“Cỏ trôi dạt” và lời bình
by Nguyen Thi Thanh Hanh
Như thường thấy trong các phim của Ozu, “Cỏ trôi dạt” (bản quay màu sau phim “Câu chuyện về Cỏ trôi dạt” được biết tới nhiều năm trước đó) chậm rãi nói về những mối quan hệ trong một gia đình Nhật Bản, và về sự tan vỡ trong những mối quan hệ đó. Ảnh: Một cảnh trong phim “Cỏ trôi dạt” chụp từ màn hình
Những khuôn hình dường như mang màu sắc rất Nhật Bản, như những gì người ta thường nhận xét về phim của Ozu. Gần như không thấy sự chuyển động của máy quay trong suốt cả bộ phim, các nhân vật qua lại trước khuôn hình, giống như là cách sắp xếp của một sân khấu vậy. Từ một góc rất thấp, giống như là máy quay đang “ngồi” như cách ngồi truyền thống của người Nhật, khán giả chứng kiến các nhân vật đi đứng, nói cười, và thể hiện tâm trạng của họ.
Đôi khi, những sự sắp xếp này có vẻ rất vô lí: Các nhân vật thường xuyên đối thoại trong khi không quay mặt nhìn vào nhau. Sự sắp xếp này, có lẽ, mang lại một ý nghĩa khác về mặt hình ảnh: Từ góc nhìn của khán giả, các cảnh quay cũng giàu hình ảnh, góc cạnh và cá tính, giống như là trong môn nhiếp ảnh nghệ thuật vậy.
Góp mặt sau những khuôn hình vuông vức và tĩnh lặng là rất nhiều những phục trang và các khuôn mặt được tô vẽ theo cách thức của bộ môn kịch kabuki truyền thống của Nhật Bản. Khán giả cũng được thưởng thức một vài phần biểu diễn kabuki của đoàn kịch của Komajuro trên sân khấu. Không mấy may mắn cho Ozu, câu chuyện về một đoàn hát “rất Nhật Bản” này của ông đúng là sẽ mang lại nhiều điều lí thú với các nhà nghiên cứu phương Tây hơn là chính những người Nhật Bản. Thử tưởng tượng, nếu một bộ phim Việt Nam tập trung vào đời sống của một gánh hát tuồng và ê a với những màn hát múa của họ, có lẽ, bộ phim đó cũng không làm hào hứng được nhiều khán giả Việt Nam (trong khi, tất nhiên, đó có thể là một phim quảng bá tốt cho văn hóa Việt Nam và gây được thiện cảm từ các nhà phê bình Tây phương).
Thoại của “Cỏ trôi dạt” chậm rãi, đôi khi là quá chậm nếu so sánh với đa phần các phim thị trường cần càng nhiều càng tốt khán giả mua vé vào rạp hiện nay. Không có những đoạn thoại chanh chua hay quá sắc sảo, kể cả đoạn cãi cọ của Komajuro với Sumiko, các cuộc nói chuyện bình thản diễn ra, về đủ thứ từ nhỏ tới lớn trong gia đình. Những đoạn thoại có vẻ không cần giữ khán giả lại trước màn hình như trên, có lẽ, thật khó tìm ra trong các bộ phim hiện nay, kể cả phim Nhật Bản.
Rất nhân văn, và rất Nhật Bản, nhưng đúng là rất khó thu hút đông đảo khán giả Nhật Bản. Đó là điều có thể nói được từ bộ phim này.
Nhận xét của giới phê bình phương Tây:
“Một phim đầy xúc cảm, trong số ít những phim màu của Ozu, và chạm tới một chủ đề của toàn nhân loại thông qua câu chuyện về một diễn viên trung niên và đào nương trẻ tuổi của ông, dẫn dắt khán giả từ một đoàn kịch kabuki hạng hai tới một thị trấn ven biển nhỏ.”
(Philip French, “Observer”, Anh)
“Những kết nối quen thuộc của Ozu: U sầu và tiếc nuối ẩn giấu dưới những hoan hỉ chỉ nằm trên bề nổi rõ ràng mang lại cảm giác thích thú không thể chối cãi được.”
(Peter Bradshaw, “Guardian”, Anh)
“Một câu chuyện lôi cuốn từ đầu tới cuối”
(Tom Dawson, “Total Film”)
“Một phim màu của Yasujiro Ozu’s, và những khuôn hình thật đáng kinh ngạc.”
(Douglas Pratt, “DVDLaser”)
“Một biến tấu trên chủ đề gia đình từng xuất hiện trong hầu hết phim của Ozu.”
(“TV Guide’s Movie Guide”)
“Chậm rãi, hơi cổ, và là một trong những phim kém nhất của Ozu. Nhưng ngay cả khi yếu hơn so với các phim khác của Ozu, nó vẫn chứa đựng rất nhiều sự tuyệt diệu và đáng để tán thưởng.”
(David Parkinson, “Empire Magazine”)
“Mon men theo hình thức một vở kịch như thường thấy ở Ozu, nhưng sự bộc lộ đủ kiềm chế để không tuột xuống lãnh địa của sự ủy mị.”
(Dan Jardine, “Cinemania”)
“Vẻ đẹp tuyệt đối trong những kết hợp khéo léo và việc sử dụng âm thanh đầy biểu cảm đã kể ra tất cả những gì người xem cần biết về các nhân vật, cảm xúc và những mối quan hệ của họ.”
(Geoff Andrew, “Time Out”)
“Ozu, tuy vô cùng độc đáo xét về mặt kĩ thuật, về cuối cuộc đời, đã trở thành vô cùng giản dị, trong sáng và đáng yêu.”
(Roger Greenspun, “New York Times”)
“Giống như tất cả các tác phẩm khác của Ozu, đây là một bộ phim nhân văn đến kinh ngạc, điều thật hiếm thấy trong thế giới giả tạo của điện ảnh.”
(Don Willmott, “Filmcritic.com”)
“Tác phẩm mang đến sự thích thú bất tận”.
(Jeffrey M. Anderson, “Combustible Celluloid”)
“Một không gian đậm đặc, việc sử dụng một cách rất có ý nghĩa những sự kết hợp màu sắc, thoại, cảnh nội – chủ yếu từ cách quay mang tên Ozu là đặt máy ở vị trí thấp – minh họa một cách đầy ấn tượng về tài năng thị giác của nhà đạo diễn”.
(Tom Dawson, “BBC”)
“Tất cả phim của Ozu đều tuyệt vời”.
(Dennis Schwartz, “Ozus’ World Movie Reviews”)
“Một truyền thuyết sâu sắc quanh câu chuyện đời thường, về cuộc sống, tình yêu và sự mất mát, tất cả được tái hiện với sự tỉ mỉ, lòng trắc ẩn và nhân văn bởi một trong những bậc thầy của điện ảnh Nhật Bản”.
(Ali Catterall, “Channel 4 Film”)
“Các cảnh trong phim của ông chứa đựng những xúc cảm mạnh mẽ hơn là bất cứ hiệu ứng vụ nổ đặc biệt nào của Jerry Bruckheimer”.
(John A. Nesbit, “Old School Reviews”)
“Những bộ phim rảnh rang, chậm rãi của ông không thích hợp với mọi khẩu vị. Nhưng một khi nhịp điệu đó được tiếp nhận, các tác phẩm của Ozu sẽ mang lại những trải nghiệm cảm xúc có một không hai”.
(Dave Kehr, “Chicago Reader”)
“Không sớm thì muộn, những người yêu điện ảnh sẽ đến với Ozu. Ông là nhà đạo diễn trầm lặng và dịu dàng nhất trong tất cả các đạo diễn, là người nhân văn nhất và trong lành nhất. Nhưng những cảm xúc được thổi vào phim của Ozu lại vô cùng mnhj mẽ và sâu lắng”.
(Roger Ebert, “Chicago Sun-Times”)
e rất thích phim này, càng yêu nhật bản hơn,
quynh12281 said this on January 12, 2009 at 10:18 pm
@quynh12281: Quynh12281 làm phim gần gần với cách của Ozu chắc là sẽ hay lắm đấy. Nhẹ nhàng, sâu sắc mà ko cần đao to búa lớn cái gì, xem xong rồi phải ngâm ngợi để thấy dư vị, phim VN mình vẫn thiếu chất ấy (nhất là phim truyền hình), Q à. Thử đi! :D
thanhhangk4 said this on January 13, 2009 at 10:12 am