Nụ hôn thần chết – chưa thật hài lòng



Author: Nguyễn Thị Mỹ Trang

Nếu nhắc đến phim Tết vừa qua, không nghi ngờ gì nữa bộ phim “Nụ hôn thần chết” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã thực sự là một bộ phim “bom tấn” của điện ảnh Việt Nam. Đầu tư 5 tỉ và thu về 16 tỉ đồng doanh thu phòng vé, bộ phim hội tụ những con số đáng mơ ước của tất cả những ai làm phim thương mại. Chiến dịch quảng bá sâu rộng cũng khiến khán giả nùn ùn kéo đến rạp để xem “Thần chết yêu như thế nào?” trong ngày lễ tình nhân vốn không có nhiều sự lựa chọn cho đôi lứa.

Với một chiến dịch quảng bá sâu rộng, bài bản, ngay từ những ngày đầu được công chiếu bộ phim đã thu hút đông đảo những khán giả trẻ tuổi. Công bằng mà nói, bộ phim đã đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của những khán giả vô tư và tràn đầy háo hức: dàn diễn viên nổi tiếng, diễn viên chính ngoại hình đẹp, chất lượng âm thanh đảm bảo, âm nhạc chuyên nghiệp…Quan trọng nhất là ý tưởng được biên kịch và đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đưa đã thực sự hấp dẫn ngay từ đầu: tình yêu của chàng Thần chết đẹp trai với thông điệp “nhân vật của tôi vô lý đến phát yêu”. Thế thì làm sao mà nỡ không đi xem cơ chứ.

Đây cũng là một trong số ít những bộ phim thương mại được giới trong nghề đánh giá cao với việc đăng quang ở giải Cánh diều vàng tại một số hạng mục đáng chú ý như: giải kịch bản, nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, giải họa sỹ thiết kế cho Mã Phi Hải và cánh diều bạc dành cho phim xuất sắc nhất. Như thế là bộ phim này đã đảm bảo cả độ hút khách và chất lượng nghệ thuật rồi đấy chứ.

Tuy vậy khi lớp chúng tôi xem xong bộ phim, cảm giác chung là dù thời lượng bộ phim chỉ khoảng 90 phút nhưng lại tạo cảm giác rất dài. Vì sao lại thế nhỉ :-) Thử dùng những kiến thức đã học để phân tích bộ phim xem, dẫu không tránh khỏi những điều vượt ngoài tầm của những SV chưa làm nghề như chúng tôi.

Phim cũng xuất phát từ cấu trúc 3 hồi của Hollywood. Ngay từ hồi 1 khi thần chết Du bị đặt trước tình thế phải hôn hút hồn cô gái mà mình yêu thích, hành động của nhân vật chính đã không gây ấn tượng bằng màn sân khấu hóa địa phủ. Chính vì thế hồi 2 là sự đuổi theo và giải thích đến khổ cho luật lệ đặt ra của hồi 1. Đạo diễn đã có thể khai thác kỹ mâu thuẫn giữa các cặp đôi , sự tranh cướp của những con ma về một con mồi xinh đẹp, các thế lực bề trên ngăn cản… nhưng rồi vì giả thiết hồi 1 đưa ra anh phải tiếp tục diễn giải nó.

Chính điều này đã khiến xuất hiện một số nhân vật được tung ra rồi biến mất khó hiểu như cô nàng tình địch của An (ca sỹ Thủy Tiên đóng), hay những sence không ăn nhập lắm như những câu hát đầy triết lý “ Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…” của các em nhỏ trong cô nhi viện.

Hồi 3 đã cứu nguy bằng việc đưa ra 2 options và không thể phủ nhận đã khiến khán giả còn ngồi yên trên ghế.
Nhân vật của bộ phim không được đặt trong hành động mà nặng về diễn dải. Nhiều câu thoại được lặp lại khiến người xem khó chịu như khi Du vừa nói “Anh phải hôn em…” thì Đa lại tiếp tục gào lên “Nó phải hôn…” Nhân vật đáng nhẽ nên khai thác về hành động là thần chết Đa thì việc duy nhất anh này làm là chạy theo người em kém cỏi để lải nhải về lời nguyền khủng khiếp dành cho những Thần chết không thể trao cho nạn nhân nụ hôn hút hồn. Những màn bay lượn mà khán giả mong đợi nhất đã không xuất hiện thực sự hoành tráng mà chỉ nhức đầu về màn diễn giải của anh Thần Chết kém xinh trai hơn.

Quay phim hầu hết là những cảnh quay cận cảnh chứ rất ít có viễn, trung cảnh hay cận cảnh đặc tả. Điều này đã phần nào làm giảm đi sức mạnh của điện ảnh trong khả năng biểu đạt không dùng lời. Tất nhiên bộ phim có nhiều cảnh đối thoại hai người, cảnh nội song không nên vì thế mà bớt đi sự trau chuốt khuôn hình. Trong thể loại phim này, mỗi cú máy cần tiêu điểm cho một đối tượng rõ ràng nhưng nhiều lúc nếu không có thoại, người xem không xác định được nhân vật chính là ai.

Đáng thất vọng nhất là diễn xuất trong phim của hai diễn viên chính, đều là những diễn viên có ngoại hình đẹp. Thanh Hằng đã có nhiều cố gắng so với diễn xuất trong phim “Tôi làm ngôi sao” song các động tác của cô có vẻ nặng về tính chất biểu diễn, gồng mình cho ghê gớm chứ chưa tạo nên độ lanh, láu và quái “tự nhiên” mà người xem chờ đợi. Khuôn mặt góc cạnh của Thanh Hằng không được hóa trang tạo nên độ sáng và mềm mại và cần thiết nên khiến cho nét trong sáng đáng yêu của nhân vật không được bộc lộ. Johnny Trí Nguyễn thì diễn xuất không thuyết phục khi cần …thoại . Xem một loạt phim của anh như “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Dòng máu anh hùng” hay bộ phim Việt Kiều “The 1st morning”, ấn tượng trong tôi luôn là cách nói chuyện nghiêng đầu, cau mặt, nhăn trán và nhả chữ khó nhọc…đến thương.

Âm nhạc của bộ phim cũng là điều gây tranh cãi. Thực sự nếu đã nghe và yêu phiên bản tiếng Anh của A time for us sẽ không khoái bản cover tiếng Việt được tận dụng hết công suất trong NHTC. Dù nhạc có được mix hoàn hảo đến đâu song ai yêu bộ phim này và điện ảnh VN nói chung vẫn khát khao cho một soundtrack chuyên nghiệp, mới mẻ, mà chắc điều này phải chờ đến những “quả bom” to hơn ở tương lai.

Nhưng dù thế nào, thành công của bô phim là một điều không thể phủ nhận với doanh thu đáng mơ ước tại VN. Với nhiều nỗ lực đáng ghi nhận “Nụ hôn thần chết” thực sự là một hiện tượng của điện ảnh Việt Nam, đáng để cho những người làm nghề suy nghĩ về cách làm phim mới mẻ, tích cực, học hỏi, nâng tầm… Sự thành công của kịch bản bộ phim chính là sự hòa trộn thể loại: hài, lãng mạn pha chút kinh dị, giả tưởng. Điều đó đã khiến bộ phim trở thành một món ăn lạ miệng thú vị trên bàn ăn Điện ảnh Việt Nam vốn chưa phong phú và chiều lòng thực khách.

~ by phongsinh on March 22, 2008.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: