“Identity” đã kể chuyện như thế nào?
©2002 Columbia Pictures
Author: Trương Huỳnh Như Trân
“Tự sự chính là một phương thức căn bản để con người hiểu thế giới. Khi xem phim nghĩa là người ta muốn xem câu chuyện được kể trong phim đó.” (1)
Đối với một bộ phim tự sự, bao giờ người xem cũng thông qua cốt truyện để hiểu được câu chuyện phim. Vậy, cốt truyện và câu chuyện là gì? Chúng tương tác như thế nào trong một bộ phim tự sự?
“Câu chuyện là tất cả các sự kiện được trình bày trước mắt chúng ta hoặc những sự kiện chúng ta có thể suy luận là đã xảy ra. Cốt truyện là sự sắp xếp hoặc tổ chức những sự kiện đó theo một trật tự hoặc một cấu trúc nào đó.” (2)
Với Identity (kịch bản: Michael Cooney, đạo diễn: James Mangold, thể loại: kinh dị), chúng ta sẽ xem xét xem câu chuyện được nêu trong bộ phim kinh dị này là gì, và nó đã được kể như thế nào. Đồng nghĩa với việc những sự kiện nào đã diễn ra trong Identity, và nó được sắp xếp, tổ chức theo trật tự gì để chuyển tải câu chuyện phim đến người xem.
(Câu chuyện và cốt truyện trong phim Identity)
Identity là một câu chuyện phim kể về sự rối loạn đa nhân cách của tên tội phạm Malcolm. Từ ám ảnh tuổi thơ mình, Malcolm hình thành những ảo giác ghê rợn về tội ác. Quá trình giải mã suy nghĩ phức tạp của y cũng là quá trình ngăn chặn cái ác đang “ăn” dần ý thức y. Cuộc trò chuyện với những nhân cách (Identity) của Malcolm đã khơi gợi cái nhìn sâu sắc về bản thể cá nhân mỗi con người.
Malcolm có một người mẹ làm gái điếm. Tuổi thơ của gã vì thế là chuỗi ngày đen tối và u ám. Malcolm thường xuyên bị mẹ nhốt trong nhà tắm mỗi khi bà ta bận đi làm. Ký ức đầy khủng hoảng ấy đã in hằn trong tâm trí Malcolm nỗi ám ảnh kinh hoàng. Trong nhân cách một đứa trẻ mang thương tổn nặng nề, Malcolm đã phạm tội giết 6 người trong một cơn cuồng sát. Nhận thấy điều bất ổn trong trí não Malcolm, bác sĩ điều trị của y là Mallick cùng các chuyên gia tâm lý khác tìm cách gỡ bỏ cái bóng đen u tối kia ra khỏi tâm trí Malcolm. Lần theo những ám ảnh của y, họ theo dõi 10 nhân cách (identity), 10 kiểu người khác nhau mà Malcolm đã tưởng tượng ra trong tiềm thức. Có thể nói mười nhân cách đó chính là các mặt khác nhau trong cùng một con người Malcolm, với đủ loại tính cách, đủ mọi ngành nghề, thiện – ác, đàn ông – phụ nữ. Trong từng thời điểm khác nhau, các nhân cách ấy lại thay phiên nhau ngự trị thân xác Malcolm, trong đó có Edward. 10 nhân cách đó của Malcolm đang lần lượt bị tiêu diệt bởi một kẻ sát nhân bí mật. Tất cả đều là sản phẩm của trí tưởng tượng của Malcolm. Ghê sợ trước trí não đầy những tội ác ghê gớm của Malcolm, các bác sĩ tâm lý đã nhờ nhân cách Edward của Malcolm, là kẻ đang sống trong hai thế giới thực và ảo của Malcolm, tiêu diệt cái ác trong trí não Malcolm. Edward nhận lấy cái chết khi cố tiêu diệt George (một nhân cách khác của Malcolm). Trong 10 nhân cách chỉ còn cô gái điếm tên Paris sống sót. Cái ác bị tiêu diệt cùng với sự hy sinh của nhân cách Edward. Sứ mạng hoàn thành, linh hồn Malcolm được chiêu tuyết cho những tội lỗi ghê gớm vừa qua. Bác sĩ Mallick đưa Malcolm về bệnh viện.
Trên đường đi, nhân cách cuối cùng của y còn “sống sót” là Paris đã ngự trị trong Malcolm với bài hát vui tươi. Nhưng cuối cùng Malcolm cũng không vượt qua những ám ảnh thời thơ bé. Kẻ giết người trong nhân cách đứa trẻ đã tìm đến và giết nốt Paris bên vườn cam rực rỡ nắng vàng. “Những con điếm không có cơ hội thứ hai!” Paris vốn là một cô gái điếm, trùng hợp với thân phận mẹ Malcolm, kẻ đã gây ra cho y nỗi ám ảnh từ thời thơ ấu. Một ám ảnh không thể xóa nhòa. Vĩnh viễn.
Identity đã kể câu chuyện về Malcolm theo một hình thức rất đặc biệt, gây sự hấp dẫn rất lớn đối với người xem. Qua hình thức kể chuyện ấy, người xem dần dần khám phá ra tình tiết câu chuyện đầy bất ngờ. Phân tích sự khác nhau của câu chuyện và cốt truyện là chìa khóa để phân tích tác phẩm tự sự hết sức lôi cuốn này, nhằm hiểu được nội dung và thông điệp của nó.
Phần chung nhau giữa câu chuyện phim và cốt truyện của Identity là các sự kiện hiện diện cả trong câu chuyện phim và trong cốt truyện thể hiện trên màn hình. Ở đây là những sự kiện đã xảy ra đối với cuộc đời và tâm thức Malcolm. Từ một đứa trẻ có tâm hồn bị ngược đãi trở thành tội phạm. Với những chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu, Malcolm sinh ra ảo giác về những tội ác ghê rợn. Các bác sĩ vào cuộc giúp gã tiêu diệt cái ác hiện diện trong tiềm thức. Nhưng cuối cùng, bản năng ác trong Malcolm đã chiến thắng, tiêu diệt niềm hy vọng cuối cùng cho cái thiện hồi sinh.
Tuy nhiên, những gì Indentity thể hiện trên màn hình không phải là tất cả câu chuyện phim. Có những sự kiện thuộc về giả thiết và phán đoán của khán giả để khám phá ra câu chuyện, thông qua những dữ liệu mà cốt truyện cung cấp. Ví dụ, Identity kể về một cậu bé bị những ám ảnh từ thời thơ ấu nên đã trở thành một kẻ giết người. Cốt truyện không đề cập đến diễn biến tâm lý của Malcolm trong cuộc sống ấy, không cho biết hắn ta đã sống, đã lớn lên và đã phạm tội ra sao. Khán giả biết được điều đó qua việc chắp nối những sự kiện mà cốt truyện kể: Malcolm kể trong cuộc băng ghi âm rằng mẹ hắn là gái điếm, thường xuyên nhốt hắn mỗi khi bà bận rộn; hình ảnh một số tờ báo viết về vụ một cậu bé bị nhốt nhiều giờ trong nhà tắm…
Cốt truyện cũng không kể về việc Malcolm đã hình thành trong đầu mình những nhân cách khác nhau (identity) như thế nào. Chúng ta biết được điều đó qua nhân vật Edward. Nhờ Ed, ta biết được cuộc gặp gỡ kỳ lạ của các identity tại nhà nghỉ trong cơn bão, các vụ giết người bí ẩn và ghê rợn… chỉ xuất hiện trong ảo giác của Malcolm. Tất nhiên, cốt truyện cũng không “nói” cho khán giả biết một cách rõ ràng mà tự khán giả phải phán đoán với những hình ảnh được xem: hình ảnh gương mặt Ed biến thành gương mặt của Malcolm (Malcolm thể hiện bản thể trong nhân cách Ed), gương mặt Ed liên tục xuất hiện ở phòng họp của các chuyên gia và ở hiện trường vụ án cho biết nhân cách Ed đang làm cầu nối liên lạc giữa các chuyên gia và thế giới ảo giác trong Malcolm.
Chúng ta cũng không biết là Malcolm đang tưởng tượng bối cảnh như thế. Các chi tiết tai nạn, cơn bão, những con người với thân phận, cá tính khác nhau, những chìa khoá phòng bên cạnh xác chết… rất sống động khiến người xem cứ tin tưởng đó là một câu chuyện rùng rợn có thật. Mọi việc chỉ sáng tỏ khi Edward ảo can dự vào câu chuyện thật của Malcolm, trông thấy bản thân mình trong gương mặt béo phệ của gã và bắt đầu làm nhiệm vụ nối kết hai thế giới thật và ảo trong con người Malcolm. Như vậy, chỉ khi trông thấy gương mặt Malcolm trong Ed, khán giả mới phán đoán ra tất cả sự thật ấy.
Ở đoạn cuối, khi khán giả đang theo dõi số phận của Identity cuối cùng còn sống sót trong tiềm thức Malcolm, đó là Paris. Paris đã thoát ra khỏi khu nhà nghỉ chết chóc, lái xe chạy đi. Đoạn sau đó là Paris vui vẻ hát một khúc nhạc trên đường, vui vẻ làm việc bên vườn cam rực rỡ nắng của mình. Khán giả có thể hình dung một cô Paris đã từ bỏ cuộc sống sai lạc với ám ảnh quá khứ kinh khiếp của mình để trở về bên vườn cam sống một cuộc sống mới, như lời của Edward nói trước khi chết: “Tôi đã thấy em bên vườn cam,” như một khát vọng của người hiệp sĩ tiêu diệt cái ác để đổi lại cuộc sống lương thiện cho phần còn lại của thế giới. Paris đã trở về từ cõi chết, từ hiểm họa kinh hoàng, như mầm thiện vươn lên từ đống hoang tàn do cái ác gây ra. Tất cả sự kiện và ý nghĩa đó cốt truyện chỉ kể bằng một vài chi tiết như nét gợi để người xem tìm ra câu chuyện: cảnh Edward và Paris trước khi chết cùng nét mỉm cười và câu nói của Ed: Tôi đã thấy em trong vườn cam, cảnh Paris chạy xe đi, cảnh cô hát trên đường quê, hòa điệu cùng một Malcolm khác với ánh nhìn của cái thiện hồi sinh, cảnh cô bình yên bên vườn cam của mình, với công việc thường nhật.
Qua đó ta thấy, những giả định về diễn biến câu chuyện là do người xem phán đoán, đó là phần câu chuyện, không tồn tại trong cốt truyện.
Ngược lại, trong cốt truyện cũng chứa phần câu chuyện không có. Đó chính là phần giới thiệu danh sách đoàn làm phim đầu và cuối phim trên nhạc nền. Ngoài ra, những âm thanh tạo cảm giác trong suốt phim (nhạc điệu dồn dập khi kể những sự kiện quá khứ của Malcolm, âm thanh rùng rợn trong bối cảnh xảy ra vụ giết người, điệu nhạc êm đềm khi thể hiện cuộc sống bình yên của Paris lúc đã trở về nông trại…) cũng là yếu tố của cốt truyện, không xuất hiện trong câu chuyện phim.
Để theo dõi kỹ hơn về sự khác biệt của câu chuyện và cốt truyện, ta sẽ so sánh chúng trên các phương diện trong nghệ thuật phim.
Trước hết đó là sự tác động của quan hệ nhân quả lên câu chuyện và cốt truyện. Sự khác biệt ở đây chính là, cốt truyện chỉ cho thấy kết quả là những vụ giết người lần lượt xảy ra một cách bí hiểm, mà không cho biết nguyên nhân của nó từ đầu. Cuối cùng, các chuyên gia tâm lý học là người đã tìm ra những nguyên nhân đó. Khán giả sẽ nối kết các sự kiện để hiểu ra trình tự thời gian của câu chuyện như thế nào. Đó là, tất cả những vụ giết người, tất cả những nạn nhân đều chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Hay như trong các vụ giết người, cốt truyện không cho thấy nhân vật bị giết như thế nào. Người xem chỉ thấy cô diễn viên ra khỏi khách sạn để nghe điện thoại, nghe thấy tiếng động, đến Edward tìm thấy chiếc vòng của cô rơi trong sân và cuối cùng là cái xác của cô trong máy giặt. Ví dụ khác là cái chết của tên tội phạm với cây cọc xuyên qua cổ họng… Không miêu tả tiến trình nhưng bằng cách đưa ra những hình ảnh gợi như thế, cốt truyện đã giúp người xem hình dung ra được quá trình.
Nhân vật đứa bé Timothy xuất hiện trong phần đầu của cốt truyện gợi cho người xem sự thắc mắc về lối hành xử kỳ lạ của nó. Đặc tính của nhân vật này chính là nguyên cớ của câu chuyện. Đứa trẻ bị trầm cảm chính là hình ảnh thời thơ ấu của Malcolm, xuất hiện trong trí não Malcolm. Đó chính là nhân vật giết người trong ảo giác của y. Giết người trong nhân cách một đứa trẻ, như một cách để Malcolm giải tỏa những ẩn ức đeo mang trong suốt thời thơ ấu của mình.
Nhân vật người mẹ là gái điếm của Malcolm cũng chính là nguyên cớ để dẫn đến kết cục Paris bị giết ở cuối phim. Ký ức về quá khứ đã không phôi pha nổi sự kiện ghê gớm Malcolm đã trải qua, sau rất nhiều nỗ lực của các chuyên gia tâm lý, nên linh hồn tội phạm của Malcolm mãi mãi không thể hồi sinh bằng việc giết nốt cả Identity cuối cùng là Paris. Y đã không vượt qua được ám ảnh: Paris cũng là một cô gái điếm.
Yếu tố thứ hai là thời gian. Cốt truyện Identiy bắt đầu bằng việc điều trị của bác sĩ Mallick với bệnh nhân Malcolm. Cho đến thời điểm ấy, Malcolm đã từng giết 6 người, và đã có một tuổi thơ đầy biến động. Như vậy, qua lời kể của Malcolm, qua sự bàn bạc của các chuyên gia, người xem phải tự hình dung, dựng lại câu chuyện từ khi Malcolm là một đứa trẻ với những biến cố bắt đầu cho chuỗi bi kịch về sau này.
Có một số chi tiết khác, cốt truyện đã đưa sự kiện sau trở thành trước. Đó là trường hợp vợ chồng Robert Mine gặp tai nạn. Mở đầu sự kiện là hình ảnh gã chủ khách sạn đang ngồi xem ti vi thì Robert ôm vợ bị thương xông vào. Sau đó mới kể lại sự việc họ đã gặp tai nạn như thế nào.Một chi tiết khá khó hiểu là về cảnh sát George và tên tội phạm. Thoạt đầu,không ai nghi ngờ gì về việc George đang trên đường chuyển tên tội phạm về trại giam. Nhưng sau đó, Paris đã tìm được tờ lệnh truy nã có hình của tên tội phạm và cả lệnh truy nã viên cảnh sát. Cô đã hình dung ra cả câu chuyện, rằng viên cảnh sát và tên tội phạm đều là tội phạm cả. Chính George đã tấn công viên cảnh sát áp giải và cải trang thành cảnh sát, đưa tên tội phạm còn lại vào nhà nghỉ. Suy luận đến đó, Paris vội vàng mở cốp xe của George thì tìm thấy trong đó một xác người. Rõ ràng ở đây đã có một sự đảo lộn thời gian so với câu chuyện. Nếu như suy đoán của Paris là đúng thì câu chuyện bắt đầu từ việc George giết cảnh sát, cải trang thành cảnh sát để vào nhà nghỉ. Trong khi đó, cốt truyện mở đầu bằng việc cho người xem thấy ngay George là một cảnh sát khiến người ta không nghi ngờ gì về việc đó. Chính điều đó sẽ tạo nên bất ngờ khi khán giả phát hiện ra sự thật.
Tương tự như vậy, nhân cách Paris cũng luân phiên xuất hiện trong nhân dạng Paris ở trang trại và nhân dạng Malcolm trên đường đến bệnh viện. Cách sắp xếp không gian này tạo nên sự sống động trong ảo giác của Malcolm, đồng thời giúp người xem hiểu được câu chuyện: trong từng thời điểm khác nhau, Malcolm bị một nhân cách khác nhau do y tưởng tượng ra điều khiển tâm thức mình.
Điểm khác biệt thứ tư là về thời lượng phim. Toàn bộ câu chuyện trong Identity diễn ra trong thời gian vài chục năm (từ khi Malcolm còn bé đến khi trở thành tên tội phạm và sinh ảo giác, hoang tưởng) nhưng cốt truyện chỉ diễn ra trong vòng một ngày, bắt đầu từ cú điện thoại đánh thức vị thanh tra vào lúc 2 giờ sáng để báo cáo về tình trạng của tù nhân Malcolm Rivers, cho đến khi các chuyên gia họp bàn về Malcolm. Ở đây còn có một “thời lượng” khác, đó là thời lượng trong ảo giác của Malcolm về thân phận và cuộc sống của 10 nhân cách trong ảo tưởng của y. Các nhân cách đó tình cờ gặp nhau trong cùng một nhà nghỉ, cùng trải qua thời khắc khủng khiếp của cuộc cuồng sát, cùng bị triệt tiêu trong tâm thức Malcolm, trừ Paris. Cuộc sống của nhân cách Paris vẫn còn tiếp diễn, khi cô chạy trốn khỏi quá khứ, trở về vườn cam sống cuộc sống yên bình và cuối cùng cũng không thoát khỏi cái chết.
Và cuối cùng là tần số sự kiện. Với môtip kể chuyện gây sự hồi hộp trong Identity, sự lặp lại của các sự kiện đóng vai trò tạo không khí cho phim. Chi tiết Robert ôm người vợ bị thương đầy máu vào nhà nghỉ xuất hiện hai lần ở gần đầu phim, tạo cảm giác sợ hãi, rùng rợn, dự báo những nguy hiểm không lường trước được ở đoạn sau.
Identity đã kể lại một câu chuyện hầu như diễn ra trong đầu óc hoang tưởng của một tội phạm cũng là một bệnh nhân tâm thần. Những ảo giác điên cuồng và bạo lực nhưng lại phản ánh tinh tế cái bản năng sâu xa của con người: mỗi con người thực chất là một bản thể đa nhân cách, thể hiện mọi tính cách của con người nhưng chung quy lại cũng là hai thái cực: thiện và ác. Vai trò của xã hội là điều tiết hai thái cực ấy, tiêu diệt cái ác và xây dựng cái thiện. Nhưng, như kết cục bộ phim cho thấy, đôi khi con người xã hội trở nên bất lực trước con người bản năng.
Thực tế, với những người đã xem nhiều lần, đã tranh luận đủ mọi ngóc ngách, bộ phim Identity vẫn chưa được tường minh hết mọi lẽ. Cốt truyện Identity để lại nhiều dấu vết khiến người xem tiếp tục lần hồi khám phá ra nhiều lớp nghĩa, nhiều bí ẩn chưa được giải mã hết của câu chuyện phim. Phải chăng đó chính là thông điệp của bộ phim: tâm thức con người là một giếng sâu không bao giờ tường tận hết được?
Lớp Biên kịch 3
Reblogged this on Zệpp and commented:
Hôm nay him recommend cho xem phim này :| Mình không thích xem mấy phim kinh dị kiểu như thế này @@ tại sao lại bảo là phim hình sự cơ chứ cái đồ điên này :((((
zepnguyen94 said this on May 8, 2014 at 7:08 pm
Rất hay cho một bài văn với đề bài: ” Hãy nêu những cảm nhận của em về bộ phim Identity.” Bạn được 10 diểm :))
Augustine said this on August 2, 2015 at 7:41 pm
[…] (*) Bộ phim kinh dị, hình sự trinh thám của Mỹ. Xem thêm ở đây. […]
1/24 – Chương 7 | Sadaharu said this on June 15, 2016 at 7:46 am