Con chim vành khuyên
by Nguyễn Như Quỳnh
Đây là một trong những bộ phim thời kỳ đầu của điện ảnh cách mạng đầy chất thơ và có nhiều thành công không chỉ cốt truyện, bối cảnh mà góc quay, điểm nhìn cũng khá rõ nét. Chúng ta có thể tự hào một bộ phim như thế trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Một bộ phim ngắn (60 phút) nhưng dung dị và sâu sắc.
Cô bé Nga do Tố Uyên đóng khá thành công bởi sự tự nhiên, diễn đạt sâu sắc nội tâm, những ánh mắt trong trẻo, hồn nhiên nhưng cũng chứa đầy căm thù khi nhìn thấy giặc hành hạ cha mình.
“Con chim vành khuyên” hay nhờ góc máy quay được đặt từ nhiều phía, từ trên cao ghi cảnh sông nước của một vùng quê. Góc máy quay từ dưới lên miêu tả bầu trời và cánh diều. Đẹp nhất là cảnh Nga nhảy bậc thang. Dường như lúc đó, đạo diễn và quay phim phải có cái nhìn thấu cảm sự hồn nhiên và nhỏ bé của cô bé với đỉnh cao là bầu trời, khi cô bé nhảy từng bậc lên đến đỉnh cao nhất của cầu thang. Phim có nhiều cận cảnh diễn tả sự hồn nhiên của Nga và những giọt nước mắt của người cha rất đỗi yêu thương con gái. Đó là một thành công lớn của bộ phim ở thời điểm khó khăn ấy.
Đặc biệt, bộ phim có sự biến đổi nhân vật rõ nét của cô bé từ đầu phim cho đến phút cuối cùng. Từ một cô bé hồn nhiên, nhảy dây suốt ngày, theo cha chở đò đến khi lang thang và nhìn thấy ngôi đền cổ sợ hãi đến khi đi chở khách sang sông, đón chị Hiền, Nga có nhiều thay đổi. Và sự biến đổi ấy, đạo diễn không giải thích và nói nhiều như nhiều bộ phim khác, nhưng khán giả thấy rõ sự trưởng thành của Nga đến phút cuối khi cô chạy ra bờ sông báo, có giặc đò.
Hình ảnh biểu tượng con chim vành khuyên là một hình ảnh đẹp, giàu chất thơ và trữ tình khiến cho một bộ phim về chiến tranh nhưng chúng ta vẫn thấy thanh bình, vẫn thấy trong sáng. Chim vành khuyên đã cất tiếng hót khi Nga nhắm mắt. Đó là tiếng hót của tự do và cũng là khát vọng của dân tộc, quê hương.
Âm thanh và âm nhạc trong phim có sự phối hợp hài hòa với câu chuyện, khiến khán giả bị cuốn theo những chi tiết, tình huống gay cấn. Ở cảnh Nga gọi lên tiếng “cha” yêu thương ở cuối phim, tôi đã òa khóc. Dường như ở tình huống đó, sự dồn nén được mở ra, và nhân vật của chúng ta được giải thoát khỏi những đau thương bằng cái chết nhưng đó cũng là biểu tượng đẹp, một hình ảnh thiêng liêng.
Hình ảnh người trẻ dũng cảm, chiến đấu cho cách mạng, đất nước cũng trở thành một mô típ trong văn học và điện ảnh. Nhưng với “Con chim vành khuyên”, ở những năm thập niên 50 thế kỷ trước, chúng ta vẫn thấy tươi sáng, một hình ảnh Nga trong trẻo, hồn nhiên, cặp mắt ngây thơ nhưng rất đỗi quyết liệt. Tôi thích hình ảnh của Nga khi nhảy dây trước sân nhà, một hình ảnh không dễ có của những đứa trẻ ở hoàn cảnh cam go như thế. Và khi cha bị bắt, Nga đã không thể nhảy được như thế khi giặc bắt Nga trình diễn màn đó.
Dù còn những thiếu sót trong phim, nhưng với tôi, “Con chim vành khuyên” luôn cho tôi những rung động mãnh liệt khi xem và hồi tưởng về một tác phẩm của điện ảnh Việt Nam lúc bấy giờ. Rất ngạc nhiên khi đó là tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên khóa 1 của trường điện ảnh Việt Nam. Phải chăng đó chính là sức trẻ và tài năng, sự sáng tạo của đạo diễn Nguyễn Văn Thông và ê-kíp thực hiện bộ phim này?
~ by quynh12281 on December 15, 2008.
Posted in Critical Writing, Recent Posts
Tags: Con chim vành khuyên, film music, ibragimov, influence of soviet cinema, Nguyễn Văn Thông, Phim vietnam, socialist realism, Tố Uyên, tran vu, vietnamese drama, Vietnamese film history
đã đọc hết,
phongsinh said this on December 16, 2008 at 1:17 pm
tks bạn phong sinh,
quynh12281 said this on December 16, 2008 at 4:27 pm