Đào Duy Phúc và Hoài Vũ Trắng
by Võ Thị Thúy
Tôi cũng như nhiều khán giả khác, muốn tìm cho mình một lời giải thích ý nghĩa tên phim khi xem “Hoài vũ trắng”. Trong Không gian điện ảnh (Hà Nội) chiều thứ bảy ngày 15/11 vừa qua, cuộc trao đổi thân tình quanh bộ phim giữa những người chuyên, không chuyên và cả những người chỉ mê điện ảnh khiến nhiều người thấy ngỡ ngàng.
TVO: Thưa anh Đào Duy Phúc, tôi cảm thấy nhiều khán giả lớn tuổi trong buổi chiếu phim hôm nay dường như có phần suy nghĩ. Có thể họ đang suy nghĩ về phim của anh, cũng có thể là họ đang suy nghĩ về một miền xa xôi với một mối tình đầu không tên gọi và giờ đây chỉ còn là quá khứ. Nhưng không biết anh có buồn không, khi nhiều khán giả xem phim “Hoài vũ trắng” xong và thốt lên rằng, giá như toàn bộ bộ phim là một sự kết nối của hai phân đoạn thì có lẽ hoàn thiện hơn. Anh đã làm bộ phim theo hai cách riêng biệt nhau giữa thời chiến và thời bình. Đó là một cách làm mới hay bởi đoạn cuối cùng anh đã không trau chuốt, khiến phim bị tuột dốc và không thể theo lối đi ban đầu?
Đạo diễn Đào Duy Phúc (ĐD ĐDP): Bạn đã cảm nhận đúng: phần đầu (chính xác là quá khứ) và phần cuối (hiện tại – cuối 80, đầu 90 của thế kỷ trước) là hai “tông” khác nhau. Và cảm nhận đó của bạn cũng nằm đúng mạch cảm xúc mà tôi muốn khơi ra, muốn dẫn dụ khán giả đi tới (chứ không phải mạch cảm xúc như bạn muốn). Điều đó bắt nguồn từ “tinh thần” của cuốn tiểu thuyết Em đã không quên mà tôi cảm nhận được. Một quá khứ với một tình yêu lãng mạn, bay bổng… và một hiện tại (trong phim cũng như trong truyện) đầy khô ráp, sần sùi khiến khán giả thấy chán chường, chỉ muốn nhớ lại phần quá khứ. Đó cũng chính là tâm trạng của nhân vật Mỹ Linh. Cô sống với người chồng hiện tại nhưng lại luôn hoài niệm về tình yêu cũ. Và như vậy, khán giả đã có cùng cảm giác với nhân vật. Cuộc sống thời hậu chiến đầy thiếu thốn vật chất, khô khan tình cảm vợ chồng, chen chúc trong sinh hoạt tập thể khiến Mỹ Linh mệt mỏi, buồn, chán. Đó là những mâu thuẫn đã được tính toán, sắp đặt trước. Một tình yêu đẹp, những hoài niệm dưới mưa, một tương lai đầy đủ (nếu đi theo tiếng gọi tình yêu) và một hiện tại mà chính khán giả cũng cảm thấy… uể oải. Và nhân vật đã phải đấu tranh, cân nhắc, dằn vặt để quyết định RA ĐI hay Ở LẠI?!
Những cảm nhận của bạn khiến tôi thấy việc dẫn dụ cảm xúc khán giả đã phần nào thành công. Chỉ có điều, một số khán giả khi đã có được cảm xúc chán chường như nhân vật, nhưng lại không chia sẻ sự dằn vặt với nhân vật, lại muốn phần hiện tại vẫn đẹp, vẫn lãng mạn. Thế thì còn gì mâu thuẫn? Nhân vật cần gì phải đắn đo trăn trở nữa? Ở đây, việc cảm thụ một tác phẩm điện ảnh đã không như thông thường. Tôi đưa khán giả đến một tâm trạng giống như nhân vật, để rồi cuối cùng là một sự khắc khoải tiếc nuối như tôi muốn, chứ không phải như khán giả muốn. Và khi đèn bật sáng, có rất nhiều câu hỏi “tại sao”.
