Người kể chuyện trong Soul Food
by Bích Thủy
Khi xem bộ phim “Soul food” của đạo diễn George Tillman (1997) tôi đã thực sự bị lôi cuốn bởi câu chuyện về cuộc sống của một đại gia đình người Mỹ gốc Phi hiện đại. Mỗi hình ảnh, mỗi chi tiết đều thật hấp dẫn và sinh động. Đặc biệt là tất cả đã được kể lại dưới góc nhìn của chú bé Ahmad. Bộ phim được trình bày như một câu chuyện mà Ahmad kể lại về gia đình mình mà các sự kiện hay nhân vật trong đó đều gắn với những cảm xúc, tình cảm của chú bé.
Có lẽ cũng cần nói qua về khái niệm người kể chuyện trong phim. Hiểu đơn giản, người kể chuyện là người kể lại câu chuyện, có nghĩa là câu chuyện sẽ được đặt dưới góc nhìn của người kể lại nó. Trên thực tế, lý thuyết về người kể chuyện trong phim khá phức tạp vì có thể xuất hiện rất nhiều người kể chuyện trong một bộ phim, có thể có những người kể chuyện vô hình (chỉ có tiếng kể mà không xuất hiện) và cũng có cả lý thuyết cho rằng người kể chuyện trong phim chính là chiếc camera. Nhưng ở đây, tôi sẽ không đi tranh luận sâu những vẫn đề học thuật phức tạp này. Mục đích của bài viết này chỉ muốn làm rõ tác dụng của việc để cho chú bé Ahmad kể lại câu chuyện về gia đình mình.
Câu chuyện khi đặt dưới nhìn của một đứa trẻ sẽ có gì khác nếu nó đặt dưới góc nhìn của những người khác trong gia đình? Để hiểu điều này trước hết ta hãy tìm hiểu về tính cách của Ahmad. Qua những gì diễn ra trong câu chuyện về gia đình mình, Ahmad đã tỏ ra là một chú bé rất thông minh, sống tình cảm và có phần hơi láu lỉnh. Gia đình Ahmad rất đầm ấm, cha mẹ cậu lúc nào cũng yêu nhau nồng nàn. Ahmad còn có hai em gái xinh xắn. Có thể nói đó là một đứa trẻ hạnh phúc. Nếu Ahmad là một đứa trẻ không hạnh phúc, chậm chạp hay tự ti chẳng hạn thì có lẽ câu chuyện về đại gia đình người Mỹ gốc Phi này sẽ mang một màu sắc khác.
Ahmad dành một tình cảm yêu quý đặc biệt dành cho bà ngoại của mình. Trong mắt cậu bé, bà ngoại là người đầu bếp rất say mê nấu nướng và các món ăn của bà thì tuyệt vời không chê vào đâu được. Bà luôn là người gắn kết mọi người trong gia đình, luôn biết cách xử lý mọi tình huống hợp tình hợp lý nhất và luôn được mọi người yêu mến, kính trọng. Trong tiệc cưới của Bird, điệu nhảy vui nhộn của bà Joe còn thu hút mọi người hơn cả màn biểu diễn bốc lửa gợi cảm của cô cháu ngoại Faith.
Ahmad yêu quý tất cả mọi người trong gia đình, kể cả bà bác Teri kiêu căng, khó tính, người chú rể Lem vào tù ra tội hay người cô họ Faith lẳng lơ… Đó là lí do tại sao khi xem phim ta không cảm thấy ghét bỏ nhân vật nào dù ta biết họ đã có nhiều lỗi lầm. Không ai xấu hoàn toàn, dưới con mắt của Ahmad, mỗi người trong gia đình cậu đều có những điểm tốt, những điểm đáng yêu. Bác Teri rất khó chịu nhưng không hoàn toàn vô tâm khi đã giúp Lem thoát tội ra tù, chú Lem thô bạo nhưng thật vui tính, tốt bụng…
Nhưng cậu bé Ahmad nhân hậu còn là một chú bé rất láu lỉnh nữa. Thế nên Ahmad biết cả chuyện mẹ mình và bác Teri từng là “tình địch” ra sao, bố mẹ cậu thể hiện những cử chỉ âu yếm tình tứ với nhau thế nào. Những chuyện “nhạy cảm” đó đặt dưới cái nhìn của chú bé Ahmad lại trở nên thật đáng yêu và hài hước. Nếu là mẹ Maxine, bố Kenny hay bác Teri kể lại chuyện ngày xưa giữa ba người thì có lẽ nó sẽ trở thành một chuyện “em cướp người yêu chị” ghê gớm và chẳng vui vẻ chút nào.
Ahmad cũng rất nhạy cảm, chú bé có cái nhạy cảm ngây thơ của trẻ con. Vì thế cậu bé đã nhận thấy sự im lặng khác lạ của bác Teri sau khi nhìn thấy người chồng làm tình với Faith ngay tại nhà mình. Ahmad cảm thấy thương bác mình và ta thấy hình ảnh của Teri trong đoạn này rất tội nghiệp, đầy cô đơn yếu đuối dù vẻ bề ngoài hung dữ.
Hẳn có nhiều người sẽ thắc mắc rằng đâu phải tất cả câu chuyện trong “Soul food” đều được kể dưới góc nhìn của cậu bé Ahmad. Quả thực là như vậy, có những việc mà chắc hẳn cậu bé Ahmad đã không được chứng kiến. Đó là những đoạn không có lời dẫn chuyện của Ahmad và ta không biết nó được nhìn nhận qua con mắt của ai, rất có thể chỉ có camera là “người” chứng kiến sự việc đó. Điều này cũng hoàn toàn không có gì là lạ, trong văn chương hiện đại, với những truyện được kể dưới ngôi thứ nhất “tôi” chủ quan người ta vẫn thường thêm vào các đoạn được kể hoàn toàn khách quan, không dưới cái nhìn của ai cả. Cách làm này sẽ giúp cho câu chuyện được kể khách quan và đáng tin cậy hơn. Song theo tôi nghĩ, thực ra điều này cũng không ảnh hưởng lắm đến việc tìm hiểu về tác dụng của người kể chuyện trong bộ phim này.
Mặc dù đôi chỗ trong “Soul food” có thể gây cảm giác hơi gượng ép nhưng nó thực sự là một bộ phim mang lại nhiều cảm xúc. Nó đã đưa đến cho tôi một bức tranh thật sinh động, đáng yêu về cuộc sống của những gia đình người Mỹ gốc Phi trong xã hội hiện đại. Và chắc hẳn “Soul food” sẽ chẳng để lại ấn tượng sâu sắc đến thế nếu bức tranh ấy không được vẽ bởi cái nhìn của cậu bé Ahmad nhân hậu mà tinh nghịch.
Nguồn ảnh: www.muzikshackmania.com/
great idea in this post …
maximumeskimo said this on December 29, 2008 at 12:21 am
Một câu chuyện về đại gia đình người Mỹ gốc Phi phức tạp, nhưng nhờ có người dẫn chuyện là Ahmad – một cậu bé thông minh và có tình yêu thương đặc biệt với người thân khiến bộ phim trở nên hài hước, vui vẻ.
Ngoài nội dung phim thì âm nhạc của Soul Food vô cùng ấn tượng, nó được làm bởi một producer âm nhạc đình đám – BabyFace. Nhờ có thầy Ed lớp mình đã khám phá một lãnh địa phim mới đầy hấp dẫn.
thutrangnguyen said this on December 29, 2008 at 12:59 am
For Dean: Thank you so much. This’s the first time I post a article to Tinvanonline and your comment make me more confident to continue posting others ^^
thuy1205 said this on December 29, 2008 at 1:08 am
please do … go forward, nha … and tell ed about your idea … he was really happy when i told him about it today ;D
maximumeskimo said this on December 29, 2008 at 1:29 am
cách đặt vấn đề sáng tạo, lời văn chân thật không hoa mỹ, có lẽ người viết chịu ảnh hưởng của lối kể chuyện trẻ con kia chăng, :),
có khi nên xem thêm “The tin drum” để cũng thấy cuộc sống xô bồ trong con mắt một đứa trẻ diễn ra như thế nào, hie, cảnh báo một chút là phim sẽ gây sốc, :),
chúc mừng bài viết đầu tiên lên hình, :D,
phongsinh said this on December 30, 2008 at 1:34 am
[…] Bích Thủy | Tin Vắn Điện Ảnh […]
Soul Food (1997) ★★☆☆☆ | Cửa Sáng said this on November 24, 2015 at 2:43 pm