Dạo qua các rạp chiếu phim ở Hà Nội
Author: Trịnh Minh Phương
So với 10 năm trước đây, hệ thống rạp chiếu phim tại Hà Nội đã có nhiều biến chuyển tích cực. Khi nhu cầu giải trí của người dân tăng lên, các rạp chiếu phim cũng ra sức cải thiện hình ảnh của mình không chỉ bằng việc nhập khẩu nhiều phim hơn mà còn mạnh dạn đầu tư trang thiết bị. Dạo qua một vòng các rạp, nhóm PV đã tổng hợp được những ưu điểm và nhược điểm tại các rạp chính quanh thành phố.
Cụm rạp Megastar – tầng 6 toà nhà Vincom 191 Bà Triệu – Hai Bà Trưng
Ưu điểm: cụm rạp hiện đại nhất tại Việt Nam với 8 phòng chiếu được trang bị hiện đại theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng là cụm rạp nhập nhiều phim nhất hiện nay, trung bình mỗi tuần có 1-2 phim mới ra mắt khán giả. Megastar là rạp duy nhất sử dụng “phụ đề” thay cho thuyết minh. Bỏ đi tiếng thuyết minh sẽ đảm bảo được chất lượng âm thanh thật chuẩn. Tuy nhiên với đối tượng khán giả không có thói quen xem phụ đề, dĩ nhiên họ tẩy chay Megastar. Không gian đẹp, thiết kế hợp lý, phục vụ chuyên nghiệp, Megastar xứng đáng đứng vị trí số 1 trong số các rạp chiếu phim không chỉ ở Hà Nội mà còn trên cả nước.
Nhược điểm: Chất lượng cao nhất và giá vé cũng cao nhất (50-55 nghìn VNĐ/vé), điều này cũng làm giảm đi lượng khán giả đáng kể. Thường chỉ có những bộ phim hot mới ra mắt mới có khả năng lấp kín phòng chiếu. Thật đáng tiếc khi thấy buổi chiếu bộ phim 3:10 to Yuma chỉ có lưa thưa khoảng 10 khán giả. Đây là một bộ phim được đánh giá rất cao tại Mỹ, nhưng ít được đầu tư quảng cáo tại Việt Nam nên ít khán giả là lẽ dễ hiểu. Một nghịch lý là ở Megastar, khi giá vé cao như vậy, nhưng khi vào rạp khán giả phải xem ít nhất là 15 phút quảng cáo – nhiều hơn hẳn tại các rạp khác. Chất lượng quốc tế nên giá cả cũng rất quốc tế từ pepsi, bỏng ngô cho tới các loại bánh trái nước ngọt khác.
Tóm lại, một tháng tự thưởng cho mình một buổi ở Megastar thì cũng ổn. Hãy nhớ chọn kỹ phim, cặp đôi nào mà mất 100 nghìn tiền vé + 50 nghìn tiền bỏng ngô và 2 tiếng vì “Phát tài” hay “Em muốn làm người nổi tiếng” thì đúng là …
Trung tâm chiếu phim Quốc Gia – 87 Láng Hạ – Đống Đa
Ưu điểm: 6 Phòng chiếu chất lượng tốt. Số lượng phim được nhập cũng tương đương với Megastar, giá vé khoảng 30,000 cộng với phim có thuyết minh nên TTCPQG luôn là sự lựa chọn quen thuộc của khán giả bình dân.
Nhược điểm: Có lẽ ở đây không có biên chế cho người quét dọn nên không cho phép khán giả mang bỏng ngô hay nước uống vào. Rạp không hề bán bỏng ngô và nước uống – việc này cũng làm mất đi một nguồn thu không nhỏ. Những ai lơ ngơ không biết, sẽ mua đồ từ các sạp bán vỉa hè mang vào và sẽ bị nhẹ là tịch thu, nặng là ăn mắng. Các bạn đi xem phim nên chú ý điểm này.
