Rashomon (1950): Những điểm đặc sắc
by Đinh Mỹ Linh
Ðiểm đặc biệt nhất làm nên giá trị của bộ phim, phải kể ngay đến lối dẫn truyện. Rashomon được coi là một kiệt tác của điện ảnh thế giới với lối kể chuyện hấp dẫn và mới mẻ. Cùng thời điểm này, ở điện ảnh hậu chiến Hollywood, hình thức kể chuyện theo phong cách cổ điển vẫn chiếm ýu thế. Citizen Kane (1941) là một phim hiếm hoi có kết cấu phức tạp, không kể theo lối nhân quả truyền thống. Trong bối cảnh đó, Rashomon như một tiếng nổ làm đổi hướng suy nghĩ của người phương Tây về sức sáng tạo và cảm nhận nghệ thuật của xứ sở châu Á.
Rashomon kể về một sự việc không phải bằng diễn biến, sự kiện trong thực tại, mà bằng việc đan cài những hồi tưởng. Chất ly kỳ rùng rợn ở đây thậm chí còn mạnh hơn Citizen Kane vì mỗi màn hồi tưởng như vậy không bổ sung, không khai thác những khía cạnh khác nhau, mà mâu thuẫn với nhau. Tính chất căng thẳng của câu chuyện đẩy mạnh lên nhờ những câu thoại dẫn, tách rời thì tưởng là chân lý nhưng đặt cạnh nhau thì phi lý, ví dụ “Người chết thì không bao giờ nói dối”, “Tôi thề rằng tận mắt tôi đã trông thấy”…, vậy ở đây người chết nói đúng hay người tiều phu đúng? Xét từ góc độ kịch bản, Rashomon là một cốt truyện không cho biết câu chuyện chính xác.
Nhiều bài nghiên cứu đã nói Rashomon là phim làm từ tác phẩm văn học, câu chuyện giữa người vợ, tên cướp và người chồng bị giết thực ra lấy từ Truyện trong rừng trúc (Yabu no naka) của Akutagawa Ryunosuke. Thực ra phim Rashomon còn dựa trên một truyện ngắn khác cũng của nhà văn bậc thầy Nhật Bản này: Cổng Rashomon. Có thể hiểu bối cảnh ba người đàn ông trong mưa và các đoạn đầu, cuối phim lấy từ truyện ngắn Rashomon, còn nội dung câu chuyện án mạng với những lời kể mâu thuẫn nhau là phần dựng từ Truyện trong rừng trúc. Nhưng có phải phim điện ảnh này chỉ là một phép cộng đơn thuần? Câu hỏi cần đặt ra là: Tại sao A. Kurosawa lại chọn ghép hai câu chuyện này làm một? Và cốt truyện trên màn ảnh liệu có lập lại y nguyên văn học?
Trả lời câu hỏi thứ nhất, hãy xem ý nghĩa hai truyện ngắn của Akutagawa Ryunosuke là gì. Truyện rừng trúc lột tả mặt trái nhân cách của con người, đặt câu hỏi về sự ích kỷ, lòng dũng cảm dám sống thật với chính mình. Cổng Rashomon đề cập tới cái thiện- ác, sự nghi hoặc và đấu tranh giữa ranh giới của sự ích kỷ và bản năng tồn tại. Như vậy, tác phẩm điện ảnh là nơi gặp nhau của tư tưởng: Con người ai cũng biết bao biện và thoái thác trách nhiệm cho mình, chỉ khi dám đối diện và vượt qua mặt trái của tâm hồn mình, con người mới hướng tới cái thiện được.
Chính tư tưởng này khiến Kurosawa có sự thay đổi nhất định trong tình tiết. Trong truyện Rashomon, nhân vật ăn mày bắt gặp bà lão đi cắt tóc của người chết đem bán, hành vi mà anh cho rằng phi đạo đức, không thể chấp nhận được, cuộc đối thoại về thiện- ác sau đó khiến người tiều phu hoài nghi, phủ nhận chính mình, kết cục anh lại giằng cướp áo của bà lão này để mưu sinh. Như vậy so với phim, truyện có ba chi tiết thay đổi: thay vì bà lão, chi tiết cuối phim lấy hình ảnh đứa trẻ bị bỏ rơi. Đứa trẻ này thành cái cớ lý giải cho quan niệm thiện ác của người ăn mày cướp áo: “Thế còn cha mẹ nó thì sao, những kẻ chỉ biết tận hưởng niềm hoan lạc khi tạo ra nó, giờ thì không có trách nhiệm gì cả”. Thay bằng đoạn tranh luận, phim thế vào câu chuyện ở rừng trúc để làm nền, làm động cơ cho sự diễn biến tâm lý của các nhân vật dưới cổng Rashomon. Chính vì sự xáo động này, xem xong bộ phim, thật khó phân biệt được đâu là tuyến chính của kịch bản, câu chuyện rừng trúc hay chuyện những người trú mưa? Khác với các phim truyền thống, có nhân vật chính, tuyến truyện chính thể hiện tư tưởng tập trung của tác phẩm, Rashomon của Kurosawa mới mẻ ở việc không có nhân vật/ tuyến nhân vật trung tâm, cả 8 nhân vật xuất hiện trong phim đều đóng vai trò chính để thể hiện nội dung ý nghĩa của phim. Cũng bởi dụng ý sáng tạo này mà phim có sự chắt lọc đầy điện ảnh so với tác phẩm văn học Truyện rừng trúc. Trong truyện, vụ án không chỉ được kể 4 lần mà còn có thêm lời khai của nhà sư lữ hành, của sai nha, của bà mẹ cô vợ, nhưng những lời khai này chỉ gợi thêm về khung cảnh câu chuyện và những sự kiện sau khi tìm thấy xác chết. Ngay từ khi đọc nguyên tác, người đọc có thể đã cảm thấy những lời khai này có phần thừa thãi, không quan trọng. Đạo diễn bậc thầy Kurosawa đã không vấp phải lỗi kể lể quá nhiều, lý giải quá nhiều nếu dựng lại những lời kể này. Bối cảnh câu chuyện, khung cảnh rừng trúc và cái chết, được Kurosawa bổ sung bằng công cụ khác, bằng ngôn ngữ điện ảnh mà ta sẽ thấy ở phần sau. Một thay đổi nữa so với truyện ngắn Rashomon: bộ phim có một kết thúc rõ ràng hơn. Nếu văn học là cái kết dang dở, người đọc có thể viết tiếp câu chuyện theo tưởng tượng của mình, thì trong phim này, Kurosawa có câu trả lời dứt khoát về những hoài nghi, đấu tranh thiện- ác. Nhân vật của ông hướng về cái thiện, chọn cách đối diện với hiện thực, với góc khuất trong tâm hồn mình để nhận nuôi đứa trẻ, điều này giúp tải được thông điệp bộ phim như đã nói: chỉ khi dám vượt qua mặt trái của tâm hồn mình, con người mới hướng tới cái thiện được.
Những phân tích ở trên đủ để giúp ta trả lời câu hỏi thứ hai: Điện ảnh không chuyển thể y sì từ văn học, điện ảnh có sự chắt lọc riêng, sao cho hợp ngôn ngữ và cấu trúc của mình. Cái hay của Rashomon không chỉ nằm ở kết cấu kịch bản.
Kỹ thuật quay phim là một khía cạnh chứng minh cho ngôn ngữ điện ảnh Kurosawa. Phim có nhiều cận cảnh, hữu hiệu để tả đôi mắt nhân vật. Chi tiết đôi mắt được tả khá dụng công trong truyện, khi lên màn ảnh, góc máy có tác dụng hỗ trợ cho diễn xuất. Cùng một diễn xuất như nhau, trong lời người vợ kể, máy cận, chếch từ trên xuống một góc hẹp khiến đôi mắt thành trung tâm khuôn hình, nổi bật sự lạnh lùng, khinh miệt (người chồng) và hoảng loạn, sững sờ (người vợ). Trong lời người chồng kể lại, góc máy hắt từ dưới lên, lấy cả người anh chồng, vẫn cặp mắt nhỏ hẹp nhưng cộng với dáng đứng, khuôn hình lại gợi tả sự băn khoăn và uất hận.
Động tác máy quay thực hiện nhiều cú lia theo nhân vật. Phần kể của người vợ, đoạn người vợ thấy ánh mắt khinh rẻ của người chồng, cô hoảng loạn dịch người né ánh mắt đó, máy quay đi theo chuyển động của người vợ, trái, phải liên tục. Nhờ đó, dù khuôn hình chỉ ghi đằng sau lưng người chồng, khán giả vẫn tưởng tượng ra ánh mắt khinh miệt truy đuổi theo người vợ.
