Đương Đầu: Để tìm lại cuộc đời
by Hà Phương
“Có phải ai khi yêu cũng mất trí như tôi không?”
(lời bài hát trong phim)
Lần đầu xem “Đương đầu” (“Head-on”), bộ phim làm tôi sốc, tôi khóc, và tôi ngưỡng mộ tác giả. Nhưng tôi chưa lý giải được một cách rõ ràng tình cảm của mình vì khi đó chỉ là một khán giả yêu điện ảnh thông thường. Và khi xem bộ phim lần thứ hai tại “LHP Đức tại Hà Nội” tổ chức tại Viện Goethe, tôi vui mừng vì đã tìm được câu trả lời cho bản thân.
1. Những ấn tượng về hình ảnh:
Theo tôi, thành công đầu tiên tác động trực diện tới tâm lý khán giả của Fatih Akin là đã tạo được những hình ảnh ấn tượng, chân thực, đầy sức sống. Ngay từ những phút đầu của phim, cảnh chiếc ôtô lao vào tường không phanh từ góc quay nội, rồi từ trên cao chúc xuống đã khiến khán giả thót tim. Không lâu sau, cảnh Sibel – nữ nhân vật chính đập vỡ chai bia rồi cắt động mạch ở cổ tay, máu bắn tứ tung cũng “thật” một cách đáng sợ, dù không hề có một cảnh quay nào đặc tả trực tiếp hành động đó.
Ấn tượng tiếp theo có lẽ là lối sống điên rồ, quay cuồng giữa nhạc Punk đậm đặc, ma tuý, rượu mạnh và tình dục của “vợ chồng” Cahit – Sibel. Chắc hẳn cảnh sex giữa Cahit và người đàn bà gặp ở quán rượu khó quên với nhiều người. Mặc dù ánh sáng và bóng tối được căn cơ một cách chủ động, song những hình ảnh bạo liệt đầy chất “thú” vẫn không thể không gây sốc cho người xem. Tấm vải màu da báo đã góp hiệu quả không nhỏ trong cảnh này.
Ấn tượng này còn lặp đi lặp lại nhiều lần khi Sibel cắt cổ tay lần nữa vì tuyệt vọng, khi cô bị xâm hại, và khi bị hành hung suýt chết ở Istanbul… Có thể nói, mặc dù không có một cảnh trực diện nào (nhất là trong những cảnh hành động bạo lực), nhưng ánh sáng và âm thanh trong bộ phim đã làm việc không thể tốt hơn.
2. Cuộc đuổi bắt của tình yêu trong sự chuyển biến số phận:
Cahit đã nói sau khi anh trở về từ nhà tù: “Khi tôi gặp cô ấy, tôi đã chết rồi…”, “Tôi đã đánh mất chính mình” … Đó là khoảng thời gian anh tuyệt vọng vì cái chết của người vợ cũ Katherine và cuộc sống chỉ xoay quanh Rượu – Tình dục – Côcain. Ngoài công việc dọn vệ sinh ra, anh sống không lựa chọn, không mục đích, và không cả nguồn gốc xuất thân. Những gì giá trị nhất anh có thể đem lại cho cô dâu Sibel là một căn hộ bừa bộn, bẩn thỉu và dòng máu Thổ Nhĩ Kỳ.
Sibel như một cơn gió mạnh, cuốn bay nếp sống của anh từng bước. Cô thay đổi căn nhà của anh, bữa ăn của anh, diện mạo của anh… và tình yêu của anh. Và con người luôn cắt cổ tay một cách có mục đích này đã gieo vào Cahit lòng yêu sống (dù đầy bản năng và vô thức). Anh thậm chí đã hi vọng vào một cuộc sống vợ chồng thực sự, không chỉ bởi sự hấp dẫn của cô, nhu cầu giải khuây của anh, mà còn bởi tình yêu dần khiến anh đam mệ, tuyệt vọng, giận dữ và nhớ nhung. Và đó cũng là lúc họ phải rời xa nhau khi Cahit đã gây ra án mạng khi bảo vệ danh dự cho vợ.
Cái nắm tay đầy tuyệt vọng của Sibel và lời hứa đợi chờ của cô trở thành liều thuốc cuối cùng cứu vãn cuộc đời anh, đem lại điều ý nghĩa nhất cho Cahit: Mục đích để sống.
Sibel: Nữ diễn viên Sibel Kekilli đã giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Lễ trao giải của Điện ảnh Đức 2004 cho vai nhân vật cùng tên. Cô gây ấn tượng thực sự về sự chuyển biến trong sắc thái tâm lý và diện mạo của một cô gái vốn sống đầy bản năng, chỉ có một mục đích duy nhất là thoát khỏi vòng kiềm tỏa của anh trai và truyền thống cổ hủ của gia đình.
Hôn nhân – như cô mong muốn – đã thực hiện đúng mục tiêu: trở thành chìa khoá cho tự do. Cô vẫn giữ một khuôn mặt vô lo với nụ cười tươi sáng, kể cả khi đẩy cha mẹ tới vô vọng, và dáng đi phơi phới, và những điệu nhảy điên cuồng. Mặt khác, hôn nhân còn cho phép cô tự do quan hệ với bất kì người đàn ông nào cô thích, trừ người chồng hợp pháp.
