Phim kinh phí thấp
by Thu Trang
Tại giải Oscar năm 2008, cả “No country for old men” và “There will be blood” đã chia nhau những giải quan trọng nhất như Best Picture (cho No country for old men), Best Actor (cho There will be blood). Có một điều khá lý thú là cả hai bộ phim này chỉ làm với kinh phí 25 triệu USD (con số khiêm tốn) và đều là những phim độc lập. Phim nghệ thuật kinh phí thấp đang ngày càng chiếm được vị trí cao trong nền điện ảnh hiện đại.
Trong vài năm trở lại đây, việc các phim độc lập kinh phí thấp thống trị những giải thưởng quan trọng trong lễ trao giải điện ảnh của Viện hàm lâm khoa học điện ảnh Hoa Kỳ không còn là chuyện hiếm. Phim độc lập không còn là khẩu vị đặc trưng của các LHP quốc tế, thể hiện sự cách tân sáng tạo mà hơn hết nó đang ngày càng đến gần với những khán giả yêu điện ảnh trên khắp thế giới. Người xem điện ảnh tại Việt Nam hiện nay cũng đang bị bội thực bởi những phim bom tấn, hành động, hài tình cảm kiểu Hollywood xem xong và trôi tuột hoặc cảm giác bị lừa phỉnh khi vào rạp. Trong khi đó vẫn có một mạch ngầm khác đang làm thoả mãn khán giả không chỉ tìm đến phim ảnh như một nhu cầu giải trí đơn thuần – đó là phim độc lập kinh phí thấp.
Những giá trị không thể phủ nhận
Chúng ta hãy cùng nhìn lại nền điện ảnh gần gũi và thân thuộc nhất với khán giả hiện nay là điện ảnh Mỹ. Với những công thức làm phim trở thành kinh điển, phim Hollywood (được chi phối bởi sáu công ty truyền thông) đã “bắt” khán giả trong bốn mùa quanh năm chỉ thưởng thức những món ăn đơn điệu. Nhưng nhờ những ngôi sao màn bạc, kĩ xảo bậc thầy, đối thoại dí dỏm, cốt truyện nhiều bất ngờ… những bộ phim này vẫn hấp dẫn khán giả mỗi khi ra rạp. Tuy nhiên bên cạnh một nền công nghiệp làm phim đang chạy đua về kinh phí khổng lồ, dòng chảy của phim độc lập vẫn đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình cho dù ngân sách làm những phim này không bằng giá cat-xe một diễn viên chính trong phim bom tấn.
Todd Haynes, đạo diễn của “I’m not there” (2007) đã bắt đầu sự nghiệp bằng bộ phim “Poison” với kinh phí 250.000$, dù với ngân sách thấp một cách đáng ngạc nhiên, Poison vẫn giành giải thưởng Best Feature Film tại LHP Berlin và giải Grand July Price tại LHP Sundance. Trước “Poison”, Todd Haynes còn làm phim ngắn về cái chết của nữ danh ca Karen Carpenters với các nhân vật do búp bê Babie đóng, tuy nhiên vì không được sự cho phép của gia đình Carpenters về việc sử dụng các bài hát của nhóm này trong phim, bộ phim đã không được phát hành rộng rãi. Năm 1989, với kinh phí chỉ 1,2 triệu USD, Steven Soderbergh đã gây được tiếng vang với bộ phim đầu tay “Sex, lie and videotape” đoạt giải Cành cọ vàng. Steven Soderbergh đang là đạo diễn có tài năng nổi bật nhất tại Hollywood hiện nay, ngoài làm đạo diễn Steven còn là nhà biên kịch và quay phim.
Điện ảnh vốn không là mảnh đất hứa cho các nữ đạo diễn nhưng không vì thế mà phim của phái nữ vắng bóng. Trái lại phim của họ vẫn gặt hái được những thành công ngoài sức mong đợi. Ví dụ điển hình ở đây có thể kể đến hai trường hợp Kimberly Peirce và Sofia Coppola. Kimberly Peirce đã từng gây xôn xao làng điện ảnh với “Boys don’t cry” (1999) một bộ phim về đồng tính nữ dựa trên câu chuyện có thật. “Boys don’t cry” đã đem về cho nữ diễn viên Hilary Swank một bức tượng vàng Oscar danh giá cho giải nữ diễn viên xuất sắc nhất. Không nhức nhối như “Boys don’t cry”, “Lost in Translation” (2003) là những ám ảnh về nỗi cô đơn thường trực mà bất kì ai cũng có thể gặp phải dù họ có đang hạnh phúc hay không. Cô con gái của đạo diễn kì cựu Francis Ford Coppola đã vượt qua cái bóng của người cha để khẳng định mình như nữ đạo diễn tài năng. Cả hai bộ phim này đều làm với kinh phí không quá 5 triệu USD.
Quentin Tarantino cũng là gương mặt không thể không nhắc đến khi nói về các nhà làm phim độc lập. Với “Pulp Fiction” (1994), Quentin đã để lại cho người xem một phong cách tự sự trong phim vô cùng độc đáo. Dù bộ phim mang màu sắc bạo lực mạnh, cốt truyện đảo lộn không theo bất cứ một trật tự nào nhưng không vì thế mà “Pulp Fiction” kém hấp dẫn. Dù bị tuột giải Đạo diễn xuất sắc nhất vào tay Robert Zemickis với “Forrest Gump” tại Oscar 1995 nhưng Quentin vẫn được đánh giá cao hơn về sự táo bạo trong cách xây dựng cốt truyện.
Những “Mạnh thường quân” của phim độc lập
Còn rất nhiều những ví dụ tương tự để minh chứng được rằng những bộ phim có số vốn sản xuất ít ỏi nhưng vẫn đạt được những đỉnh cao về giá trị nghệ thuật. Nhưng một thực tế đặt ra là vậy những nhà làm phim độc lập sẽ huy động nguồn kinh phí từ đâu cho dù chúng chỉ đáng giá vài triệu đô (con số bé nhỏ so với công nghiệp điện ảnh của Mỹ hiện nay). Chính vì lý do này các nhà sản xuất và phân phối phim độc lập đã ra đời như Miramax, Good Machine, October Films… Nhờ vào các nhà sản xuất này, những bộ phim của các đạo diễn mới vào nghề đã được thực thi và được phân phối rộng rãi trên khắp thế giới. Vào thời hoàng kim của mình Miramax từng sản xuất và phân phối những bộ phim như Pulp Ficton (1994), The English Patient (1996), Good Will Hunting (1997), Shakespeare in love (1998), … Hầu hết trong số này đã đạt được những thành tựu nghệ thuật nhất định và doanh thu phòng vé không đến nỗi tồi.
Ban đầu những hãng sản xuất này được thành lập như một công ty độc lập nhưng sau đó đã được một trong sáu công ty truyền thông mua lại để mở rộng quy mô. Những người sáng lập đầu tiên vẫn được tiếp tục giữ lại để duy trì quản lý như anh em nhà Weinstein – người sáng lập ra Miramax vào năm 1979 vẫn tiếp tục điều hành khi công ty này được hãng Want Disney mua lại. Hay như hai người điều hành Schamus và Linde cũng tiếp tục ở lại điều hành hãng Focus Features sau khi Good Machine do họ sáng lập được trở thành thành viên của Vivendi Universal.
Bên cạnh đó các tập đoàn truyền thông lớn của Mỹ cũng tự phân nhánh để thành lập những công ty con chuyên sản xuất và phát hành phim độc lập trong và ngoài nước Mỹ. Fine Line Features một công ty thuộc tập đoàn AOL Time Warner là nơi sản xuất phim “Elephant” (2003) của đạo diễn Gus Vant Sant với kinh phí 3 triệu USD. Bộ phim đã bất ngờ đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2003 nơi hiếm khi có chỗ cho những phim đến từ nước Mỹ. Năm nay, bộ phim “Milk” của Gus Vant Sant cũng được đánh giá là phim nổi bật của năm và có nhiều khả năng tranh giải tại Oscar. “Milk” do Sean Penn thủ vai chính cũng được làm với số tiền đầu tư 15triệu USD do hãng Focus Features sản xuất.
Trong vài năm gần đây Miramax như một bà đỡ mát tay khi những bộ phim có kinh phí thấp do hãng này sản xuất liên tiếp nhận được những giải thưởng danh giá trong và ngoài nước Mỹ như: “The Hours” (2002), “Cold Mountain” (2003), “No country for old men” (2007), “There will be blood” (2007)… Bên cạnh đó hãng này còn là nơi phát hành của những phim Châu Á trong đó phải kể đến: “Farewell my Concubine” (1993) của Trần Khải Ca, “Chungking Express” (1994) Vương Gia Vệ hay bộ phim tham gia trình chiếu tại LHP Cannes của Thái Lan là “Tears of the Black Tiger” (2000).
Giả Chương Kha một cái tên tiêu biểu cho các nhà làm phim độc lập Châu Á trong các bộ phim của mình cũng luôn có tên của nhà sản xuất Kitano. Office Kitano là hãng sản xuất phim do đạo diễn nổi tiếng Nhật Bản Takeshi Kitano thành lập, ngoài việc sản xuất cho chính phim của mình, Office Kitano rất có duyên với các phim của Giả Chương Kha. Họ đã từng kết hợp với nhau ở “Unknow Pleasures” (2003), “The World” (2004), “24 City” (2007).
Nhìn lại trong nước
Khái niệm phim độc lập ở Việt Nam cũng không thể hiểu như khái niệm ở Mỹ, mà chúng ta chỉ có phim do nhà nước hoặc các hãng phim tư nhân sản xuất, hoặc cả hai cùng liên kết sản xuất. Chính vì vậy phim của chúng ta thường phục vụ theo mục đích của nhà sản xuất chứ không phải trên quan điểm, ý tưởng sáng tạo của đạo diễn.
Cho đến nay, Việt Nam – một nước có nền điện ảnh lâu đời nhất Châu Á vẫn chưa có phim trình chiếu tại ba liên hoan phim danh giá nhất thế giới là LHP Cannes, LHP Venice, LHP Berlin chứ chưa nói đến tham gia vào vòng tranh giải. Điện ảnh Việt Nam vẫn là một dấu chấm hỏi. Nhìn sang Trung Quốc, Giả Chương Kha giờ đã là đạo diễn nổi tiếng thế giới từng thực hiện bộ phim truyện đầu tay “Xiao Wu” (1998) với kinh phí chỉ tương đương 400 triệu đồng tiền Việt, nhưng đã gặt hái thành công ngay tại LHP Berlin và LHP Vancouver. Và Iran, một ví dụ điển hình về nền điện ảnh đang đầu tư đúng hướng với những bộ phim dù số vốn ít ỏi nhưng mang nhiều sáng tạo nghệ thuật như: “Children of Heaven” (1997), “Blackbroad” (1999), “Offside” (2006)…
Hiện nay bênh cạnh những hãng phim của nhà nước, các hãng phim tư nhân như Chánh Phương, Phước Sang, Thiên Ngân, BHD đang đầu tư những khoản ngân sách khá lớn vào sản xuất phim. Nhưng tiếc rằng nếu phim của nhà nước làm ra luôn bị dán mác “phim cúng cụ”, phim chiếu không ai xem thì phim của các hãng phim tư nhân cũng chỉ được đánh giá ở mức giải trí trung bình. Khán giả ta khá dễ tính khi dành tiền bạc và thời gian đến rạp ủng hộ phim Việt mỗi dịp Tết đến để thưởng thức những phim giải trí “nhạt như nước ốc”. Chúng ta không thể trông chờ vào những “Đẹp từng centimet”, “Giải cứu thần chết”, “Huyền thoại bất tử”… (những bộ phim sẽ ra rạp vào Tết năm nay) có thể đi dự giải ở đâu ngoài lãnh thổ Việt Nam. Dù rằng hãng những bộ phim này đầu tư không ít tiền của, Hãng Phước Sang từng tiết lộ đã chi 10 tỷ đồng cho phim tình cảm võ thuật “Huyền thoại bất tử” (SGGP online 30/6/2008).
Đã từng có lúc các hãng phim trong nước như Hãng phim Giải phóng kết hợp với các nhà sản xuất quốc tế để sản xuất phim của các đạo diễn Việt kiều như “Ba Mùa” (Toni Bùi), “Xích lô” (Trần Anh Hùng), Mùa len trâu (Nguyễn Võ Nghiêm Minh)… Hãng Chánh Phương làm phim “Dòng máu anh hùng”, Phước Sang-BHD và công ty Ánh Việt làm “Áo lụa Hà Đông”. Những bộ phim này dù là mác Việt kiều hay sản xuất trong nước nhưng ít nhiều đã cho khán giả thế giới biết ít nhiều về điện ảnh Việt Nam. Chúng ta đã mất khá nhiều tiền của đầu tư vào những bộ phim mà ra rạp chỉ nhận được những lời chê trách, trong khi nhà đầu tư thì vẫn tưởng phim mình sản xuất có giá trị. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Giám đốc hãng phim Hodafilm từng phát biểu về “Em muốn làm người nổi tiếng” (bộ phim ngốn hơn 2,2 tỷ kinh phí): “Tôi không muốn chọn các diễn viên ngôi sao, vì bộ phim này sẽ tạo ra ngôi sao” (VNE 9/1/2008). Lời phát biểu này dường như quá sớm bởi sau một năm không ai trong bộ phim này từ đạo diễn đến diễn viên tiếp tục làm phim và trở thành ngôi sao.
Trong khi đó các nhà làm phim trẻ của chúng ta vẫn hàng ngày đi tìm tài trợ của các dự án điện ảnh như Fond Sud (Pháp), TPD (Hội điện ảnh Việt Nam), … và không phải lúc nào cũng nhận được kết quả như mong đợi. Vậy phải chăng đã đến lúc các hãng phim trong nước, hoặc tư nhân nên có cái nhìn cởi mở và thích đáng hơn trong việc hỗ trợ các nhà làm phim trẻ thực thi dự án của mình. Phim kinh phí thấp (nhưng chất lượng cao) bao giờ mới có ở Việt Nam, thoạt nghe như câu hỏi vô lý nhưng đúng là không dễ thực hiện.
Image: wikipedia, Mtime
Thanks maninthedark đã gợi ý giúp tôi viết bài này.
thutrangnguyen said this on January 20, 2009 at 10:54 am
Thích bài này của Trang, vì chúng ta phù hợp với dòng phim này, có nhiều thông tin bổ ích và thú vị,
quynh12281 said this on January 20, 2009 at 12:30 pm
Bài viết hay quá, thể hiện sự tìm tòi nghiên cứu khá sâu, và hẳn là cũng phải xem khá nhiều phim, :), công phu đáng nể,
Tuy nhiên cũng vẫn đưa ra các lỗi bắt gặp, :D, chỉ là lỗi văn bản và chính tả, lỗi câu xin để dịp khác, :D,
“Phim kinh nghệ thuật phí thấp”
“việc các phim kinh độc lập”
“lừa phỉm”
“kĩ sảo”
“Englist Patient”
“bênh cạnh”
phongsinh said this on January 20, 2009 at 11:49 pm
@chị Quỳnh: mong là khi Tốt nghiệp khoá này hội mình có được một phim kinh phí thấp :D
Cám ơn anh Phongsinh,
Hình như đọc bài mình viết mắt thường kém hơn thì phải nên nhiều lỗi quá.
thutrangnguyen said this on January 21, 2009 at 12:30 pm