Bố cục đoạn này cũng đáng chú ý, không có sự cân đối trong khuôn hình. Bóng phía sau lưng người chồng lớn hơn, chắn trước người vợ, ngược lại, người vợ chỉ chiếm khoảng 1/3 chiều dọc khuôn hình, nhỏ bé như bị lấp sau người chồng. Tỷ lệ này góp phần biểu cảm cho tâm trạng sợ sệt, hoảng loạn và né tránh của người vợ.
Hay đoạn tả người vợ khi tên cướp mới nhìn thấy. Máy quay chỉ chọn đặc tả chi tiết: bàn chân, cánh tay lộ ra đưa khua dưới suối, một góc khuôn mặt đằng sau tấm voan mỏng. Nhờ lọc chi tiết hư ảo, tinh tế nhất mà người phụ nữ trở nên đẹp hơn trong mắt tên cướp và cả trước ống kính.
Không kỹ xảo nào phức tạp, dựng cảnh của phim chỉ trên nền thiên nhiên tự nhiên, đơn giản, nhưng khéo léo và đậm chất Thiền. Trong bối cảnh rừng rậm, ống kính lướt qua bóng lá in dưới đất, bóng đen trên nền đất sáng tạo sự tương phản nhưng vẫn mang chất tĩnh lặng thiền. Hình ảnh bóng lá cũng quen thuộc với con mắt Nhật. Điểm đáng nói khác là cách tạo vệt sáng. Kurosawa đã gợi thêm không khí lung linh khi người vợ rửa tay bên suối bằng vệt sáng cắt dọc bờ cây leo ở hậu cảnh. Cảnh người vợ bị cưỡng bức, người xem thấy rõ cảm nhận của nhân vật nhờ ánh mặt trời sáng loá trên đỉnh cây. Khuôn hình vòm cây trên cao đó mang góc nhìn của nhân vật, vì vậy mà sự mờ ảo, nhạt nhoà, loá mắt giúp người xem hiểu tâm trạng buông xuôi, mơ ảo của chị.
Tiết tấu phim khá nhanh bởi cách dựng cảnh cắt nhanh, đột ngột. Những đoạn cắt cảnh chậm được hỗ trợ nhịp điệu bằng tốc độ lia máy nhanh, như đoạn tên cướp kéo người vợ chạy băng vào rừng tìm chồng chẳng hạn. Một nét độc đáo trong cách dựng phim của Rashomon là những cú chuyển đột ngột từ cận cảnh sang toàn cảnh. Đạo diễn cho nhảy cách hình bất ngờ, tựa như hai lần bấm máy đứt đoạn vậy. Cách dựng như vậy gây sự chấn động, tăng tính kỳ bí và mâu thuẫn gay gắt trong nội tâm nhân vật. Có thể kiểm chứng điều này khi xem lại cảnh người chồng bị trói trong lúc tên cướp đi tìm cô vợ, từ trung cảnh, cắt nhảy sang toàn cảnh; hay cảnh tên cướp và người Samurai vờn nhau dưới hố cát, cũng cắt từ cận cảnh, mặt tên cướp, mặt người chồng, rồi đột ngột chuyển thành toàn cảnh.
Âm thanh nền trong phim không nhiều, nhưng khi xuất hiện thì có tác dụng tham gia kể. Tiếng mưa xối xả khiến các nhân vật không cần nói ra sự rối trí, xáo động bằng lời nữa.
Diễn xuất của ba nhân vật cốt lõi mang hơi thở kịch No truyền thống. Họ diễn bằng biến đổi nét mặt và dáng người. Căm giận, lo sợ, hãi hùng hay hung bạo, nhìn vào nghệ thuật co, giãn, gồng, thả cơ mặt mà người xem thấy được khá rõ và sâu. Cái độc đáo mang phong cách Nhật là dáng người thay cho diễn xuất. Dáng người vợ ngồi trước công đường là một ví dụ, lột tả được tâm thế, bứt rứt và nỗi ám ảnh trong ký ức của chị ta.
Điểm lại, Rashomon là một phim đáng xem để hiểu hơn về cảm quan nghệ thuật con người Nhật Bản cũng như lối kể điện ảnh đầy hiện đại của Akira Kurosawa. Tuy vậy, lẽ nào Rashomon không có điểm yếu nào? Hẳn bộ phim nào cũng có ít nhiều sai sót, đề tài vết sạn trong Rashomon xin được khất lại ở một bài viết sau.