Thế nhưng hôn nhân trên giá thú cũng đem đến cho cô một tình yêu mới, cùng tuyệt vọng và bi kịch. Đến lúc đó, Sibel mới nhận ra: thiếu người đàn ông cô chưa bao giờ nghĩ đến một cách nghiêm túc là Cahit thì cuộc sống bên ngoài nước Đức, tránh khỏi mọi đe dọa từ gia đình cũng vẫn chỉ “như nhà tù”.
Trớ trêu thay, nếu Cahit được tái sinh bởi cô, thì cô lại được tái sinh bởi một người đàn ông tình cờ – Cem. Để rồi, cuối cùng, chữ “nghĩa” trách nhiệm với người bạn trai hiện tại và con gái đã chiến thắng chữ “tình” bản năng dành cho Cahit. Và người vợ, người mẹ đã thay thế cô gái vô lo ngày nào trong Sibel.
Số phận thay đổi khiến cho tình cảm của họ gặp nhau, nhưng không để họ gắn kết với nhau, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn trên nền tảng là tình yêu và sự hi sinh của cả hai.
3. Những ấn tượng khác.
Tôi thực sự ấn tượng về tạo hình của hai nhân vật chính sau mỗi bước ngoặt của số phận. Cahit (do Birol Uenel đóng) đã từng có một dáng điệu “cầu bất cầu bơ”, rệu rã và rồ dại ra sao – có lẽ một phần nhờ tình trạng nghiện rượu có thật khi anh đóng bộ phim này – thì sau khi ra tù đã có một diện mạo đàng hoàng, chỉn chu và sáng láng bấy nhiêu. Đặc biệt, Sibel từ vẻ đẹp hoang dã phơi phới, đến dáng dấp của một con thú bị thương, và cuối cùng là vẻ đẹp mặn mà của người đàn bà đã có một gia đình thực sự… Thành công trong diễn xuất đã lý giải bốn giải thưởng cao nhất của Điện ảnh Đức mà “Đương đầu” đạt được trong năm 2004: Giải cho Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Những lời ca và âm nhạc đầy những sắc màu rộn rã, tưng bừng, trữ tình… có vai trò phân đoạn cho phim, góp phần tách biệt một cách nhẹ nhàng những mâu thuẫn, va chạm vốn đầy khốc liệt giữa con người với con người trong xã hội hiện đại.
Cuối cùng, không thể không nhắc tới tính đối lập về mặt hình ảnh được nhấn mạnh trong phim. Với những cảnh nóng: nếu những cảnh sex giữa Cahit và người bạn gái ở đầu phim biểu hiện rõ phần “Con” bao nhiêu, thì cảnh sex cuối phim giữa anh và Sibel lại đầy tính “Người” bấy nhiêu. Ít nhất, người ta có thể cảm nhận một tình yêu thực sự trong đó. Và cảnh đặc tả đôi tay của Sibel và Cahit cùng trải khăn ăn cho bữa ăn gia đình mang màu sắc ẩm thực truyền thống và âm nhạc rộn rã cũng gây ra không khí ấm áp, hạnh phúc – đối lập với cảnh hai cánh tay cô độc của họ nắm lấy nhau trong tuyệt vọng và lặng lẽ.
Fatih Akin đã kể lại một câu chuyện giản dị về một cặp vợ chồng thuộc thế hệ người Thổ Nhĩ Kỳ thứ hai ở Đức, nhưng lại đem lại cho chúng ta những đồng cảm vượt mọi ranh giới về đường biên, sắc tộc, tuổi tác và định kiến như thế đấy…
“Đương đầu” – “Head-on” (Anh) – “Gegen die Wand” (Thổ Nhĩ Kỳ)
Bộ phim lừng danh này của Fatih Akin đã đoạt giải Gấu vàng tại LHP Quốc tế Beclin, là mốc lớn trên con đường trở thành ngôi sao sáng nhất trên bầu trời điện ảnh Đức của anh.
Hoàn thành: 3/2004
Thể loại: Tâm lý/ Lãng mạn
23 giải thưởng và 11 đề cử
Đạo diễn: Fatih Akin
Diễn viên: Birol Ünel, Sibel Kekilli
i’m so glad you appreciate akin … and sibel … how wonderful … please don’t stop here ;D
maximumeskimo said this on December 31, 2008 at 12:07 pm
bài viết rất sáng tạo và có những phát hiện tinh tế, :), nhưng kể thì tóm tắt qua nội dung ở trên đầu sẽ cho những người chưa xem dễ theo dõi hơn,
Beclin là cách viết của một số tài liệu cũ và không chính xác lắm, phải là Berlin hoặc Béc-lin (hoặc Bá Linh), :D,
phongsinh said this on December 31, 2008 at 2:25 pm
@ Maximumeskimo: Thank you so much. I’ll check carefully the format next time.
@ Phongsinh: Cảm ơn anh ạ. Em sẽ rút kinh nghiệm lần sau. Đúng là phim này không phổ biến, nên kể sơ qua.
Mà hok lẽ muốn ghi một cách thuần Việt thì phải ghi Béc-lin hả anh? Em thấy sách báo vẫn ghi Matxcơva mà… Ghi kiểu “Mát-xcơ-va” hiình như mới là cách cũ đấy ạ. :P
Hà Phương said this on December 31, 2008 at 3:00 pm
tiếc là film này chưa được xem, sẽ tìm DVD vậy,
quynh12281 said this on December 31, 2008 at 8:15 pm
ừa, muốn thuần Việt thì khá khó, hie, cách tốt nhất vẫn là ghi nguyên gốc từ nước ngoài, trừ trường hợp không thể do đó là chữ tượng hình thì ghi phiên âm quốc tế,
phiên âm Việt thì vẫn nên là Béc-lin, đây là cách cũ nhưng mà anh thấy hợp lý hơn Beclin, Mát-xcơ-va cũng vậy, :),
phải nghiên cứu thêm vấn đề này mới được, :D,
phong sinh said this on January 5, 2009 at 1:05 am
@ Phongsinh: Hi anh, em nghĩ cách viết Mát-xcơ-va chỉ phù hợp thời ông Hai của cụ Kim Lân (trong truyện “Làng”) chuyên đi “nghe” báo ở phòng thông tin thôi.
Còn thời nay, dân tình đều đọc chữ quốc ngữ ngon lành cả rồi, chỉ có tiếng Tây là còn chưa phổ biến ở nông thôn miền núi. Nên em nghĩ ghi kiểu “Matxcơva” thì người biết ngoại ngữ, đặc biệt là thanh niên không khó chịu (thay vì đọc từng từ một như đánh vần), mà cũng không chơi khó những người không biết ngoại ngữ.
Anh thấy sao?
@ chị Quỳnh: chắc chắn bà chị ko ‘tha’ buổi chiếu phim tới. ;)
ĐHP said this on January 5, 2009 at 6:25 pm
ừa, cũng không phải là không có lý, :), hỏi anh Gúc thì thấy báo chí vẫn dùng song song 2 cách này, :),
phongsinh said this on January 5, 2009 at 9:28 pm
Em vừa mới xem bộ phim này, the fist time. Nói thật, cảm xúc khi xem bộ phim thật mạnh. Những hình ảnh gây tác động mạnh, cảm giác khi đó thật khủng khiếp: Khi Cahit đâm sầm vào tường, Sibel tự cứa vào tay cô ấy, rồi khi Sibel bị đánh đập một cách dã man, … Lúc ngồi ở trong phòng chiếu, em đã nghĩ: Ôi ôi, mình cần phải ra ngoài để thở một chút. Thật kinh khủng! Nhưng thật ấn tượng. Sau khi xem phim, rất nhiều cảm xúc. Em đặc biệt thích cách đạo diễn chia các phần của phim bằng các giai điệu trữ tình, lãng mạn, một chút liêu trai… Bài viết này cũng khá thú vị
New moon said this on January 15, 2009 at 3:03 pm
Hiehie, thank Nguyệt. Lần đầu xem thì tớ muốn ra khỏi phòng chiếu ngay cảnh sex đầu tiên của Cahit? Nhưng các yếu tố còn lại quá ấn tượng để tớ xem tiếp.
Tớ cũng ‘bồ kết’ các bài hát mang âm hưởng dân gian của Thổ Nhĩ Kỳ trong phim này. Xem xong còn lên mạng lục về. Nhạc punk trong đó cũng hay nữa. Mà lời thoại cũng hay :-* … Lúc nào nhớ ra có cái gì có thể chê tớ sẽ comment tiếp. :D
ĐHP said this on January 20, 2009 at 11:17 am
“Những lời ca và âm nhạc đầy những sắc màu rộn rã, tưng bừng, trữ tình… có vai trò phân đoạn cho phim, góp phần tách biệt một cách nhẹ nhàng những mâu thuẫn, va chạm vốn đầy khốc liệt giữa con người với con người trong xã hội hiện đại.”
Toàn bài này vẫn thiên về kể lại phim chứ không phải trả lời được câu hỏi “Người ta làm thế nào mà phim hay vậy?”
hoangha said this on February 10, 2009 at 6:36 pm
Cũng có lý ạ. Căn bản vì đây là bài điểm phim thứ 2 của mình.
Thực ra mình đã cố gắng phân tích cái hay của phim trong việc triển khai câu chuyện tình yêu, về mặt kịch bản. Nhưng chưa đạt lắm, đôi chỗ còn sa đà vào kể chuyện.
Cảm ơn bạn đã góp ý nhé!
ĐHP said this on February 11, 2009 at 3:30 pm
[…] Hà Phương | Tin Vắn Điện Ảnh […]
Gegen die Wand (2004) ★★★☆☆ | Cửa Sáng said this on November 24, 2015 at 3:32 pm