Phan Xine Interview
Ở thời kỳ đầu tiên của phim độc lập, các nhà làm phim mới muốn được làm bộ phim theo ý mình, nhưng các hãng phim lớn hầu như không quan tâm vì không nhìn thấy lợi nhuận từ việc sản xuất các phim này. Do đó, các nhà làm phim độc lập phải đi vay, xin tiền nhiều nơi, và với số tiền ít ỏi, họ cố gắng làm bộ phim mà họ muốn.
Tin Van: Theo anh thì thế nào là phim độc lập ?
Phan Xine: Phim độc lập là những phim được làm bởi các hãng phim nhỏ không thuộc các hãng phim chính thống (mainstream) của Hollywood, không bị lệ thuộc bởi yếu tố thương mại và thường có xu hướng được sản xuất với kinh phí thấp (vì hãng phim nhỏ và biết rằng đâu tư cao sẽ khó kiếm được tiền bù đắp chi phí sản xuất).
Tin Van: Thế còn việc phát hành phim độc lập?
Phan Xi Nê: Vì hệ thống phát hành phim tại Mỹ do các hãng phim lớn nắm giữ, nên sau khi sản xuất, các phim độc lập cũng khó khăn trong việc phát hành, và thường chỉ chiếu ở một số rạp không thuộc hệ thống phát hành chính thống.
Một số ít các phim này thành công và bắt đầu gây chú ý với các hãng phim lớn. Sau đó, các hãng mainstream sẽ mua các phim này lại để phát hành trong hệ thống mainstream. Một trong những hãng phim đầu tiên chuyên phát hành các phim độc lập là Miramax, thuộc Disney.
Về sau, các hãng phim mainstream cũng tổ chức các hãng phát hành con chuyên phát hành các phim độc lập, chẳng hạn như Sony Picture Class, Fox Searchlight…
Các phim nước ngoài cũng là phim độc lập, vì các phim này không được sản xuất bởi các hãng mainstream.
Tin Van: Người ta thường nói tới vấn đề kinh phí thấp khi nhắc tới phim độc lập, căn cứ vào đâu để xác định mức thấp cao?
Phan Xi Nê: Kinh phí trung bình làm một phim tại Mỹ hiện nay là khoảng từ 40 – 50 triệu đôla, vì thế nếu muốn biết thấp hay cao thì so với mức này.
Tin Van: Anh có cho rằng ở Việt Nam có dòng phim độc lập không?
Phan Xi Nê: Như đã giải thích ở trên, từ Độc lập trong dòng phim độc lập xuất phát từ việc các phim được sản xuất độc lập với các hãng mainstream, mà VN lại hoàn toàn có một hệ thống phát hành khác với thế giới (phim của Nhà Nước và của tư nhân) nên không thể nào áp dụng cách phân loại đó được. Nếu chúng ta xem phim Nhà Nước là phim chính thống thì phim độc lập của VN là các phim tư nhân sản xuất vì được sản xuất độc lập so với hệ thống sản xuất phim chính thống.
Tin Van: Liệu việc kiểm duyệt về nội dung và hình thức nghệ thuật của bộ phim có phải là trở ngại lớn nhất với các nhà làm phim độc lập không? Việc kiểm duyệt về hình thức và nội dung những bộ phim này được thực hiện như thế nào?
Phan Xine: Nếu là ở Mỹ thì không và có. Một trong những lý do các nhà làm phim độc lập làm phim độc lập là vì họ được làm điều họ thích, và vì thế họ ít quan tâm đến vấn đề nội dung, thương mại. Tuy nhiên, nhiều nhà làm phim độc lập làm phim độc lập mang đầy yếu tố thương mại để có cơ hội được các hãng mainstream để mắt đến mình.
Dù là lý do gì, các phim này cũng đều qua hệ thống duyệt phim của Mỹ. Hiệp hội điện ảnh quốc gia Hoa Kỳ sẽ dán nhãn các phim này. Một số phim không được dán nhãn vì quá bạo lực, quá sex, và vì thế sẽ khó có cơ hội phát hành vì các rạp chiếu phim từ chối chiếu phim không dán nhãn. Việc duyệt phim này khó khăn và khắt khe hơn cả ở VN. Các hãng phim lớn còn tự duyệt phim trước khi đem phim đi nộp cho MPAA, vì thế các đạo diễn làm phim các hãng lớn cũng rất bực bội, và nhiều đạo diễn chỉ thích làm phim độc lập để không bị các vấn đề kiểm duyệt ngăn trở việc làm phim của họ (nhưng xác suất phim làm xong không kiếm ra chỗ chiếu cũng rất cao)
Tin Van: Đối tượng khán giả của một bộ phim sản xuất độc lập có hẹp hơn so với đối tượng khán giả một bộ phim thông thường hướng tới không?
Phan Xine: Một là các phim độc lập không thể kiếm hệ thống phát hành rộng rãi, nên dĩ nhiên sẽ ít khán giả hơn. Hai là họ cũng không có kinh phí để quảng bá, nên càng ít người biết đến hơn. Ba là các phim này làm thường không mang yếu tố đại chúng, nên khán giả đa phần cũng không quan tâm (vì nhà làm phim cũng có quan tâm tới họ đâu?). Vì thế, đối tượng khán giả dĩ nhiên là hẹp hơn so với phim mainstream.
Tin Van: Nhà sản xuất thu được những gì từ việc sản xuất phim độc lập? Có phải là kinh phí hay là danh tiếng?
Phan Xine: Thường thì các producer làm các phim độc lập thành công sẽ có danh tiếng nhiều hơn là tiền bạc. Hơn nữa, phải có đam mê thì mới liều lĩnh nhảy vô làm producer cho phim độc lập.
Tin Van: Anh sẽ làm gì sau khi kết thúc công việc học tập tại Mỹ ?
Phan Xine: Về Việt Nam làm phim. Cố gắng làm phim sao cho khán giả tới rạp xem phim càng đông càng tốt. VN nhiều người làm phim nghệ thuật rồi, nên chắc anh không chen chân vô thị trường phim nghệ thuật ở VN nổi!
Trên đây là những trao đổi của tôi và anh Phan Xi Nê (tên thật là Phan Nhật Linh) qua e-mail, những người say mê môn nghệ thuật thứ bảy chắc hẳn không thấy xa lạ với cái tên này.
Về khái niệm sản xuất và phát hành phim độc lập, chúng ta đã được tiếp cận ở chương đầu tiên của cuốn Film Art(trang 57, 58, 59), tuy nhiên tôi vẫn chưa thể có được một khái niệm rõ ràng và hoàn chỉnh nhất.
Bên cạnh đó, việc một số người gọi Cú và chim Se sẻ (Stephane Gauger) và Bi ơi, đừng sợ !(Phan Đăng Di) là phim độc lập càng thôi thúc tôi tìm hiểu xem liệu có không một dòng phim độc lập ở Việt Nam. Và tôi thấy rằng, khái niệm phim độc lập, xuất phát từ nơi phát sinh ra nó, hoàn toàn đơn giản như Kevin Smith (đạo diễn phim Clerks và Dogma) nói: “Định nghĩa về phim độc lập chỉ nên gói gọn trong câu đơn giản: Phim có được làm trong xưởng phim Holliwood không? Nếu không thì đó là phim độc lập.”* Về sự khác biệt giữa phim độc lập và phim Holiwood, nếu như trước đây yếu tố kinh phí được nhắc đến như một hạn chế cũng như giải pháp “cái khó ló cái khôn” của các nhà làm phim độc lập, thì hiện nay, đó không còn là vấn đề lớn, vài năm trở lại đây, có những phim độc lập kinh phí lên tới 50 triệu đô. Phim độc lập hấp dẫn giới phê bình và khán giả là bởi tính đột phá, thử nghiệm những ý tưởng, những cách thể hiện mới vượt ra ngoài những lề lối có sẵn.
Trở lại với Cú và chim Se sẻ và Bi ơi, đừng sợ! Chúng ta hoan nghênh tinh thần độc lập của các nhà làm phim như Stephane và Phan Đăng Di. Có thể Cú và chim Se sẻ tham gia LHP Sundance với tư cách một bộ phim độc lập(vì nó không thuộc Holliwood), nhưng nó sẽ tham gia LHP Việt Nam (chẳng hạn) với tư cách một bộ phim tư nhân (do Chánh Phương Film sản xuất), chứ không phải với tư cách một bộ phim độc lập, trừ phi, Stephane thích “một mình một chiếu”.
Bây giờ đang là tháng 1, thời điểm này đang diễn ra Liên hoan phim Sundance. Bây giờ cũng đang là mùa xuân, chúc cho những ý tưởng làm phim của các bạn trong Dự án điện ảnh khoá 3 chúng mình nảy mầm và vươn mạnh mẽ. Hy vọng sẽ có nhiều nhà làm phim có tinh thần độc lập góp sức đưa nền Điện ảnh Việt Nam đi lên.
(Phương Thu)