Lại một lần nữa khán giả quen đặt câu hỏi và thụ động chờ câu trả lời. Tại sao tình yêu đẹp thế mà họ không đến được với nhau? Tại sao phần đầu lãng mạn, phần sau thì không? Tại sao trung úy ngụy ga-lăng, sống vương giả thế? Sao đại úy quân giải phóng mà lại ở nơi nhếch nhác thế? Tại sao lại có cảm giác khắc khoải, hụt hẫng về một tình yêu đẹp..v.v. và v.v.. Giờ bạn đã trả lời được rồi chứ? – Tại…chiến tranh!… Vậy tại sao khổ thế mà không bỏ đi theo tiếng gọi tình yêu?- Tại tình người, tình yêu quê hương, tại “tình yêu cũng không thể chia sẻ được nỗi cô đơn nơi xứ người”!…
Vẫn đúng là phim tuyên truyền phải không? Nhưng lần này cách truyền tải đã khác rồi đấy. Như vậy, việc khác “tông” về phần sau là cố tình chứ không phải là không trau chuốt. Chủ động cho “lệch pha” từ ánh sáng, màu sắc, bối cảnh, dàn cảnh, diễn xuất… Tuy nhiên, điều mà tôi cảm thấy tiếc và cũng là thiếu sót, chính là không thể có được những cảnh rộng về Hà Nội. Hơi thở cuộc sống hiện đại đã có mặt trong từng góc phố, và chiếc cửa cuốn lọt vào khuôn hình vì người chủ nhà đã khóa cửa đi sắm Tết… Phim rất thiếu những hình ảnh đặc trưng của Hà Nội.
TVO: Một lời biện hộ của anh chăng? Lời giải thích ấy của anh chưa làm tôi hài lòng và dường như cũng không hợp lý lắm. Ý chính mà tôi muốn nói đây là khi xem bộ phim này, khán giả có hai cái nhìn riêng biệt. Đoạn đầu thì làm theo cách làm phim của dòng phim miền Nam. Đoạn sau thì làm theo kiểu truyền thống của những người làm phim xứ Bắc. Anh có nghĩ vậy không?
Đạo diễn ĐDP: Không phải phong cách Bắc kỳ và Nam kỳ mà là chất Huế và chất Hà Nội. Như tôi đã nói ở trên, tôi muốn để khán giả cùng nhập vào cảm giác, tâm trạng của nhân vật. Vì vậy, khi ở Huế, không khí, hơi thở phải “rất Huế”. Khi ở Hà Nội thì phải rất Hà Nội. Do thời cuộc, nhân vật Mỹ Linh là một cô gái Huế phải sống ở hai nơi có hai “chất” khác nhau. Khi đi chọn cảnh tại Huế, những người dân và nhà nghiên cứu Huế đã nói với tôi, rất nhiều bộ phim quay câu chuyện ở Huế nhưng không có “chất Huế”. Người Huế đã không mặn mà với những bộ phim đó. Vì vậy, ngay khi còn là bản nháp, tôi đã mời một số nghệ sĩ người Huế xem trước. Họ đã nói: “Chất Huế thật rồi”.
Có vẻ như lần này lời giải thích ấy đã nghe hợp lý hơn. Khi xem đoạn cuối phim, tôi cũng nghĩ rằng đấy là một bộ phim đặt hàng. Nhưng có một điều tôi cũng như những khán giả đã từng theo dõi toàn bộ bộ phim thấy rằng anh đã dựng rất tuyệt bối cảnh chiến tranh.
Đạo diễn ĐDP: Liệu tôi có thể xem đây là một lời khen không nhỉ? (cười) Ban đầu khi được giao làm bộ phim về chiến tranh, tôi muốn mình làm theo một cách khác, để làm sao thấy được rằng chiến tranh đâu chỉ có bom đạn, chết chóc, và cũng không lặp lại chính mình (phim Sinh Mệnh của tôi cũng là một phim về chiến tranh). “Mỗi bên” chỉ nổ súng một lần trong suốt 90 phút của bộ phim. Tình yêu đã lồng vào một cách ngọt ngào. Đó là lựa chọn của tôi, bởi tôi xác định mô tả sự khốc liệt, sự trớ trêu của chiến tranh thông qua một cuộc tình. Mối tình nhẹ nhàng nhưng nồng cháy. Vị ngọt bờ môi xen lẫn vị mặn chát của những giọt nước mắt chua xót. Tất cả hòa quyện vào với những hạt mưa Huế để thấm sâu trong tim đôi tình nhân. Tình yêu đó đã không thành. Một cái kết hẫng tạo ra sự khắc khoải để khán giả tự tìm thấy câu trả lời cho những băn khoăn của mình khi họ nghĩ về câu chuyện tình của đôi trai gái xứ Huế đã đi qua cuộc chiến tranh ấy.