Rạp Tháng Tám – 45 Hàng Bài – Hoàn Kiếm
Ưu điểm: Nằm ngay giữa trung tâm Hà Nội, vị thế đẹp. Tiện cho các đôi đi xem phim về rồi đi dạo một vòng quanh Bờ Hồ, ăn kem tràng tiền và mua sách ở Đinh Lễ. Một tour trọn gói vào dịp cuối tuần, đảm bảo tiêu chí: ngon, bổ, rẻ, vui.
Nhược điểm: tàn dư của một rạp thời bao cấp. Mới mở rộng thêm 2 phòng chiếu mới, tuy nhiên chất lượng phòng chiếu thấp (thậm chí, có tin đồn, chuột chạy dưới chân khán giả.) Người thuyết minh phim không biết tiếng Anh, nên đọc tên nhân vật và các địa danh nước ngoài theo kiểu “tự chế”, chưa kể đọc lời thoại chậm, thiếu hoặc bỏ xót.
Rạp Dân Chủ – 211 Khâm Thiên – Đống Đa
Ưu điểm: Chất lượng rạp khá tốt, thái độ phục vụ chuyên nghiệp. Giá vé rẻ 25-30 nghìn/đôi vé vào giờ chiếu ban ngày. Thuyết minh phim đọc lời thoại tốt nhất trong tất cả các rạp tại Hà Nội.
Nhược điểm: Hiện tượng phe vé ngang nhiên và lộ liễu. Khán giả đi xem phim thường phải mua vé ngoài với giá cao hơn 5000 so với giá gốc. Do chỉ có một phòng chiếu nên khán giả ít có sự lựa chọn khi xem phim tại rạp. Nhược điểm cuối cùng đó là rạp không có chỗ để xe rộng rãi, nên vào lúc tan giờ chiếu, rạp Dân Chủ góp phần không nhỏ vào việc làm tắc đường.
Rạp Fansland – 84 Lý Thường Kiệt – Hoàn Kiếm
Ưu điểm: rạp duy nhất tại Hà Nội chiếu các phim kinh điển với giá vé rất rẻ 20 nghìn.
Nhược điểm: Các phim được chiếu ở rạp lặp đi lặp lại nhiều. Phòng chiếu chất lượng thấp, có thể nói là thấp nhất trong tất cả các rạp. Phòng chiếu luôn vắng, không khí yên ắng, dù vào lúc cao điểm, rạp Fansland vẫn rất lặng lẽ.
Ngoài ra còn có một số rạp chiếu phim nhỏ khác như, các rạp này đều có những đặc điểm tương tự nhau.
Rạp Lý Nam Đế – 17 Lý Nam Đế – Ba Đình
Rạp Trẻ – 1 Nguyễn Quý Đức – Thanh Xuân
Rạp Sinh Viên – Hồ Thiền Quang – Hoàn Kiếm
Rạp Đặng Dung – 17-19 Đặng Dung – Ba Đình
Rạp Bạch Mai – 437 Bạch Mai – Hà Nội
Ưu điểm: Giá vé tương đối rẻ, rạp vắng, yên tĩnh.
Nhược điểm: Ít phim mới và hấp dẫn. Chất lượng phòng chiếu không cao. Và nhược điểm lớn nhất là cũng như rạp tháng Tám, trình độ của người thuyết minh phim rất kém, có thể làm hỏng cả bộ phim. Các rạp này hoạt động cầm chừng và nhờ có giá vẻ rẻ nên vẫn thu hút được lượng khán giả học sinh sinh viên dễ tính.
Vẫn biết giá cả luôn đi cùng với chất lượng, tuy nhiên khi đã có một mặt bằng đẹp như rạp tháng 8 hay các loạt rạp nhỏ khác, các nhà quản lý nên đầu tư thêm để cải thiện chất lượng. Một mô hình rạp chất lượng và giá cả vừa phải như rạp Dân Chủ có lẽ là rất hợp lý tại thời điểm này.