
by Đỗ Phương Thảo
Truyện ngắn “Chùa Đàn” của Nguyễn Tuân được xuất bản giữa năm 1946, gồm ba phần, trong đó phần II – chính truyện là “Tâm sự của nước độc”. Năm 1987, được đồng nghiệp Phạm Thuỳ Nhân kể lại cho nghe về “Chùa Đàn” , đạo diễn Việt Linh đã bị ám ảnh bởi câu chuyện này.
Năm 1992, bà tiếp xúc với gia đình nhà văn, viết đề cương kịch bản, xin phép làm phim, tìm tài trợ… Khi làm phim, các tác giả kịch bản đã loại bỏ phần I và III, chỉ giữ lại “Tâm sự của nước độc” . Đó là một quyết định liều lĩnh, dũng cảm nhưng cũng rất đúng đắn. Khảo sát quan hệ giữa truyện “Chùa Đàn” và phim “Mê Thảo, thời vang bóng” là một khảo sát liên văn bản để thấy được hệ thống kí hiệu của “Chùa Đàn” đã được chọn lọc và thâu nhập vào một hệ thống kí hiệu mới của “Mê Thảo, thời vang bóng” như thế nào, cũng như hệ thống kí hiệu mới này đã được sáng tân nhằm phục vụ cho chủ đề tư tưởng mới của “Mê Thảo, thời vang bóng” ra sao?
1, Cây đàn:
Cây đàn (đặc biệt là đàn hạc, đàn lia, đàn Xita) trong ý nghĩa văn hoá của nó không đơn thuần chỉ là một nhạc cụ tượng trưng cho cảm hứng thơ ca và âm nhạc mà còn là “biểu tượng và công cụ hài hoà vũ trụ”, “nối liền trời với đất”. Chẳng thế mà các bậc anh hùng trong sử thi thường muốn được thiêu cùng đàn hạc trên giàn hoả táng để đàn sẽ đưa họ sang thế giới bên kia. Tiếng đàn hạc cũng tượng trưng cho sự tìm kiếm một hạnh phúc mong manh trong một cuộc đời mà không có gì chắc chắn hơn là cái chết gần kề.
Cây đàn trong truyện ngắn của Nguyễn Tuân và được tái hiện lại trong phim “Mê Thảo, thời vang bóng” là cây đàn đáy – một nhạc cụ đặc trưng cho lối hát ca trù. Đàn có 3 dây, 11 phím, thùng vuông, thân đàn dài. Tiếng đàn phải theo tiếng hát, bén, quyện thanh âm nghe không vang và không trong mà có vẻ dìu dịu, đùng đục. “Nghe tiếng đàn đáy ta có cảm giác đứng trong một cung điện âm u, hay trước một phong cảnh bị phủ dưới làn sương mù”. Đó là cây đàn kì lạ của Chánh Thú: cây đàn làm bằng ván gỗ quan tài của người con gái đồng trinh, đêm đêm lại đổ mồ hôi và vật vã phát ra những tiếng thở dài. Cây đàn tử thần sẽ đưa bất kì ai dám đụng vào nó chỉ một lần về nơi vĩnh quyết. Bản thân nó cũng có một số phận oan nghiệt: chảy máu, tan vụn và huỷ diệt sau cái chết của người tài tử.
Cả truyện ngắn của Nguyễn Tuân và trong bộ phim của Việt Linh đều dành một độ dài đáng kể để miêu tả, thể hiện chiếu hát “tam nhân” định mệnh trong đó: Bá Nhỡ (Tam), cô Tơ vừa hát vừa gõ phách, Lãnh Út (Nguyễn) điểm chầu. Cùng xoay quanh cây đàn đáy nhưng ở bộ phim, lúc thì máy quay cận cảnh bàn tay bấm trên phím đàn của Tam, lúc là toàn cảnh chiếu đàn “tam nhân”. Đồng thời, người xem có dịp được thưởng thức trực tiếp âm thanh của tiếng đàn đáy và giọng hát ca trù do nghệ sĩ Thành Hoài thể hiện.
“Mê Thảo, thời vang bóng” đã đưa thêm vào mối quan hệ đơn thuần nghệ thuật này mối tình của cô Tơ – thầy Tam. Chiếu đàn “tam nhân” xuất hiện ngay ở đầu phim với lời giới thiệu: Cô Tơ – ca nương nức tiếng từ Nam Định và thầy Tam – “ngón đàn trứ danh của đất Hà thành”. Cuộc tình đầy ngang trái giữa họ đã làm cho mọi hành động của Tam luôn có cả động cơ vị tha và nỗi lòng vị kỉ. Tam thuyết phục cô Tơ hát để cứu cậu Nguyễn, đồng thời cũng để mang lại một kết cục có ý nghĩa cho mình: “Cho tôi được chết không vô nghĩa, được chết bên em”.
Đoạn cuối, đôi cố nhân cô Tơ – thầy Tam ngồi lại với nhau trong chiếu đàn thiếu người điểm chầu. Cao trào dồn dập kịch tính, ăm ắp thanh âm được đọc ra từ giọng hát – tiếng đàn, trộn đẫm với máu và nước mắt ở “Chùa Đàn” đã được phim thể hiện khác đi, bằng tổng hợp hiệu quả của ca từ, tiết tấu của âm nhạc và diễn xuất đặc tả của hai nhân vật, đặc biệt qua ánh mắt. Lời ca, tiếng đàn vừa có tác dụng thức tỉnh cậu Nguyễn, vừa là nỗi lòng riêng của cô Tơ – thầy Tam trong cuộc sinh ly tử biệt. Cuộc hát trong phim với những sáng tạo đặc sắc đã đưa câu chuyện lên đỉnh điểm theo mạch riêng của nó.
Tiếng hát, tiếng phách làm nên một cuộc giao hoà âm nhạc, trong hoàn cảnh định mệnh, nó là biểu tượng tổng hoà của nghệ thuật đàn hát, là tiếng lòng, là đời người. Với Bá Nhỡ (Tam), việc ôm cây đàn đáy định mệnh vào chiếu hát vừa là để “trả nợ đời” vừa là để tìm một kết cục có ý nghĩa cho cuộc đời nhỡ nhàng của mình. Như vậy, cây đàn đã trở thành phương tiện để đưa ra nghệ thuật đến với một cái đích nhân sinh, để người nghệ sĩ dồn hết tâm huyết vào cuộc sáng tạo nhằm tìm ra ý nghĩa của cuộc đời và nghệ thuật.
Ý nghĩa này về cơ bản được bộ phim cố gắng chuyển tải, nhất là ý nghĩa cây đàn- cuộc đời, gắn liền với Tam. Tuy nhiên do hình ảnh không đủ sức gợi nên phim phải mượn đến lời thoại của nhân vật để chỉ dẫn: “Đời tôi giống như một cây đàn, thà một lần được rung lên tan nát bởi thanh âm còn hơn câm nín chờ mục rỉ. Tôi đang chờ nghe cái tiếng của mình đây, thử xem nó cay đắng thế nào”. Và quyết định chơi cây đàn định mệnh với Tam ngoài mục đích tha nhân của nghệ thuật còn là một sự thí nghiệm bản thân mang nhiều ý nghĩa vị kỉ, tự thân.
2, Lửa:
Ý nghĩa biểu tượng của lửa phân biệt theo hai hướng: sự soi sáng và sự tẩy uế. Đồng thời, nó huỷ diệt, thiêu cháy để tái sinh. Lửa trong “Chùa Đàn” và “Mê Thảo, thời vang bóng” đều không chỉ là thứ soi sáng mà hơn hết nó gắn với ý nghĩa huỷ diệt, thiêu cháy nhằm tẩy uế. Chỉ có điều, “huỷ diệt” như thế nào thì truyện và phim lại có những cách giải quyết khác nhau.
Bên cạnh những ngọn lửa để soi sáng thông thường, lửa trong truyện và phim này thường hiện ra dưới dạng đám cháy mang ý nghĩa thiêu huỷ. “Tâm sự của nước độc” và sau này là bộ phim “Mê Thảo, thời vang bóng” đều kết thúc với cảnh đốt cháy tửu phần. Đó chính là sự đoạn tuyệt với quá khứ của Lãnh Út (Nguyễn) sau cái chết của Bá Nhỡ (Tam), cắt đứt nguồn nước độc, đốt cháy con người cũ, huỷ diệt hoàn toàn những mê lầm.
Tuy nhiên trong truyện ngắn “Chùa Đàn”, đốt cháy tửu phần là một hành vi “tự huỷ diệt để tái sinh” của Lãnh Út. Sau khi hạ thổ Bá Nhỡ, tửu phần được khai quật, chum, hũ bị tháo nút ngả nghiêng, nước sánh chảy ra lênh láng. “Sẵn bó đuốc cháy, Lãnh Út vứt luôn vào lửa phần khai quật. Gò rượu phát hoả. Lửa men khê nồng bốc lên liên tiếp. Cho đến hết canh ba mà ngọn lửa men rượu xanh lè cũng chưa dịu ngọn. Đêm phóng hoả tửu phần, thảo mộc chim muông vùng Mê Thảo bị một trận say lây…”. Sau đó Lãnh Út thực hiện một cuộc sinh ly trước biển lửa: thề làm một người điếc với đàn hát và không bao giờ cầm đến một cái chén nào của cuộc đời này.
“Mê Thảo, thời vang bóng” có một kết thúc khác hẳn với “Chùa Đàn”. Cậu Nguyễn không hề có ý thức tự huỷ diệt, cương quyết dứt bỏ những mê lầm như Lãnh Út. Vừa thức tỉnh từ mê lầm, cậu lại suy sụp ngay tức khắc trước thực tại phũ phàng: dân bỏ ấp quây quần bên tuyến đường sắt đang lắp đặt. Cậu Nguyễn quỳ gối trên nền đất tửu phần, tưới rượu lên mặt thầy Tam như mời chén rượu cuối. Rồi cậu bưng vò rượu, ngửa cổ mà uống giữa trời, cho đến khi say gục bên xác quản Tam. Rượu chảy lênh láng, bắt cháy với ngọn lửa đuốc, biến tửu phần thành mồ thiêu, hoả táng cả Nguyễn và Tam.
Đám cháy trong phim như vậy không phải là biểu tượng cho luận đề triết lí “tự huỷ diệt để tái sinh” mà là bi kịch của những mê lầm vô phương cứu chữa dẫn đến sự huỷ diệt hoàn toàn. Bộ phim với sự sử dụng ánh sáng thành công đã xây dựng cảnh gò rượu phát hoả rừng rực trong sự đối chiếu, song song với những bước chân của Cam chạy dồn dập trong đêm và cảnh những thanh ray đặt xuống liên tiếp trong tiếng cười, tiếng hát, tiếng kèn Tây của dân ấp. Kết thúc trong cái nhìn tuyệt vọng của Cam về phía đám cháy, bộ phim thể hiện sự huỷ diệt hoàn toàn của những mê lầm không phương cứu chữa.
Bên cạnh đó, bộ phim này đã sử dụng rất thành công ánh sáng. Lửa trở thành hình ảnh biểu trưng trong nhiều cảnh: những đốm lửa xa chập chờn trong đêm tối hay là hiện thân của Cam – cô gái nghèo bất hạnh với một tình yêu tha thiết giấu kín trong lòng; đám cháy thiêu huỷ gia sản cuả cậu Nguyễn hay sự phát hoả của những đau đớn đến thành mê muội; cảnh thả đèn trời cầu thiên phúc hay sự nghịch thiên đạo của chủ ấp Mê Thảo?
Như vậy, giữ nguyên được hệ thống những biểu tượng chính của truyện ngắn, bộ phim đã có sự chuyển thể thành công và nhiều sáng tạo. Tuy nhiên nó vẫn không tránh khỏi đôi chỗ gượng ép khi ở một số đoạn, hình ảnh chưa đủ sức lột tả hết ý nghĩa của biểu tượng, bộ phim đã phải mượn đến lời nhân vật để thuyết minh. Đó cũng là một điểm yếu thường thấy ở nền điện ảnh của chúng ta.
Like this:
Like Loading...
Related
~ by Đỗ Phương Thảo on December 25, 2008.
Posted in Critical Writing, Recent Posts
Tags: Giai Phong Studio, Ho Chi Minh City, Me Thao, Nha Hang Giai Phong, Pham Thuy Nhan, phim viet nam, Viet Linh, Vietnamese Feature Film, Vietnamese Film
đoạn cuối cùng này cần có ví dụ cụ thể, khen thì có thể chung chung, chê phải cụ thể, :),
phongsinh said this on December 30, 2008 at 2:50 pm
Đoạn cuối cùng này chỉ là Kết luận khái quát lại cả bài viết, còn ND cụ thể và dẫn chứng đã được nêu ở phía trên: “Ý nghĩa này về cơ bản được bộ phim cố gắng chuyển tải, nhất là ý nghĩa cây đàn – cuộc đời, gắn liền với Tam. Tuy nhiên do hình ảnh không đủ sức gợi nên phim phải mượn đến lời thoại của nhân vật để chỉ dẫn: “Đời tôi giống như một cây đàn, thà một lần được rung lên tan nát bởi thanh âm còn hơn câm nín chờ mục rỉ. Tôi đang chờ nghe cái tiếng của mình đây, thử xem nó cay đắng thế nào”!!!
Đỗ Phương Thảo said this on January 2, 2009 at 12:28 pm