TVO: Tiêu đề phim “Hoài vũ trắng” giống như tên gọi một loài hoa nào ấy nhỉ? Sau khi xem phim tôi đã tự suy đoán thế này: bộ phim là sự hoài niệm về một quá khứ xa xưa, một sự nuối tiếc cho những khoảnh khắc đã qua. Là đạo diễn và cũng là người tìm “một tên phim ấn tượng”, anh có thể nói một chút về cái tên phim đặc biệt ấy không?
Đạo diễn ĐDP: Tên của cuốn tiểu thuyết này là “Em vẫn không quên” (tên ban đầu là “Em đã không quên”- Lê Minh Khuê). Và tác giả kịch bản Đặng Thu Hà cũng giữ nguyên tên gốc khi chuyển thể. Nhưng tôi đã nghĩ, nếu mình để nguyên cái tên ấy thì sẽ lộ chuyện ngay từ đầu, nên cuối cùng quyết định chọn cho nó một cái tên vừa khác biệt, vừa lạ để trước khi xem, khán giả sẽ suy đoán, tò mò. Khi đèn trong rạp bật sáng, khán giả sẽ hiểu được tên phim. Sau rất nhiều thời gian lang thang khắp nơi chọn bối cảnh cuối cùng tôi đã nhận ra chẳng có nơi nào mà khung cảnh cho đến con người lại đẹp và nên thơ như Huế. Tôi chọn Huế để thổi thêm hồn lãng mạn cho tình yêu trong phim. (Trong tiểu thuyết thì câu chuyện xảy ra ở Sài Gòn 1975).
Khi đi chọn cảnh, họa sĩ Vi Ngọc Mai đã rất tâm lý chuẩn bị nhiều bài hát về Huế và mở liên tục trên xe của đoàn. Mục đích để đạo diễn, quay phim, họa sĩ – 3 thành phần sáng tác chính – cùng “nhập vào hồn xứ Huế”. Ở Huế, mưa rất nhiều. Những cơn mưa cứ rơi liên tục liên tục hàng tháng trời. Vì vậy tôi chợt nghĩ đến việc sẽ quay những cảnh phim ngay dưới những cơn mưa tự nhiên (dù rất vất vả trong khâu sản xuất, vì từ trước đến nay không ai dại gì quay phim nhựa dưới trời mưa thật cả). Nếu quay ở Huế mà lại cũng nắng chang chang thì sẽ mất đi cái hồn của Huế. Và tôi đã nghĩ ra cái tên “Hoài vũ trắng” khi đang đi dưới những cơn mưa đặc trưng của vùng đất này. “Hoài vũ trắng” chính là hoài niệm về những cơn mưa, hay những vũ điệu valse tình yêu dưới mưa. Hai trái tim, hai cơ thể không khoác trên mình những bộ sắc phục. Họ đến với nhau bằng sự trong trắng hai tâm hồn, và những hạt mưa sẽ phủ lên họ trắng nhòa. Kết phim ban đầu của tôi chính là hình ảnh đôi tình nhân khiêu vũ bên những hiện vật chiến tranh, dưới cơn mưa hoài niệm, và cứ thế những hạt mưa cứ trắng dần, trắng dần rồi trắng nhòa màn ảnh…Tuy nhiên, sau đó tôi phải thay bằng cái kết hiện nay và bài valse dưới mưa được sử dụng rất ngắn.
TVO: Tôi thấy cũng buồn khi xem phim xong mình cứ phải hỏi lại đạo diễn và thụ động chờ một câu trả lời. Có lẽ vì khả năng cảm thụ điện ảnh của tôi chưa cao. Nhưng cũng như muôn vàn người xem khác, sau khi xem phim, tôi muốn biết thực chất điều mình hiểu có đúng với suy nghĩ của tác giả không. Anh sẽ nghĩ gì khi đặt tên phim rồi mà khán giả xem xong vẫn cứ muốn đi tìm một câu trả lời thật xác đáng? Anh có nghĩ mình có vẻ quá hình tượng hóa cái tên tác phẩm?
