Hạt mưa rơi bao lâu và những thể nghiệm nghệ thuật tự sự

Author: misscine (Nguyễn Hoàng Quý Hà)

Khi đã quá quen với câu chuyện thì người xem chờ đợi gì ở một bộ phim hay một tác phẩm nghệ thuật nói chung? Có lẽ đấy không gì khác hơn là cách thể hiện câu chuyện đó như thế nào. Phải chăng vì thế mà Hạt mưa rơi bao lâu của đạo diễn Đoàn Minh Phượng cố gắng đi theo một nẻo đường khác trong cách thể hiện một câu chuyện không mới và cũng không lấy gì làm hấp dẫn.

Hạt mưa rơi bao lâu kể về Lý An, một cô gái có cá tính mạnh mẽ đã bất chấp lề thói xã hội để có con và không hối tiếc về việc mình đã làm. Hai mươi năm sau, con trai cô, Hiên đi tìm sự thật về cuộc đời của mẹ. Bố nuôi của Hiên kể chưa hết chuyện thì qua đời. Cậu tiếp tục đi tìm hai người bạn thân của bố nuôi là Tụy và Vinh Hoa để được nghe phần cuối của câu chuyện. Thế nhưng lời kể của họ cũng không làm Hiên hài lòng. Hiên tiếp tục đi tìm nhà sư, nơi bố nuôi cậu trước đây từng ở lại đẽo tượng. Bốn người kể mỗi người kể một kết thúc không giống nhau. Câu chuyện dừng lại bằng một cái kết mở trống trải đến chới với.

Cấu trúc tự sự trong Hạt mưa rơi bao lâu ngay từ đầu đã tiết lộ những điểm khác biệt so với tự sự truyền thống của điện ảnh Việt Nam. Bộ phim mở ra bằng sự việc Hiên tìm đến ngôi chùa ngày trước bố nuôi từng trú lại. Cuộc gặp mặt giữa Hiên và nhà sư diễn ra trong một cảnh quay rất ngắn tạo cảm giác hẫng cho người xem. Sau đấy, bộ phim quay sang tái hiện lại cuộc sống của bố con Hiên. Mãi cho đến gần cuối phim, khi cảnh Hiên nói chuyện với nhà sư được nhắc lại thì người xem mới biết câu chuyện mà Hiên kể chính là sự hồi tưởng lại hành trình đi tìm kiếm sự thật của Hiên, cùng với nó là câu chuyện về cuộc đời mẹ anh, Lý An.

Xét trên tổng thể, Hạt mưa rơi bao lâu là một câu chuyện lồng trong chuyện theo một kết cấu không đơn giản, thuần nhất. Câu chuyện (story) không chỉ được xây dựng dựa trên một cặp nhân (cause) – quả (effect) hay nhiều cặp nhân – quả mà đấy là một nguyên nhân và 4 kết quả. Câu chuyện về Lý An, mẹ Hiên phần mở đầu đều thống nhất nhưng về cái chết của bà thì không ai kể giống ai. Bố nuôi Hiên kể rằng vào lúc cầu thần linh, trời mưa Lý An bị ngã. Chú Tụy kể rằng Lý An bị cạo đầu bôi vôi và bị dìm chết. Chú Vinh Hoa kể rằng Lý An bị bắt lại và hầu hạ cho chủ từ. Nhà sư kể rằng Lý An được bố nuôi Hiên, Tụy và Vinh Hoa giải thoát sau đó bà lại bỏ đi vì tự thấy mình gây ra vết rạn tình cảm giữa mấy anh em. Bốn câu trả lời – bốn câu chuyện không xác định thực hư mà chỉ là cái cớ để đạo diễn có dịp thể hiện những cảnh quay khơi dậy hơi thở cuộc sống của một làng quê Bắc bộ gắn với những phong tục cổ hủ đè nặng lên số phận người phụ nữ.

Kết cấu tự sự gồm nhiều người kể chuyện không phải là hình thức thể hiện quá mới mẻ. Hẳn nhiều khán giả còn chưa kết bộ phim kinh điển Citizen Kane của đạo diễn Oson Well. Câu chuyện về Kane do 4 người kể lại, mỗi người kể về một giai đoạn trong cuộc đời của Kane. Các mảnh ghép ấy được liên kết với nhau nhờ cuộc hành trình đi tìm sự thật về Kane của toán phóng viên. Kết cấu “một nhân đa quả” của Hạt mưa rơi bao lâu gần hơn với kết cấu của phim Run!Lola Run. Bạn trai của Lola bị mất tiền liền đến tìm cô. Để cứu người yêu, Lola phải đi vay tiền bố. Bộ phim đưa ra ba giả định với ba kết quả khác nhau: 1. Bố Lola không cho vay 2. Bố Lola cho vay 3. Lola cướp tiền của bố.

Ở một chừng mực nào đó, cấu trúc tự sự của Hạt mưa rơi bao lâu có sự dung hợp giữa cấu trúc tự sự trong Citizen Kane và Run!Lola Run. Đó là một câu chuyện được tái hiện dưới nhiều ngôi kể – nhiều điểm nhìn khác nhau(point of view). Theo mỗi tuyến truyện, bộ phim khai thác những sự kiện không giống nhau từ cảnh Lý An chết giữa trời mưa trong lời kể của bố nuôi Hiên, cảnh cô bị cạo đầu bôi vôi theo lời kể của Tụy, cảnh Lý An vào chùa nguyện từ nay suốt đời hầu hạ cho chủ từ đến cảnh cô bỏ ba anh em thợ mộc nhưng đều hướng đến thể hiện số phận hẩm hiu, bi thảm của người phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữa khao khát được đi xa, khao khát được sống đúng với những nhu cầu rất nhân bản của con người.

Sự phát triển của điện ảnh hay của một số loại hình khác như văn học cũng là sự phát triển của nghệ thuật tự sự. Nhà làm phim không chỉ hài lòng với một tác phẩm chỉ đơn thuần trình bày sự việc theo một trật tự tuyến tính với duy nhất một điểm nhìn. Điện ảnh với thế mạnh vượt trội trong cách thể hiện những cảnh hồi tưởng (flashback) đã mở ra cho nhà làm phim một không gian rộng mở để thể hiện câu chuyện theo cách riêng của mình. Ngoài Citizen Kane, Run!Lola Run…điện ảnh thế giới còn lưu lại những bộ phim có nghệ thuật tự sự đặc sắc như Memento, Rashomon…. Ngay ở Đài Loan, đạo diễn tài năng của thể loại phim nghệ thuật Hầu Hiếu Hiền đã khiến cả giới điện ảnh hiện đại khâm phục trước những tìm tòi, sáng tạo, thể nghiệm những hình thức tự sự mới mẻ. Những bộ phim của ông không còn là một câu chuyện được kể tường minh mà được kể trong một cấu trúc bện xoắn phức tạp nhưng cực kỳ chặt chẽ, lô gic như trong Good men good women, có khi nó được ngắt ra thành những câu chuyện nhỏ diễn ra trong những thời điểm lịch sử khác nhau như trong Three Times. Thị hiếu và cảm quan thẩm mỹ của người xem, người đọc hiện đại rất tinh tế. Họ đã quá quen thuộc với những câu chuyện rất nhàm chán, điều họ cần chính là cách bộ phim thể hiện chứ không phải điều bộ phim kể lại. Đối với dòng phim nghệ thuật đây là một yêu cầu sinh tử. Bởi lẽ nó luôn đòi hỏi nhà làm phim phát huy sức sáng tạo, phải làm việc hết mình để mang đến cho người xem một món ăn cũ nhưng có vị mới.

Cũng theo xu hướng của dòng phim nghệ thuật, Hạt mưa rơi bao lâu không dụng ý kể cho người xem một câu chuyện trọn vẹn với những chi tiết ly kỳ, hấp dẫn về nhân vật chính Lý An. Số phận và cuộc đời cô là cái cớ để đạo diễn Đoàn Minh Phượng thử nghiệm nghệ thuật tự sự đa điểm nhìn, luôn gợi ra và luôn bỏ lửng. Bởi thế trong cách dựng, phim được cắt cảnh rất đột ngột vừa hé mở đã khép lại như cảnh Hiên gặp sư thầy, cảnh Hiên gặp cô đào gánh hát. Hành trình Hiên đi tìm sự thật về mẹ cũng không phải là điều đạo diễn chú tâm. Không hề có những cảnh quay dài dòng thuật lại hành trình Hiên đến gặp chú Tụy như thế nào, gặp chú Vinh Hoa ra làm sao. Ngay khi Hiên vừa dứt lời: cháu phải đi tìm sự thật về cái chết mẹ cháu thì phim đã chuyển sang cảnh kế tiếp.

Một bộ phim hay bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào có thể xem như một khối lập thể, mỗi góc nhìn mang lại những ý kiến không giống nhau. Hạt mưa rơi bao lâu ngay từ khi được công chiếu đã nhận được những lời khen chê trái chiều. Thế nhưng, xét ở phương diện nghệ thuật tự sự thì đây quả thực là một sự nỗ lực cách tân đáng ghi nhận nhất là trong bối cảnh phim Việt ta còn quá câu nệ về tính nội dung như hiện nay.

~ by phongsinh on March 27, 2008.

One Response to “Hạt mưa rơi bao lâu và những thể nghiệm nghệ thuật tự sự”

  1. […] [14] Nguyễn Hoàng Quý Hà, “Hạt mưa rơi bao lâu và những thể nghiệm nghệ thuật tự sự,” Tin vắn Online: “Cuộc gặp mặt giữa Hiên và nhà sư diễn ra trong một cảnh quay rất ngắn tạo cảm giác hẫng cho người xem. Sau đấy, bộ phim quay sang tái hiện lại cuộc sống của bố con Hiên. Mãi cho đến gần cuối phim, khi cảnh Hiên nói chuyện với nhà sư được nhắc lại thì người xem mới biết câu chuyện mà Hiên kể chính là sự hồi tưởng lại hành trình đi tìm kiếm sự thật của Hiên, cùng với nó là câu chuyện về cuộc đời mẹ anh, Lý An.”  Truy cập tại https://tinvanonline.org/2008/03/27/hatmuaroibaolau/ […]

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: