại cảm nhận đa chiều cho khán giả.
Phong cách quay phim của TNĐG rất đặc biệt, đây làm phim thứ 2 ở Việt Nam sử dụng phong cách máy quay cầm tay làm chủ đạo (sau Cú và chim se sẻ). Tuy nhiên khác với Cú và chim sẻ sẻ – máy quay đặc biệt không ổn định, cắt cảnh nhanh theo phong cách giả tài liệu thường thấy ở phim Mỹ, Trăng nơi đáy giếng giống với phong cách Châu Âu hơn, máy rung nhẹ và dùng nhiều cú máy dài (long take) được tính toán rất kỹ.
Đi kèm với những cú máy khó này phải nói đến tài năng xử lý ánh sáng của DOP Trinh Hoan, không thể chê được ở bất kỳ một cảnh nào. Có rất nhiều cảnh quay đẹp và có tính biểu hiện cao, giàu ý nghĩa. Rất tiếc, Giải cánh diều vàng đã không được trao cho nhóm quay phim của TNĐG, đây là một giải có kết quả không được thuyết phục.
Và người đứng đằng sau, tất nhiên là đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Do đây mới chỉ là phim nhựa thứ hai của ông, thật khó để một người chưa biết đến ông có thể tin ông làm tốt đến như vậy với TNĐG. Đây là lần đầu, tôi được thấy một đạo diễn Việt Nam thể hiện tầm nhìn xuyêt suôt cho cả bộ phim của mình, tạo được những điểm nhấn cần thiết, sự co giãn hợp lý của cảm xúc và đồng thời cũng rất tinh tế trong chỉ đạo các diễn viên bằng nhiều những chi tiết rất nhỏ nhưng đáng học hỏi.
Tôi thực sự khâm phục đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Dù cho tại Cánh diều vàng 2009, có thể đạo diễn Lưu Huỳnh thể hiện được nhiều hơn, đoạt được giải Đạo diễn xuất sắc nhất vì Huyền thoại bất tử phức tạp hơn về mặt kỹ thuật, tôi vẫn tin rằng đạo diễn Vinh Sơn là nhà làm phim tài năng nhất của chúng ta hiện nay khi tác phẩm của ông thực sự có được ngôn ngữ biểu hiện của điện ảnh hiện đại.
Tuy nhiên, TNĐG cũng có những điểm yếu. Đáng tiếc nhất có lẽ chính là bản thân câu chuyện, có rất ít khán giả thực sự thích câu chuyện hơi cũ kỹ và được đẩy lên thái quá như thế , những điểm hay của kịch bản dẫu cò nhiều vẫn rất khó nhận ra đối với đại đa số khán giả, vì vậy không có gì ngạc nhiên nếu họ cảm thấy không thuyết phục. Một nhược điểm khác là sử dụng quá nhiều những cú máy dài, không thể phụ nhận là có rất nhiều cú máy thành công, tạo được cảm xúc mãnh liệt, nhưng cũng có rất nhiều cú máy không cần thiết, làm mạch phim bị chậm một cách rề rà đến sôt ruột.
Những cú máy ít thành công này, phần nào đó làm giảm đi hiệu quả nhấn mạnh của những cú máy dài đặc sắc. Ngoài ra tôi cũng rất tiếc với đoạn kết của bộ phim, có lẽ vì để trung thành với nguyên tác, hoặc tiếc diễn xuất của diễn viên, đạo diễn Vinh Sơn đã bỏ lỡ một cách kết thúc đẹp và độc đáo, mà thay vào đó bằng một cách kết thúc không tồi nhưng quá thông thường. Đó cũng chính là điểm đáng tiếc nhất ở TNĐG.
Nhưng dù vậy, cần phải khẳng định lại rằng, những nhược điểm đó không có ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của bộ phim và dù không hiểu vì lý do gì mà nó chỉ được giải Cánh diều bạc , tôi vẫn tin chắc rằng TNĐG là bộ phim hoàn hảo nhất, xuất sắc nhất về mọi mặt mà điện ảnh Việt Nam đã từng có cho đến thời điểm này, và một bộ phim như TNĐG sẽ là mục tiêu phấn đấu của tất cả các nhà làm phim Việt Nam khác.
sửa lại là đầu năm 2008 nhé, lộn thời điểm ha ha ha
youtamoutechi said this on March 2, 2009 at 10:03 pm
nice to meet you
semvietnam said this on March 2, 2009 at 10:18 pm
cứ tưởng Lan Anh viết bài gì mà dài gớm, mượn bài người khác sao không đề tên tác giả thế vậy,
phongsinh said this on March 3, 2009 at 2:51 pm
em đã có đề tên tác giả và để cả đường Link tới blog nguồn nơi em lấy bài vê đăng. nhưng chắc có editor đã sửa lại và bỏ đường Link đi. thật sơ sót vô cùng, phải xin lỗi tác giả vì điều này. em xin sửa lại ngay ạ
lananhsk said this on March 4, 2009 at 12:50 am
chắc chàng Dean sửa, :),
phongsinh said this on March 4, 2009 at 10:57 am
‘Răng nơi(rơi) đáy giếng’, ‘Mảnh răng cuối rừng’… cuộc sống thật là khắc nghiệt, lấy đi của con người bao nhiêu thứ!
Hix! Xin lỗi mọi người, thi thoảng t lại xuyên tạc! :”>
thaobum said this on March 24, 2009 at 10:49 pm