Đạo diễn ĐDP: Tôi không nghĩ là hình tượng hóa đâu. Trước khi làm phim, ai cũng muốn chọn cho mình được một cái tên hay, vừa ấn tượng lại vừa nói lên được điều mình mong muốn. Tôi cũng không thoát khỏi suy nghĩ ấy. Còn điều bạn muốn nói trong cảm nhận điện ảnh và những trăn trở sau phim, tôi nghĩ không phải chỉ một mình bạn, mà đấy chính là cái đặc trưng của người miền Bắc. Tôi cũng có thói quen đặt nhiều câu hỏi sau khi xem một phim điện ảnh, nhưng luôn tự tìm câu trả lời bằng cách xâu chuỗi lại toàn bộ câu chuyện để lý giải cái cảm giác của mình. Những ẩn ý sâu bên trong sẽ hiện lên và tôi “đọc” được bộ phim. Sau khi đổ mồ hôi cho các tác phẩm của mình, tôi muốn khi đèn trong rạp bật sáng, khán giả còn đọng lại điều gì đó về con người, về cuộc đời, có một chút chiêm nghiệm, một chút bâng khuâng để rồi lạc quan bước tiếp trên đường đời.
Nhiều người bảo người Bắc sâu sắc và hay suy nghĩ. Còn người miền Nam ưa sự nhẹ nhàng, xem xong phim muốn sảng khoái, nhẹ tênh đi ra khỏi rạp, để tiếp tục lao vào cuộc mưu sinh đầy biến động. Âu đó cũng là cái “gu”. Tôi không nghĩ là khán giả xem xong cứ phải hỏi lại tác giả cho rõ vì mình chưa hiểu. Khán giả quá sâu sắc nên vẫn muốn biết người làm nên tác phẩm ấy có đồng quan điểm với mình không thôi! (cười rất to).
TVO: Cảm ơn anh. Đó cũng là lời khen rất sâu sắc của người miền Bắc! Nhưng thưa anh, khán giả vẫn muốn nó chạy theo một mạch cảm xúc như ban đầu?
Đạo diễn ĐDP: Mỗi người có một suy nghĩ, một cách làm, và tôi thì làm theo cách nghĩ của tôi. Bởi với tôi, phim là người. Bộ phim của tôi thì phải chính là nhân sinh quan của tôi, cảm xúc của tôi đối với câu chuyện, nhân vật. Và khán giả hãy chiêm nghiệm cuộc sống, tình yêu qua cái nhìn của tôi. Nếu bộ phim thỏa mãn được bạn, thì thử hỏi có thỏa mãn được người ngồi phía trước bạn không? Nười phía sau có đồng ý với bạn? Còn người bên trái, bên phải nữa. Tôi vẫn nghĩ nếu một tác phẩm không xuất phát từ trái tim, cảm xúc của chính người nghệ sĩ thì có nên gắn tên mình ở generic nữa không?… Bạn có thể rất thích món gà rán, nhưng bạn đang thưởng thức món gà luộc do tôi chế biến. Vậy thì xin đừng bắt món gà luộc phải có mùi vị của gà rán. Tôi làm bộ phim này không chỉ cho khán giả trẻ tuổi mà còn dành cho cả những khán giả từng đi qua chiến tranh. Khi bộ phim này được công chiếu ở Trung tâm chiếu phim Quốc gia (Hà Nội), một số khán giả trung niên gọi điện cho tôi và bảo rằng cả đêm họ không ngủ được vì nhớ về mối tình đầu của mình, những cuộc tình cũng xảy ra vào thời điểm của chuyện phim. Lúc ấy tôi thấy hạnh phúc quá, ít nhất thì cũng có người từ phim của mình nhắc họ nhớ về một thời đã xa.
TVO: Và anh đã để cho nữ nhân vật chính ở lại với chồng mà không ra đi theo tiếng gọi của tình yêu. Tôi thì nghĩ thế này, đó cũng là một tính cách rất Bắc mà anh (thì hình như) cũng là một người Bắc Kỳ nên cái căn bản ấy đã không thể xóa bỏ, dù trong tâm thức anh chưa từng nghĩ đến điều ấy. Con người ta là một thực thể. Khi làm rồi người ta mới nhận ra phong cách của mình nó thuộc về hướng nào.
Đạo diễn ĐDP: Trong tiểu thuyết, cô gái sau này làm một hướng dẫn viên du lịch và an phận với công việc của mình. Nhưng trong phim, tôi đã cho nhân vật của mình làm ở Bảo tàng để cô biệt động Huế ấy có cớ thể tìm lại và lưu giữ ký ức. Cái kết của phim làm cho tôi mất ăn mất ngủ nhiều đêm liền. Và khi chọn được cho cô ấy làm nhân viên Bảo tàng lịch sử quân đội, tôi thích lắm. Nhưng cũng chính việc đó lại gây khó xử cho tôi khi đi đến kết phim, bởi cô gái ấy không thể trút bỏ tất cả để chạy theo tiếng gọi của tình yêu (dù chỉ trong giây phút thiếu kiềm chế nhất thời), mà sẽ phải sống mãi với một người chồng khô khan, vô vị ấy, một người chồng không biết yêu và cũng không biết ghen, chỉ được mỗi cái tốt bụng, kiểu “trí thức Bắc Hà”.
TVO: Đó là cuộc sống. Có những cái ta chỉ có thể để nó sâu trong tận đáy lòng. Nếu là cô gái, tôi cũng sẽ không bao giờ từ bỏ cái tổ ấm hạnh phúc của mình đang có để chạy theo cái mà người ta gọi là tình yêu. Ttình yêu lắm nẻo và không phải tất cả các thời điểm đều giống nhau. Tôi thích nhân vật người chồng thứ hai của cô gái. Anh diễn cứ tưng tửng, diễn mà như không diễn. Có thể thấy đây là một nhân vật ấn tượng và hay, dù anh xuất hiện chỉ trong vài cảnh. Nếu có một người đàn ông như vậy tôi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ để họ chạy đâu (cười).
Đạo diễn ĐDP: Đúng là nhiều người cũng có ý kiến giống như bạn. Đó là một lời khen mang hơi thở của người miền Bắc rồi (là tôi nghĩ vậy thôi nhé và không biết có đồng quan điểm với bạn không?). Ngay Hội đồng kiểm duyệt khi duyệt phim cũng bảo đấy là một nhân vật ấn tượng. Tôi cũng thích nhân vật này, nhất là cách diễn tưng tửng của anh Đức Khuê đã làm cho nhân vật của tôi thêm sống động. Ở đó, ta thấy rất rõ cái sự thâm trầm của người Bắc Kỳ, sự dí dỏm pha chút kín đáo, biết hết tất cả nhưng lúc nào cũng làm như mình không biết gì. Ta thấy rất đáng ghét mà không ghét được, muốn bỏ mà không bỏ được, dù không có tình yêu … Diễn viên Đức Khuê đã diễn rất thành công và tôi tin tất cả khán giả khi xem phim cũng có cùng suy nghĩ đó.
TVO: Hiện nay có rất nhiều Đạo diễn trẻ vừa làm việc trong các Hãng phim của nhà nước và đồng thời cũng làm theo đơn đặt hàng của một số Hãng tư nhân. Làm phim tư nhân đương nhiên phải đặt yếu tố thị trường lên hàng đầu. Theo anh, cách làm phim giải trí khác với làm phim do nhà nước đặt hàng ở điểm nào?
Đạo diễn ĐDP: Làm phim giải trí hay làm theo đơn đặt hàng đều phải xác định mục đích của phim, xác định đối tượng khán giả. Ví dụ như đa số người miền Nam thích phim nhẹ nhàng giải trí. Họ muốn cảm thấy nhẹ nhõm khi phim kết thúc. Người miền Bắc thì ngược lại. Khi làm phim về chiến tranh, tôi cố gắng để thế hệ trẻ có thể xem được bằng sự hấp dẫn và cảm nhận được phần nào điều tôi gửi gắm. Những người đã trải qua chiến tranh cũng có cái để hồi tưởng, hiểu được cái nhìn của những người trẻ hôm nay đối với cuộc chiến của dân tộc.
Làm phim giải trí có yếu tố thị trường thì mục đích nhất thiết là phải thu được lợi nhuận bằng tiền mặt. Những khán giả có thể dễ dàng rút tiền mua vé tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Phim do nhà nước đặt hàng thì đề cao tính tuyên truyền, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần nhân văn, bác ái, sẻ chia…và hướng tới khán giả ở tất cả các vùng miền, càng nhiều người được xem, được cảm thụ càng tốt. Như vậy lợi nhuận không phải là tiền mặt, mà là ý thức hệ cộng đồng, tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc. Ý nghĩa chính trị của nó rất lớn, không thể đo đếm được. Khi ta nhìn những bàn chân đi đất, những gương mặt vẫn còn lấm lem và những giọt nước mắt của đồng bào miền núi trong buổi chiếu phim miễn phí ở bãi, mới cảm nhận và thấu hiểu được giá trị của những phim nhà nước đặt hàng.
TVO: Trong cuộc đời, mỗi người đều có những công việc riêng. Nhiều người nói rằng cả đời mình luôn có những nỗi day dứt trong lòng suốt một thời gian dài. Anh vừa có cái thâm trầm của người miền Bắc vừa có cái mới mẻ người niền Nam. Điều này thể hiện rất rõ trong các tác phẩm của anh. Vậy trong thời gian đi làm phim vừa qua, có điều gì làm cho anh day dứt không?
Đạo diễn ĐDP: Đấy là lần tôi tham dự tuần lễ phim ở Pleiku. Lúc bấy giờ bộ phim “2 trong 1” đã rất thành công ở các rạp chiếu từ Nam ra Bắc. Khi phim chiếu ở vùng đất ấy, khán giả đến xem rất đông (xem trong hội trường, xem ngoài bãi, ngoài sân vận động…). Họ cũng cười, nhưng tôi bỗng cảm nhận dường như cái cười của họ khác với người thành phố. Tôi hiểu rằng, đối với họ, câu chuyện trong phim quá xa lạ. Tự dưng tôi thấy mình có lỗi với khán giả ở nơi ấy. Từ trước tôi chỉ nghĩ đến việc làm phim giải trí dành cho người thành phố mà quên làm cho những khán giả ở nông thôn, ở vùng sâu, vùng xa. Họ cũng là người dân Việt Nam, là đồng bào của mình. Nhưng điều kiện sống còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, thỉnh thoảng họ mới được thưởng thức “món ăn tinh thần”, vậy mà lại không hợp khẩu vị. Từ đó tôi nghĩ sẽ phải làm những bộ phim phù hợp với 70% khán giả còn lại ở các vùng miền. Cho đến bây giờ mỗi khi nghĩ đến vùng đất ấy, những gương mặt đồng bào nơi ấy, tôi vẫn nguyên cái cảm giác mắc lỗi với họ. Và tôi sẽ cố gắng làm được những tác phẩm hay hơn, tốt hơn phù hợp hơn với nhiều đối tượng, nhiều vùng đất chứ không chỉ dành riêng cho khán giả ở thành phố.
TVO: Xin cảm ơn anh – một con người của sự gắn kết, một con người vừa thâm trầm, sâu sắc trong cách ứng xử, vừa xởi lởi, vị tha trong cách làm phim. Và tôi mong rằng những tác phẩm như anh mong muốn sẽ sớm ra mắt những khán giả mà trong thời gian qua anh vẫn luôn nghĩ về họ, tri ân với họ. Nếu biết được điều ấy chắc nhiều người sẽ vô cùng cảm động, bởi không phải tất cả đều có thể nhìn thấy được sự khác biệt quá lớn trong cảm nhận nghệ thuật, cái phông văn hóa của các miền như anh.
Đạo diễn ĐDP: Cám ơn bạn đã dành thời gian cho “Hoài vũ trắng”.
When this film screened at TPD in November, K3 folks Dinh Khoi and My Trang were there … it would be nice if somebody learned more about the Hubert Bals Fund connection. That’s the Rotterdam Cinemart fund. Nice interview Thuy oi … I’m hoping this has not appeared already in a magazine or another website … ;D
maximumeskimo said this on December 29, 2008 at 12:46 am
Phải nói là Thúy phỏng vấn hay, khác với những bài phỏng vấn trên báo hiện nay,
Phát huy nhé, dài và sâu sắc,
quynh12281 said this on December 29, 2008 at 1:34 pm
Bis! bis! Hoan hô Chị Thúy…! Kỹ năng phỏng vấn của em cực kém :(…
ngochuyen095 said this on December 29, 2008 at 8:07 pm
Phỏng vấn tốt thật, câu hỏi rất tập trung và mở hướng cho người trả lời, phỏng vấn trực tiếp mà sâu thế này thì quả thực kính phục lắm lắm, chà,
– ờ, người post bài có để lỗi một câu hỏi không có TVO ở đầu, làm tớ tưởng là đạo diễn vẫn đang trả nhời, :D,
phongsinh said this on December 30, 2008 at 1:49 am
pa con khen qua! lam to cu tuong minh “sieu” (xieu) lam y!
vothithuyna said this on December 30, 2008 at 4:55 pm
Tại nhân vật mỹ linh không lấy chồng để chờ anh kia. kết thúc phim không thảm khốc nhưng buồn dai dẳng.
Nguyen Thi Hoa said this on May 24, 2020 at 3:42 pm