The Bicycle Thief

200px-ladri3

by Ngô Thị Thanh

Bộ phim “The bicycle thief” (1948) của đạo diễn người Ý Vittorio De Sica nằm trong trào lưu hiện thực mới (neorealism) (1942-1951). Cốt truyện kể về người đàn ông nghèo khổ Antoni Ricci (Lamberto Maggiorani) kiếm được công việc nhưng người ta yêu cầu anh phải có một chiếc xe đạp.

Antoni và vợ bán những tấm ga trải giường để mua một chiếc. Trong ngày đầu tiên đi làm, không may nó bị lấy cắp và Antoni hoang mang, thẫn thờ tìm kiếm. Anh và đứa con Bruno dành ra cả một ngày để truy lùng chiếc xe đạp trên khắp các nẻo đường ở Rome. Những tưởng bắt được tên trộm nhưng Antoni không có một bằng chứng nào trong khi kẻ đó được mọi người bảo vệ. Nhân vật bế tắc và quyết định ăn trộm một chiếc xe đạp. Anh bị đuổi đánh ngay trước mặt đứa con. Bộ phim kết thúc bằng việc Antoni được tha và cùng đứa con đi lẫn vào dòng người tấp nập.

Từ tình huống chiếc xe đạp bị mất, tác phẩm mở ra nhiều lớp nghĩa và tác động mạnh mẽ đến suy ngẫm về số phận con người trong thời kì hậu chiến. Antoni không có nhiều lựa chọn: anh chỉ giữ được công việc khi có chiếc xe đạp và điều đó sẽ nuôi sống gia đình. Nhưng bất hạnh ập đến khi Antoni bị mất nó. Anh làm mọi cách để tìm lại chiếc xe đạp, cùng con trai đi khắp các con phố ở Rome, chấp nhận trò chơi may rủi của số phận.

Antoni bấu víu vào chính quyền nhưng đáp lại là sự bàng quan, vô trách nhiệm. Anh nhờ cậy bạn bè và cả bói toán, thần linh. Có thể thấy rằng, qua từng trường đoạn, nhân vật càng trở nên nhỏ bé, cô độc. Con người tìm đến những thế lực siêu nhiên khi bản thân nó không thể kiểm soát thực tại, lý trí bất lực trong việc tháo gỡ bế tắc và niềm tin vào thần thánh là nguồn an ủi cuối cùng.

Cả bộ phim trở thành hành trình tìm kiếm vô vọng. Đường phố hiện ra như một mê cung bất tận đầy những ngẫu nhiên, tình cờ. Khi lựa chọn đối tượng như vậy, De Sica khiến cho cốt truyện trở nên lỏng lẻo, thiếu mạch lạc, nhiều ngã rẽ. Tất cả nằm trong ý đồ diễn tả quan niệm mới về hiện thực của đạo diễn đó là tính bất toàn tri và thân phận bi đát của con người. Kẻ cắp xe đạp chưa bao giờ (và có lẽ không bao giờ) thực sự lộ diện. Nó tồn tại như một ám ảnh dằn vặt bóp nghẹt sự khôn ngoan của Antoni.

Vì thế nhân vật đuổi theo hết người này đến người khác dường như đúng mục tiêu nhưng có thể đó chỉ là sự xô đẩy của khủng hoảng, căng thăng tâm lý dẫn đến ngộ nhận. Con người lạc hướng, bế tắc. Chính trong hoàn cảnh đối diện với sự sống còn, nhân phẩm dần dần bị tha hoá. Antoni có lúc trở nên cáu gắt vô cớ với đứa con anh yêu quí. Tình trạng sợ hãi, tuyệt vọng khiến nhân vật không còn tỉnh tảo, đòi hỏi ở đứa trẻ nhỏ một hiểu biết, hành động vượt tuổi, thậm chí anh còn cư xử thiếu tình thương. Bộ phim chứa nhiều chi tiết không có liên quan tới chuỗi nhân quả, đặc biệt là cảnh hai bố con trú mưa bất chợt xuất hiện các tu sĩ.

Khuôn hình hẹp càng tô đậm cảm giác hai con người nhỏ bé bị lấn át, khoả lấp. Cảm giác này đẩy đến cao độ ở đoạn gần cuối bộ phim khi Antoni và Bruno đi giữa toà nhà cao ngút được quay ngược sáng. Nó gợi ra sự bơ vơ, trơ trọi, tội nghiệp. Âm thanh của đường phố ồn ào, xô bồ chiếm một dung lượng nổi trội đem lại độ căng thẳng, bức bối. Việc sử dụng tinh tế yếu tố ngoài ranh giới câu chuyện giúp người xem thâm nhập vào cảnh huống dồn nén, cùng quẫn mà con người đang nếm trải. Cuối cùng Antoni lại rơi vào vòng luẩn quẩn, bế tắc khi anh trở thành kẻ cắp, nạn nhân trở thành tội nhân.

Bộ phim mang màu sắc uy-mua đen thâm thuý: tên của nhân vật là “Ricci” (giàu có) nhưng thực tế anh rất nghèo khổ. Ảo tưởng về một xã hội mà các thể chế có thể bảo vệ nó sụp đổ. Cảnh cuối cùng đầy ám ảnh: hai cha con nắm chặt tay nhau trong nước mắt. Họ không nói một lời nào vì nỗi chua xót, tủi nhục. Ai cũng hiểu đã có một cái gì đó đổ vỡ, rạn nứt. Những con người tội nghiệp, lủi thủi đi lẫn vào lòng đường tấp nập qua lại. Bánh xe cuộc sống vẫn quay bất kể số phận con người đang bị đẩy đến chỗ đánh mất bản tính người của nó.

Việc lựa chọn một cái kết mở, không lời giải đáp thể hiện quan niệm về bản chất cuộc sống của các nhà làm phim theo chủ nghĩa hiện thực mới. Xã hội tồn tại nhiều điểm mờ tối, tham vọng muốn lý giải tìm kiếm sự thực là không thể. Và hành trình sống chính là hành trình chống lại sự tha hoá trong mỗi con người.

Bộ phim giản dị nhưng sâu sắc và xúc động. De Sica đã chọn một câu chuyện nhỏ để kể về số phận con người muôn thuở. Nó đặt vấn lại những niềm tin vào các thể chế, tình thương, sự trong sạch, lương thiện. Tất cả đều vô cùng mong manh và nằm ngoài tầm với của chính chủ thể tạo ra nó……

~ by ngothanh on December 9, 2008.

7 Responses to “The Bicycle Thief”

  1. Please try to follow the format guidelines and include tags next time you post. Films like this one have been written about for many years by many people. There are some key points that have been explored in considerable detail. Maybe next time you can try to cite at least one expert on neorealism that agrees or disagrees with your ideas. Keep up the good work:

    http://www.amazon.com/Italian-Light-Neorealism-Millicent-Marcus/dp/0691102082

  2. bài viết quả là có chiều sâu trong suy ngẫm, viết được thế này chắc không chỉ xem có một lần đâu nhể,

    xin bạn giải thích thêm về “tính bất toàn tri”,

  3. híc, tớ mới chỉ được xem có 1 lần ;(. Thực ra cái “Bất toàn tri” là khái niệm xuất phát từ triết học. Nếu triết học duy lý cho rằng con người có khả năng nắm bắt được qui luật của tự nhiên và xã hội bằng trí tuệ của nó thì triết học hiện đại (đặc biệt là đầu thế kỉ 2o khi con người phải trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới kinh hoàng)lại phủ nhận khả năng kiểm soát tự nhiên và xã hội, thậm chí ngay cả những cái con người tạo ra. Chúng ra đang sống trong một thế giới đầy điểm mù tối. Bạn nên đón đọc bài của chị Khánh Vân (cũng viết về phim này và in cùng số với bài của tớ). Bài của chị viết kĩ lưỡng và chuyên sâu hơn (tớ bái bài nè làm “đại ca”). Cảm ơn bạn đã quan tâm ;)

  4. NGô Thanh không nên so sánh bài này với bài chị Vân. 2 khía cạnh khác nhau mà… Hihi… Bài chị Vân mình nghĩ phân tích sâu nhưng quá dài…

  5. xem một lần mà nhớ hết được các chi tiết như vậy, K4 quả là đáng gờm, :),
    tớ vẫn chưa thấy rõ lắm về thuyết bất toàn tri, hie, để tìm hiểu xem sao vậy,

  6. uh, thì tất cả đều “bất toàn tri” mờ…

  7. Bài viết rất tuyệt!
    Tiện đây, em đã xem phim “Xe đạp Bắc Kinh” chưa? Phim này mới được làm cách đây không bao lâu và cũng sử dụng motif mất cắp xe đạp hệt như trên… Về cách thể hiện thì chị không rõ lắm, vì chưa xem kẻ cắp xe đạp, nhưng ý nghĩa của hai phim thì có đôi nét tương đồng… Xem đi rồi cùng bàn luận… :D

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: