Em muốn là người nổi tiếng

Author: Đinh Mỹ Linh

Nghe tin “Em muốn làm người nổi tiếng” lọt vào 4 phim vòng cuối Cánh diều vàng 2007, tôi không khỏi ngạc nhiên, và chợt nhớ lại một cảm giác buồn cười thời còn là sinh viên, khi các báo cáo khoa học loại B cũng được chọn trình bày trước Hội nghị báo cáo, để cho thấy tính đa dạng của trình độ và đề tài nghiên cứu. Có phải “Em muốn là người nổi tiếng” là một trường hợp như thế? Hay là tôi quá khắt khe với phim truyện Việt?

“Đã từng lê la đi hát ở các quán bar, nhà hàng, khách sạn suốt 6 năm trước đây, tôi hiểu mơ ước, khát vọng được nổi tiếng của một ca sĩ như thế nào. Và tôi hiểu, cái giá mà mỗi người phải trả cho sự nổi tiếng ra sao” (trích VTC New), đó là những điều tác giả kịch bản Hà Anh Thu hứa hẹn. Và khi lên phim, “cái giá” đó là gì? Cô “thính phòng”- ca sỹ út của nhóm không có chỗ luyện giọng, vì… bạn cạnh phòng đang ôn thi. Khó khăn lớn với cô là thiếu tiền, nhưng nhân vật còn chưa kịp lo lắng nặng đầu thì đã có người giới thiệu hát thêm ở phòng trà. Tuyến nhân vật này thu hút nhiều quan tâm của khán giả nhất khi gặp tai nạn giao thông, nhưng hệ quả sau một đêm hôn mê nguy hiểm là… hồi phục không di chứng. Hay vì nhân vật trong phim yếu đuối, rụt rè mà tác giả không nỡ làm đau? Cô ca sỹ theo dòng nhạc vũ trường chọn cách tiến thân là cặp kè với một công tử chịu chơi, và kết cục cuộc tình chóng vánh không có gì khó đoán. Nhân vật chính- cô gái theo dòng nhạc trẻ phải đánh đổi sự nghiệp với cuộc sống xa nhà, không còn thời gian dành cho người thân, kẹp giữa một bên sự nhòm ngó của ông bầu và bên kia, sự ghen tuông cao tay của bà vợ bầu sô. Mâu thuẫn cao trào khi nhân vật phải lựa chọn giữa live show diễn ra chiều hôm sau với người bạn thân vừa gặp tai nạn hồi tối. “Thần kỳ” ở chỗ, trong thời hạn một đêm, cô gái kịp bay từ tp HCM về Hà Nội giải quyết một thể tất tật mọi day dứt: về quê thăm bà nội, tâm tình với người yêu, hoà giải mâu thuẫn cùng cô bạn trong nhóm, sáng ra kịp động viên người bạn vừa hồi tỉnh trước khi… chạy sô vào tpHCM biểu diễn. Những biến cố của cả ba tuyến nhân vật kể trên có một điểm chung: đều là hệ quả tất yếu mà nhân vật (lẽ ra) có thể đoán trước được khi lựa chọn từng lối đi riêng. Chỉ cần một khán giả chăm đọc báo, hẳn cũng dễ dàng thấy “hậu trường khốc liệt” được quảng cáo trong phim chẳng có gì… khốc liệt! Việc trốn tránh đẩy cao mâu thuẫn khiến phim không có bất ngờ.

Lấy ví dụ một cảnh cần sức ép, ông bầu lấy cớ say rượu đến nhà nhân vật chính (Nhung) trong một đêm mưa với ý đồ lợi dụng. Vậy mà, ông trùm cáo già nhiều mánh lới chỉ nghĩ ra được cách gõ cửa phòng nhân vật nữ, không mở được thì bỏ đi. Sáng sớm hôm sau, mọi lo lắng của khán giả dành cho nhân vật chính được “hạ nhiệt” ngay, khi bà vợ ông bầu ngồi sẵn trong phòng khách nhà cô gái. Màn đánh ghen, có ý thể hiện tình huống nhục nhã nhất của nhân vật nữ, cũng thật kì cục: Bà chủ nói xa nói gần về địa vị của mình và cô gái, chốt hạ màn giao dịch bằng gợi ý mang cho cô chiếc ti vi mới, còn nhân vật nữ, vốn trọng danh dự, thì tỏ ra đuối lý và yếu ớt. Ở đây sự trốn tránh mâu thuẫn khiến phim bất hợp lý tới mức nực cười.

Quay phim là một điểm cộng lấy lại cảm tình cho bộ phim. Phim có nhiều cảnh được chọn lựa kỳ công, phối phục trang đẹp tự nhiên, không theo gam màu “tuồng chèo”. Máy quay tận dụng tốt khuôn hình trung và toàn cảnh, phù hợp tôn vinh hình thể diễn viên, vốn là lợi thế của phim ca nhạc. Tuy nhiên, cảnh quay đẹp nhưng không hẳn để lại ấn tượng đậm nét trong khán giả, bởi phần dựng phim rời rạc. Khán giả chưa kịp hiểu cảnh hoành tráng trên thang máy Vincom, cảnh anh người yêu đi theo thuyết phục Nhung trên triền đê, giữa đầm sen…, ngoài tính biểu diễn ra còn có thể khơi gợi những cảm xúc gì, thì mối dựng đã ngắt quãng chuyển sang tuyến khác, mâu thuẫn khác. Có cảm giác rằng, sự chuyển cảnh trong phim không theo mối nối hình ảnh, âm thanh hay tình tiết nào, khi nào nhân vật không còn gì để thoại thì chuyển cảnh. Một điểm khiến phim trở nên hài hước… không cố ý.

Cách dựng phim như vậy kéo theo cách kể các biến cố, mỗi mâu thuẫn chỉ được đưa ra theo lối liệt kê, chưa tiêu hoá kịp biến cố này, khó khăn khác lại tới và cứ thế, nhà làm phim hình như “quên” mất mâu thuẫn trước đó chưa được giải quyết. Đến tận cuối phim, khán giả vẫn không hiểu cô ca sỹ đàn chị có ý ghen tỵ với Nhung xuất hiện để… làm gì, sau khi Nhung trả lời phỏng vấn “hớ” và Trang chia tay anh người yêu “đại gia”, cô sẽ vươn lên tiếp ra sao. Một lần nữa, trốn tránh mâu thuẫn lại gây phản cảm cho phim, khiến mạch phim rời rạc.
Cấu trúc như thế khiến nhà làm phim tự mâu thuẫn với chính mình: nhà làm phim muốn nhân vật gặp thật nhiều khó khăn để chứng tỏ sự tàn khốc, nhưng vì không mâu thuẫn nào vượt quá sự suy luận của khán giả được, nên phim nhảy cóc, không kể bước giải quyết. Điều này cũng đồng nghĩa, nhà làm phim tự thừa nhận rằng khó khăn thì nhiều, nhưng chẳng cái nào đáng nói sâu cả.

Tuy nhiên, với “3 năm sau khi đã chỉnh sửa, bổ sung…nát giấy”, cũng khó mà trách lỗi biên kịch gốc!

Âm nhạc là phần không thể bỏ qua đối với một phim ca nhạc. Nhạc nền và tiếng động trong phim hầu như không có ấn tượng, nhưng gỡ điểm lại bằng các ca khúc mang tính trình diễn. Âm nhạc giúp tạo không khí trong nhiều cảnh quay, tiết chế được thoại khi nhân vật cần biểu cảm. Người làm phim đã tận dụng hiệu quả lợi thế thể loại phim ca nhạc để kết hợp thật nhuyễn bài hát chủ đề với hình ảnh. Điển hình là trường đoạn vũ trường sôi động với nền bài “Lucky lucky” và ánh đèn màu, hay tâm trạng băn khoăn, lãng mạn của đôi nam nữ chính giữa đầm sen, trên nền dòng nhạc ballad. Tiêu chí hướng tới thị hiếu khán giả của phim, được bộc lộ duy nhất ở âm nhạc, khi tận dụng các giọng ca đang “lên”: Phương Thu, Phương Anh, Phương Linh.
Âm nhạc ít nhiều bù đắp sự mờ nhạt của nhân vật, trong phim này do lỗi của cả diễn xuất và kịch bản. Cấu trúc kể rời rạc, nhảy cóc không đi tới triệt để của bất kể mâu thuẫn nào sở dĩ khiến khán giả bực mình, không phải vì không đoán nổi tình tiết, sự kiện, mà cái được quan tâm là phản ứng, tâm lý và sự vươn lên của nhân vật lại bị che mờ và lược bỏ theo. Bởi vậy mà nhân vật thiếu chủ động, không có cơ hội bộc lộ mình. Thêm vào đó, diễn xuất khá gượng cứng và căng thẳng của Đan Lê khiến đôi lúc người xem phải tự hỏi, có thật vai của cô là nhân vật chính.

Từng được dự báo là phim “thành công nhờ phá cách” của Hãng phim Hội Điện ảnh, ngày đoàn làm phim ra mắt, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, hiện phụ trách Hãng phim Hội Điện Ảnh Việt Nam và là Giám đốc sản xuất bộ phim Em muốn làm người nổi tiếng cho biết “Trước đây, chúng tôi chỉ làm những bộ phim…đạo diễn thích, với những sáng tạo riêng mang dấu ấn cá nhân, còn khán giả thích thì xem và mặc cho các nhà phê bình tha hồ tranh luận với nhau. Nhưng giờ đây chúng tôi sẽ làm những bộ phim hướng tới thị hiếu khán giả mà vẫn không mất đi giá trị nghệ thuật đích thực”. Khán giả có thích không thì chưa biết, nhưng ít ra thì, ngoài đạo diễn, bộ phim đã được phụ trách Hãng phim của Hội thích rồi.

~ by phongsinh on March 21, 2008.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: