Điện ảnh TPHCM P2

dung b

Tên Dự án: Nghiên cứu tìm hiểu thị trường điện ảnh và truyền hình Tp. HCM.

Thành viên: Nguyễn Thị Mỹ Trang và Trịnh Minh Phương.

Khóa: K3 – Lớp Biên kịch – Dự án Điện ảnh.

Tài trợ bởi: Dự án Điện ảnh – quỹ Ford.

Thời gian thực hiện : 2008.

(Vào đây xem phần 1)

Phần 2: Nội dung các cuộc gặp

1. Bà Phạm Hải Anh – biên tập kịch bản Hãng phim Thiên Ngân

11h ngày 26/09/08.

Biên kịch trẻ cần nâng cao tính cạnh tranh của bản thân.

Là một người có nhiều năm trong lĩnh vực biên tập kịch bản và hiện đang làm việc cho một trong những hãng phim tư nhân lớn nhất Việt Nam, bà Hải Anh đã cho chúng tôi rất nhiều lời khuyên bổ ích. Hiện nay, Thiên Ngân đang có nhu cầu rất lớn đối với các kịch bản phim truyền hình dài tập, do đó, đây là điểm đến lý tưởng của các nhà biên kịch trẻ. Nhưng không vì lẽ đó mà các nhà biên kịch dễ dàng vượt qua cánh cửa của Thiên Ngân, để bán được kịch bản cho hãng, các biên kịch cần có một đề cương chi tiết thật hấp dẫn và độc đáo.

Thiên Ngân đang hướng vào những đề tài mang tính xã hội hoá cao, đề cập đến những vấn đề nổi bật trong xã hội Việt Nam hiện đại, những mối liên kết giữa  các thế hệ, vv. Sau khi đề cương chi tiết được chấp nhận, hãng sẽ ký hợp đồng làm việc chính thức với nhóm biên kịch. Trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, các nhà biên kịch cần phải tuân thủ 100% các quy định trong hợp đồng về deadlines cũng như chất lượng kịch bản. Bởi lẽ, làm phim là quá trình hợp tác của cả một hệ thống, một ê kíp và kịch bản là khâu đầu tiên trong hệ thống. Khi kịch bản bị sản xuất chậm tiến độ, lập tức sẽ gây ra hệ luỵ cho cả ê kíp phía sau.

Bà Hải Anh đã bày tỏ quan tâm đối với một trong hai synopsis phim truyền hình chúng tôi gửi tới, tuy nhiên chúng tôi còn phải đợi ý kiến của đạo diễn trong Hãng phim trước khi có ý muốn tiến xa hơn với synopsis đó.

2. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng

Thời gian: 10h sáng T2 5/10/2008.

Địa điểm: Quán café Grammy, 40A Trần Cao Vân.

Người làm điện ảnh cần có những tiếp cận mới mẻ.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vừa quay xong bộ phim chiếu Tết Giải cứu thần chết, đúng tiến độ và không có nhiều thay đổi so với kế hoạch. Anh cho biết, những diễn biến ở hiện trường này không khác kịch bản cuối cùng mấy. Bản thân anh cũng không thích viết kịch bản lắm nhưng vì chưa hài lòng với KB của  biên kịch khác nên đành phải tự viết. Anh chia sẻ kinh nghiệm viết kịch bản: thường bắt đầu kịch bản từ nhân vật, xây dựng một nhân vật hay và câu chuyện sẽ hình thành từ nhân vật đó. Bên cạnh đó, cần làm đề cương thật kỹ và tìm cách tiếp cận nhà sản xuất. Vấn đề chính hiện nay của kịch bản truyền hình và điện ảnh là sự cũ mòn hay đặc biệt một cách thái quá. Hai chiều hướng này đều gây khó khăn cho việc sản xuất. Một số bạn xuất phát là người viết văn, viết nên những câu văn thiếu tính điện ảnh, cũng ít biên kịch chấp nhận sửa chữa kịch bản nhiều lần.

Nhà biên kịch ngoài khả năng cũng cần có niềm tin vào bản thân, niềm tin vào việc mình đang làm, biết mình đang làm gì và cố gắng làm được những điều bản
thân mong muốn. Có như vậy, nhà biên kịch khi ngồi trước nhà sản xuất mới có sức thuyết phục. Nếu bạn chỉ đơn thuần gửi kịch bản mà không có làm việc trực  tiếp với nhà sản xuất, cơ hội cho kịch bản của bạn là rất ít.

3. Ông Mã Diệu Cương – Phó giám đốc/Tổng biên tập Đài truyền hình Tp. HCM

Thời gian: 15h ngày 6/10/2008.

Địa điểm: Đài TH HTV.

Cơ hội nhiều thách thức cũng nhiều.

Trong cuộc gặp ngắn ngủi vào chiều thứ hai, ông Mã Diệu Cương đã chia sẻ với chúng tôi những kinh nghiệm của một người làm truyền hình lâu năm. Thực  tế, hiện nay, đài truyền hình TP HCM đã lên kế hoạch đủ chương trình phát sóng trong ba năm tới, trong đó có một lượng không nhỏ là các phim truyền hình dài tập. Để được phát sóng vào “giờ vàng”, bộ phim cần có chất lượng tốt, điều này được thể hiện qua tỉ lệ người xem mà nhà đài đo được. Mặc dù so với phim  nước ngoài, chất lượng phim Việt Nam chưa cao, nhưng lượng khán giả ủng hộ cho phim nội không vì thế mà kém đi.

Ông Cương cũng cho chúng tôi xem một bản tóm tắt series phim truyền hình dài 150 tập gửi đến Đài. Bản đề cương tóm tắt được trình bày rất chuyên nghiệp, chia thành 3 phần, mỗi phần 50 tập. Chính cách trình bày bộ cục đã thể hiện tính chuyên nghiệp của nhóm viết kịch bản. Nếu như phần 1 của series được khán giả nồng nhiệt đón nhận, ngay lập tức phần 2 và 3 đã sẵn sàng để đưa vào sản xuất. Ngược lại, nếu không thành công như mong đợi, phần 1 gồm 50 tập với một cái kết nhẹ nhàng có thể khép lại cả series.

Bên cạnh vấn đề kịch bản, ông Cương còn nói về những show truyền hình thực tế sắp ra mắt trên Đài. Vẫn biết rằng, các show truyền hình thực tế có chi phí khá cao nên tỉ lệ rủi ro lớn hơn các Game show khác. Tuy nhiên, truyền hình Việt Nam cần có thêm nhiều reality show để thổi làn gió mới thay thế cho những show truyền hình indoor quen thuộc.

4. Ông Nguyễn Hồ, phó tổng BT tạp chí TGĐA, biên tập kịch bản.

Địa điểm: văn phòng.

Cần dũng cảm để vượt qua khó khăn.

Chúng tôi gặp gỡ nhà biên kịch, cố vấn biên tập cho hãng phim BHD khi ông đang có trong tay hàng nghìn tập kịch bản phim truyền hình của các tác giả khác. Trò chuyện với chúng tôi một cách chân tình, ông cung cấp cho chúng tôi những thông tin thực tế về hiện trạng phim truyền hình nước nhà. Điện ảnh và truyền hình Việt Nam đang ở giai đoạn khó khăn. Đáp ứng nhu cầu khán giả, đáp ứng yêu cầu nhà sản xuất nhà tài trợ là những điểm rất quan trọng mà người làm nghề biên kịch cần tìm hiểu kỹ càng và cố gắng đáp ứng.

Tuy nhiên, mặt khác rất nhiều khâu trong sản xuất phim của chúng ta đều thiếu chuyên nghiệp. Nhà biên kịch và những người thực hiện các khâu khác trong điện ảnh truyền hình chưa tìm được tiếng nói chung. Vẫn còn nhiều hiện tượng chạy theo lợi ích nhóm mà chưa thực sự quan tâm đáp ứng thị hiếu khán giả. Người biên kịch cần tỉnh táo và lạc quan hơn, năng động nhưng cũng cần kiên nhẫn đón nhận thời cơ. Ông đã nhận được kịch bản chào hàng của nhóm. Tuy nhiên hiện nay chưa có kế hoạch sản xuất cụ thể nên chưa thể trao đổi thêm. Sau khi nghiên cứu kịch bản sẽ có hồi âm.

5. Đồng Sỹ Minh

Thời gian: 10h sáng T3 ngày 6/10/2008.

Đáp ứng và nâng cao gu thưởng thức của khán giả.

Anh Minh đã tốt nghiệp trường ĐH USC, hiện nay đang chuyên sản xuất chương trình truyền hình thực tế cho các đài truyền hình. Anh đã cho chúng tôi nhiều lời khuyên bổ ích.

Nhà biên kịch có thể nâng cao trình độ khán giả, bày ra cho khán giả những điều hay cho họ lựa chọn, khám phá. Những người làm điện ảnh và truyền hình không nên hạ thấp nhu cầu khán giả trong khi mọi mặt của cuộc sống đều được nâng lên. Đòi hỏi của khán giả ngày càng lớn hơn, người làm nghề cần nâng cao cả về nội dung chương trình lẫn kỹ thuật thể hiện. Anh khẳng định hầu hết những yêu cầu về nội dung và người Việt Nam đều làm được, thậm chí có thể làm tốt. Vì vậy ở khâu nào cũng cần cố gắng. Mặt khác cũng cần thu hút sự ủng hộ của những người đi trước.

Biên kịch là người đưa ra ý tưởng, hoàn thiện kịch bản, khâu đầu tiên trong sản xuất điện ảnh và truyền

hình nên cần tin tưởng vào sản phẩm của mình, tìm

điểm khác biệt để khai thác, làm mới. Khi kể một câu

chuyện có nhiều nhân vật các nhân vật phải có tính

cách hoàn toàn khác nhau. Nếu không sẽ hết chuyện để

kể.

6. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng

Vu Ngoc Dang

Thời gian: 16h ngày 7/10/2008.

Địa điểm: quán café Highland đường Lê Thánh Tôn, quận 1.

Tính mục đích khi làm phim là quan trọng nhất.

Là đạo diễn, tác giả kịch bản của một loạt phim nhựa và phim truyền hình ăn khách, anh đã chỉ cho chúng tôi cách tốt nhất để thu hút sự chú ý của khán giả là làm cho phim mình hấp dẫn. Nhà biên kịch không nên thần thánh hóa nghề nghiệp, hãy coi điện ảnh như một công việc, bạn muốn làm gì. Biên kịch phải dự đoán được những đối tượng khán giả cần hướng tới, muốn làm cho họ yêu thích những gì bạn làm thì ngay chính bạn cũng cần nghiêm khắc với bản thân mình. Những gì nhà biên kịch viết ra cần có một chủ đề rõ ràng với nhân vật rõ ràng, tính cách khác thường một chút để khiến khán giả chú ý luôn, hào hứng theo dõi nhân vật của bạn.

Người làm điện ảnh, dù biên kịch hay đạo diễn phải có một “nội lực mạnh”, quyết tâm bằng mọi cách được làm phim. Năng khiếu chỉ là một phần, khả năng thuyết phục và biết cách xây dựng quan hệ vô cùng quan trọng. Biên kịch cũng cần biết chiều nhà sản xuất tối đa, luôn có ít nhất ba câu chuyện để kể có thể đáp ứng các yêu cầu. Kinh nghiệm của bản thân anh là tìm kiếm sự khác biệt. Khán giả sẽ tò mò tìm hiểu nhân vật và họ bị cuốn vào câu chuyện. Anh làm điện ảnh cũng không phải để thỏa mãn chính mình. Câu chuyện của phim anh cũng không chạy theo thời điểm, nó còn mang tính toàn cầu. Thực ra câu chuyện không quan trọng, quan trọng là cách kể. Quan trọng nhất là xác định mục đích làm phim của mình: vì tiền vì tiếng, vì danh, vì thích hay vì mối quan hệ … Cần biết mình làm gì thì mới có định hướng để làm tốt được.

7. Jimmy Nghiêm Phạm, CT HĐQT hãng phim Chánh Phương.

Địa điểm: Văn phòng hãng phim Chánh Phương, 25A Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Sẵn sàng đón nhận những ý tưởng.

Là một nhà sản xuất chuyên nghiệp, anh đã đưa ra những yêu cầu cụ thể với những biên kịch trẻ. Anh không muốn các bạn biên kịch ngồi đó và viết, kể những câu chuyện trong tưởng tượng. Nhà biên kịch cần có sự nghiên cứu, thâm nhập thực tế để xây dựng nên những nhân vật đủ sức thuyết phục. Phong cách làm việc cũng rất quan trọng: nghiêm túc, tỉ mỉ, tích cực sửa chữa kịch bản trên cơ sở thương lượng. Triển vọng cho ngành biên kịch là rất lớn nhưng chính các bạn cũng cần chủ động nắm bắt.

Chánh Phương đang tiến hành sản xuất cả phim nhựa lẫn phim truyền hình. Vì thế hãng sẵn sàng đón nhận các ý tưởng của các bạn biên kịch trẻ. Trước hết chúng tôi cần một bản tóm tắt cốt truyện, tính cách các nhân vật. Nếu ổn chúng tôi sẽ trao đổi trực tiếp với các bạn để các bạn từng bước hoàn thiện đề cương tiến đến kịch bản hoàn chỉnh để đưa vào sản xuất.

8. Bà Phan Mộng Thuý – Giám đốc Phương Nam Phim

Thời gian: 10h ngày 9/10/08.

Cổ vũ cách viết trẻ trung.

Bà Phan Mộng Thuý rất hứng thú với những kịch bản tốt nghiệp của lớp biên kịch K3 và cho rằng những kịch bản này đã đi đúng hướng khi nhìn giới trẻ dưới nhiều góc độ khác nhau. Theo bà Thuý, không ai có thể viết về giới trẻ hấp dẫn và chân thực hơn chính bản thân những người trẻ tuổi. Phương Nam Phim hiện nay chưa có kế hoạch làm một phim truyện nhựa hay phim truyền hình cụ thể nào. Công việc chủ yếu của hãng là hợp tác và góp vốn với các hãng phim khác để sản xuất phim trong nước. Ngoài ra, một phần quan trọng khác của Phương Nam Phim đó là việc phát hành phim nhựa trong hệ thống rạp toàn quốc và phát hành băng đĩa. Hãng hiện nay vẫn đang tìm kiếm những kịch bản hay và lôi cuốn để cùng hợp tác với Megastar cho ra đời một phim truyện nhựa hút khách.

9. Aaron Toronto, nhà làm phim độc lập.

Thời gian: 20h T6 ngày 10/12/2008.

Địa điểm: bệnh viện chợ Rẫy.

Nâng cao tính chuyên nghiệp nghề biên kịch.

Sau khi tốt nghiệp USC, Aaron đã sang Việt Nam làm việc, cộng tác trong nhiều bộ phim Việt kiều, viết kịch bản và ấp ủ làm phim độc lập. Theo anh, vấn đề lớn nhất trong kịch bản của Việt Nam là nhà biên kịch chưa đạt đến mức chuyên nghiệp. Tuy không đọc nhiều kịch bản nhưng khi xem các phim đã được sản xuất Aaron thấy có khá nhiều vấn đề ở kịch bản phim Việt Nam. Cấu trúc của kịch bản không ổn, nhà biên kịch cũng không tích cực sửa chữa theo yêu cầu nhà sản xuất, còn có nhiều kịch bản không viết theo chuẩn nên càng không thể dùng được. Một điều nữa là nhiều nhà biên kịch đưa vào những cảnh, những chi tiết mà họ thích vào kịch bản mà không để ý là cảnh đó có hợp với cấu trúc chung của kịch bản không. Nếu xem từng cảnh sẽ thấy không đến nỗi nhưng đặt trong tổng thể bộ phim thì có nhiều điểm thiếu hấp dẫn, thiếu logic. Những biên kịch mới vào nghề không thể cứ gửi kịch bản mẫu của mình và đơn giản ngồi chờ hồi âm mà cần tìm ra cách tiếp cận bản thân hiệu quả nhất.

Hết.

(Photo by Mỹ Trang)

~ by last_moon on September 5, 2008.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: