Babel: Giai điệu cô đơn
by Thu Trang, Minh Tú
“Babel” bộ phim nổi bật của điện ảnh Mỹ năm 2006, được đề cử đến 7 giải Oscar nhưng chỉ đem về duy nhất một giải Âm nhạc trong phim cho nhà soạn nhạc Gustavo Santaolalla.
Vẫn tiếp tục những bị kịch về gia đình, sự ám ảnh của cái chết nhưng “Babel” – “đứa con thứ ba” của cặp bài trùng Alejandero Gonzalez Inarritu và Guillermo Arriaga đã nâng những vấn đề gia đình mang tính chất đơn lẻ thành vấn đề của toàn thế giới. Những hiểu lầm, xung đột văn hoá, bất đồng ngôn ngữ… là nguyên nhân gây ra những bi kịch thương tâm của mỗi gia đình, bộ phim khiến người ta hoài nghi về sự toàn cầu hoá. “Babel” lại một lần nữa không chỉ chứng minh cho tài năng của đạo diễn Alejandero và nhà biên kịch Guillermo mà còn là sự ghi nhận vai trò quan trọng không kém đó là nhà soạn nhạc Gustavo Santaolalla. Để thực hiện phần giai điệu nền cho bộ phim này Gustavo đã cùng đoàn làm phim đến từng nơi bộ phim diễn ra để tìm ra thứ âm thanh chung nhất cho cả bộ phim.
Câu chuyện của “Babel” được diễn ra trong bốn gia đình tại bốn đất nước trên ba Châu lục khác nhau: Maroco, Mexico, Mỹ và Nhật Bản, chính bởi vậy tại mỗi địa điểm, người xem có thể nhận ra chất âm nhạc đặc trưng cho từng vùng. Mexico đón chào những người khách nhỏ là hai bé Dibbie và Mike bằng thứ âm nhạc rộn rã, vui tươi. Chất âm nhạc dân ca đặc trưng của người Mexico còn được thể hiện rõ nét hơn trong bữa tiệc cưới con trai của Amelia, với những âm thanh vui nhộn từ cây đàn Acmonica.
Tuy nhiên, âm nhạc trong “Babel” không có dụng ý chỉ minh hoạ bản sắc âm nhạc theo từng vùng văn hoá mà luôn có một tiết tấu, giai điệu chung cho tất cả các câu chuyện khác nhau. Ở đây Gustavo đã chọn một tiết tấu chậm cho những hình ảnh mang đầy tính động, đó là lúc Susan được đưa từ chiếc xe du lịch vào trong làng. Nhân vật chính phụ trong phim thì vô cùng hối hả đối lập với nhạc nền chậm rãi, buồn bã. Khi Chieko vui đùa cùng đám bạn trai mới quen, tiếng động xung quanh cũng không còn mà thế chỗ cho bản nhạc “Only love can Conquer Hate” – một thể loại nhạc tâm linh, với âm thanh điện tử được chơi như những sóng âm thể hiện tâm trạng tươi vui, muốn hoà đồng của Chieko. Ngay trong cả đám cưới con trai của Amelia, người xem cũng bắt gặp một hiệu ứng tương tự: mọi tiếng động thực của đám cưới bị ngưng lại và thay bằng một bản nhạc trữ tình khác. Cách lấy những âm thanh vô cùng chậm rãi, êm dịu lồng ghép cho cảnh nhiều tính động khiến cho người xem như đột ngột bị rơi vào một trạng thái tĩnh lặng. Âm nhạc thì vẫn còn đấy nhưng dường như một khoảng lặng im đã lan toả, sự cô đơn bao trùm không gian bộ phim.
Nỗi cô đơn có thể nhận ra rõ nhất ở Chieko – một thiếu nữ bị câm và điếc luôn cảm thấy lạc lõng giữa cuộc sống xung quanh. Ban đầu đó chỉ là cảm giác nhưng những âm thanh trong trường đoạn Chieko ở trong sản nhảy là chứng minh rằng Chieko đã bị đẩy ra khỏi cộng đồng mà cô đang cố hoà nhập. Trong sàn nhảy, tiếng nhạc vang lên ồn ã cùng với ánh sáng laser cực mạnh, tuy nhiên, mỗi khi cảnh quay trung cảnh Chieko đang nhảy thì nhạc vụt tắt, rồi lại bật. Chieko hoàn toàn nhảy múa theo đám đông vì cô đang rất vui còn thực sự âm thanh trên sàn nhảy không hề tác động đến cô. Có vẻ như cô nghĩ là mình đã nghe được âm nhạc nhưng không phải vậy. Điều này tương ứng với việc cô tưởng mình đã hoà nhập được với cuộc sống của những người đồng trang lứa nhưng kì thực cô chỉ là người đi bên lề cuộc chơi. Sự im lặng hoàn toàn của âm thanh và tiếng động trên đường Chieko về nhà sau cuộc chơi thể hiện điều đó, một thế giới không hề có âm thanh và Chieko giống như đang đi trong cái lồng kính bị cách âm.
Trong Babel, người xem có dễ dàng nhận thấy có hai giai điệu chủ đạo được phát triển từ bản “Iguazu” do Gustavo Santaolala viết và bản còn lại là “Bibo no azora” của Ryuichi Sakamoto sáng tác. “Iguazu” được vang lên trong chuỗi cảnh tại Maroco, ở đó hình ảnh hai anh em Yussef dang đôi tay như chiếc cánh đón gió trên sa mạc cằn cỗi đối lập với sự lo âu của vợ chồng người khách du lịch người Mỹ được cấp cứu trên chiếc xe trực thăng. Có rất nhiều sự châm biếm ở đây, trong tình cảnh nguy khốn, những người khách du lịch da trắng lại là kẻ bỏ rơi vợ chồng Richard và Susan còn người giúp đỡ họ là người dân ở thị trấn giữa sa mạc hoang vu tại Maroca. Hay trong lúc Richard cần một chiếc xe cứu thương ngay lập tức để cứu vợ thì anh lại phải chờ quá lâu một chiếc máy bay trực thăng – một cách phô diễn không đúng lúc theo kiểu Mỹ. Âm nhạc được chơi bằng nhạc cụ Charrango, một loại nhạc cụ của người dân Mexico, giống như một chiếc đàn ghi-ta nhỏ xíu. Tiết tấu nhanh, dàn trải, những nốt nhạc được chơi bằng kĩ thuật tremolo (reo dây) chạy đuổi theo nhau tương ứng với tình trạng khẩn cấp của Richard và Sunsan.
Còn với “Bio no azora” bản nhạc được chơi ở cảnh cuối phim, khi anh cảnh sát trẻ trở về từ nhà Chieko. Anh ta ngồi ở quan rượu và theo dõi tin tức thời sự về câu chuyện hai vợ chồng người Mỹ. Những câu chuyện xảy ra ở nhưng địa điểm cách xa nhau đến hàng ngàn km nhưng lại kết nối vơi nhau một cách tình cờ theo vòng tròn. Trong đoạn nhạc ta có thể nghe thấy khá rõ những âm thanh riêng biệt của piano, contrabass và violin, âm thanh của ba loại nhạc cụ hòa vào nhau tạo nên giai điệu buồn da diết, tuy nhiên, không hiểu sao, thanh âm của chúng lại lạc lõng đến thế. Nhất là khi violin và contrabass kết hợp với nhau thành một bè và chơi lặp đi lặp lại một điệu giống như nhịp điệu của dòng đời trên đường phố Tokyo nhộn nhịp thì tiếng piano lại tách hẳn ra lạc lõng. Đoạn nhạc vẫn tiếp tục kéo dài tới lúc cha của Chieko phát hiện cô đứng cô đơn, lạnh lẽo và trần trụi trên ban công của tầng 30. Ống kính cứ từ từ rút ra xa, chỉ còn lại hình ảnh cha con Chieko cô đơn giữa biển nhà chọc trời cùng tiếng nhạc đều đều, khắc khoải. Đó không chỉ là tiếng lòng cô đơn của cha con Chieko mà nó khiến người ta giật mình tự hỏi liệu có một thế giới đại đồng cho tất cả mọi người.
Image: Mtime
chị mới mua DVD này, chưa xem,
quynh12281 said this on January 20, 2009 at 12:15 pm
Bài viết về âm thanh tốt quá, tìm hiểu cả về nhạc cụ và các bài hát các nước thì quả là không đơn giản,
có điều bài viết kết thúc sớm quá, vội quá, đọc hơi bị hẫng, vẫn muốn chờ một cái gì sâu xa hơn, mà “độp”, thấy tên tác giả, :D,
và có lẽ bài này không nghiêng hẳn về âm thanh, mà muốn hướng vào âm nhạc, lấy cảm hứng dựa trên giải Oscar của nhạc sĩ Gustavo, tuy nhiên do khi viết cảm hứng dâng trào nên nói thêm về âm thanh ở đoạn Chieko, :),
về âm thanh, có thể nghiên cứu thêm về ngôn ngữ sử dụng trong phim, các nhân vật dùng ngôn ngữ khác nhau để giao tiếp, ví dụ Chieko nói chuyện, hay hai vợ chồng bị rớt lại khu người Marroco, hay khi chiếc xe du lịch dừng lại vì cô gái bị thương, họ xôn xao những ngôn ngữ khác nhau,…
ờ, mấy lỗi văn bản:
– Maroco
– sản nhảy
– “là chứng minh” – dùng nhầm từ, phải là “là minh chứng” hoặc ko có “là”, hoặc “đã chứng minh”….
– Maroca
– quan rượu
Ngoài lề, Chieko không phải bị câm điếc, chỉ bị điếc, :), cái này bàn ngoài lề cho mở rộng, thường người điếc ta hay gọi là “người câm điếc”, thực ra chỉ nên gọi là “người khiếm thính”, là bởi vì phần lớn họ vốn chỉ bị điếc, do bị điếc nên không nghe được ngôn ngữ cộng đồng, mà ngôn ngữ chính là sự bắt chước, ta học nói được là do ta nghe tiếng của người khác mà nói theo, nên người khiếm thính mới không nói được cùng thứ ngôn ngữ của cộng đồng ấy, chỉ có thể phát ra những âm thanh tự do……
phongsinh said this on January 21, 2009 at 12:11 am
@chị Quỳnh: tết này có thời gian chắc chị sẽ xem được.
@anh Phongsinh: Phần nhạc của Ryuichi Sakamoto làm tuyệt quá nên em và Tú cũng đưa vào. Hơn nữa phim này Gustavo chịu trách nhiệm về âm nhạc nên dù người khác sáng tác thì nó vẫn nằm trong một chủ đề chung và chắc chắn Gustavo sẽ là người biên tập.
Bài này hội em viết về âm nhạc chứ không định viết về âm thanh.
Đúng là có rất nhiều điều muốn nói thêm nhưng chưa biết diễn đạt ra sao. Cái này là do chẳng có kiến thức gì về nhạc lý nên chỉ hiểu mù mờ và nói bằng cảm xúc là chính. Rất may Minh Tú là người cũng hiểu hiểu về cái này :D
thutrangnguyen said this on January 21, 2009 at 12:41 pm
Hồi trước chị Tươi trong lớp Lý luận hỏi thầy lập viết về âm nhạc trong phim thế nào. Thầy hỏi lại Thế em biết gì về nhạc không, cả lớp trả lời là không.
“Giáo dục của chúng ta rất kì lạ là chẳng dậy người ta biết được cái gì” nguyên văn câu của thầy Lập
thutrangnguyen said this on January 21, 2009 at 12:44 pm
Chieko bị câm hoàn toàn cung với đo là bị điếc sau một trận ốm nặng hồi nhỏ ( có trong phim). Thường thi ai bị câm sẽ dẫn theo bị điếc, rất hiếm trường hợp chỉ câm mà không điếc ( thường so sốc quá, sợ hãi mà dẫn đến á khẩu tạm thời). Câm có nhiều mức độ, có thể phát âm ú ớ như các bạn của chieko, hoặc hoàn toàn không nói được âm tiết, thâm chí khóc không ra tiếng ( trường đoạn chieko và anh cảnh sát gần cuối phim).
dominhtu said this on January 24, 2009 at 1:12 am
cuối cùng thầy Lập có nói không, Tươi đnag hỏi thầy cơ mà, sao lại chửi giáo dục thế,
quynh12281 said this on January 24, 2009 at 10:05 am
đã xem phim này, 3 lần trong dịp tết,
quynh12281 said this on January 28, 2009 at 9:27 pm
Phim này hay. Ấn tượng mạnh. Bài viết cũng làm em… hẫng hụt, hehe…
@Quynh12281: Không lẽ thầy lại cho học ngoại khóa về âm nhạc? Hehe, thầy mới mở rộng sang triết học đã có người kêu rồi.
Thầy nói câu ấy là hơi cực đoan quá, nói là “Giáo dục của chúng ta rất kì lạ là chẳng dậy người ta biết được những cái cần thiết” thì đúng hơn. Mà nói vậy thì vẫn cứ cực đoan. Hehe…
haphuong812 said this on February 14, 2009 at 10:10 am