Hiện tượng Phùng Tiểu Cương

Author: Trần Trúc Ly

Phùng Tiểu Cương
Tên tiếng Anh : Xiao Gang Feng
Ngày sinh: 18-08-1958

Tại buổi lễ trao giải thưởng điện ảnh-truyền thông Hoa ngữ 2004 tại Hồng Kông, Lưu Nhược Anh nhận giải nữ diễn viên xuất sắc nhất cho vai “nữ tặc” Vương Lệ trong “Thiên hạ vô tặc”, trong phần phát biểu cảm tưởng, chị nói: “khi người ta xướng tên tôi lên nhận giải ở Trung Quốc , tôi thấy anh Phùng đột nhiên biến mất, lần này, cũng đến lúc lên nhận giải thì phát hiện anh ấy lại trốn biệt đi đâu, tôi ước gì được ôm anh ấy một cái lúc này”. Đúng lúc này Phùng đột nhiên_ nhanh và bất ngờ đến mức chẳng ai hiểu được ông từ xó xỉnh nào và bằng cách nào_ xuất hiện trên sân khấu, ôm Lưu Nhược Anh vài giây, rồi chẳng nói chẳng rằng đột ngột biến mất trước những ánh đèn flash sáng rực-cũng nhanh và bất ngờ chẳng kém lúc xuất hiện, Lưu Nhược Anh trong xúc động và bất ngờ, chỉ kịp hài hước nói thêm một câu vớt vát : “May mà chị Từ Phàm không có ở đây!”.(Từ Phàm hiện là vợ Phùng, cũng là một trong những át chủ bài trong các seri phim của ông).
<!–{12319924451682}–>

Tình huống thú vị này không chỉ thể hiện khả năng hài hước thiên bẩm của cả Phùng và Lưu, mà còn ngẫu nhiên gợi một mối liên tưởng sâu xa đến sự xuất hiện và tồn tại của Phùng trong làng điện ảnh Trung Quốc_ ngoài dự liệu của mọi người, ghét phô trương ồn ào và chỉ phát biểu bằng những bộ phim.

Hành trình trở thành đạo diễn của Phùng Tiểu Cương mang nhiều màu sắc truyền kỳ. Xuất thân từ một thanh niên hoạt động văn thể quần chúng với bằng cấp cao nhất là bằng tốt nghiệp cấp III, dần dần trở thành một nhân viên thiết kế mỹ thuật, sau đó lại kiêm luôn vai trò đồng biên kịch một hai bộ phim, rồi một ngày đẹp trời, dù chưa từng được đào tạo trường lớp để thành đạo diễn, Phùng đột ngột “nổi hứng” làm phim.
Người có đóng góp lớn nhất cho việc tạo nên tên tuổi Phùng Tiểu Cương có lẽ là Cát Ưu. Khi Phùng bắt đầu tập tành với cương vị đạo diễn, Cát Ưu đã là một kiểu thương hiệu bảo chứng cho giá trị của một bộ phim. Sau một loạt những vai diễn ấn tượng trong “Phải sống”, “Cuối năm” “Câu chuyện của bộ phận biên tập”…Cát Ưu đã đứng vào cùng hàng ngũ những cây đa cây đề Khương Văn, Củng Lợi, Trần Đạo Minh…, có một sự ngầm định bất thành văn trong khán giả rằng bất kể phim nào chỉ cần có sự xuất hiện của họ đều đáng xem, chẳng khác gì việc tên của Lương Triều Vĩ, Trương Quốc Vinh hay Trương Ngãi Gia, Lưu Nhược Anh trên casting list là bảo chứng chắc chắn cho những phim có chiều sâu của Hồng Kông và Đài Loan vậy. Phùng dù có tự tin đến mấy cũng rất hiểu rằng, ở cái đất nước quá rộng lớn và chẳng thiếu nhân tài này, phim làm hay là một chuyện, làm cho người ta có hứng thú mò đến rạp xem phim của mình lại là chuyện khác, vì thế, để đảm bảo về phương diện “câu khách” cho những đứa con tinh thần của mình, cho đến trước “Thiên hạ vô tặc”, Cát Ưu luôn là át chủ bài trong phim của Phùng.
Cũng chẳng cần chờ đến những “Đạo diễn thượng thặng”, “Điện thoại di
động” hay “Thiên hạ vô tặc” người ta mới biết đến Phùng. Ngay từ những phim giai đoạn đầu như “Một tiếng thở dài” hay “Bên A bên B”, Phùng đã gây những ấn tượng sâu sắc với khán giả bình dân. Bằng những bộ phim với kinh phí thấp đến không ngờ song lại tạo nên những kỳ tích về doanh thu, Phùng hoàn toàn chinh phục người xem bởi chất liệu hài giản dị từ những chủ đề bình thường nhất của cuộc sống, bởi cách trần thuật hóm hỉnh, những tình huống, những đoạn thoại hài hước điển hình. Một điều đặc biệt ở Phùng là ngay từ những bộ phim đầu tiên, ông đã cung cấp những câu thoại sẽ trở thành câu nói cửa miệng của thanh niên Trung Quốc cho đến khi họ tìm thấy những câu thay thế trong phim tiếp theo của ông (ví dụ “đánh chết tôi cũng không nói”(Bên A bên B); “no money, no woman”, “anh sẽ là quản lý tầng ba”(Đạo diễn thượng thặng); “Làm người phải có trước có sau”(Điên thoại di dộng) hay một loạt các đoạn thoại kinh điển kiểu “Suỵt! yêu cầu nghiêm túc một chút, chúng tôi đang ăn cướp đây ” , “thế kỷ 21 cái gì đắt nhất ?—Nhân tài !”, “Tôi xin đầy tinh thần trách nhiệm thông báo với anh: chú Lê rất tức giận, hậu quả rất nghiêm trọng”(Thiên hạ vô tặc )

Tuy nhiên, cũng phải công nhận rằng những phim đầu tay của Phùng còn thể hiện rõ tính chất “dò đường” của một “người mới”, nó có phần nào giống như hình ảnh đám những người làm điện ảnh thất nghiệp mở cái công ty “mộng đẹp một ngày” với mục đích vùa chơi vừa phục vụ bà con trong “Bên A bên B”, các tác phẩm này dù thú vị xong bố cục tùy tiện, chủ yếu gây cười bằng thoại và hành động của nhân vật, cách xử lý tình huống phô và đôi khi mang nặng tính sân khấu, thiếu chất ẩn dụ và những khuôn hình gợi cảm vốn là đặc trưng của điện ảnh. Ngoài ra, việc hầu hết các chi tiết trong phim mang dấu ấn quá đậm của văn hóa miền Bắc, hay việc lạm dụng một số phương ngữ Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Tây làm chi tiết gây cười mà sau này được kế thừa rất thuyết phục trong “Thiên hạ vô tặc”, đều là những yếu tố khiến phim của Phùng khó tiếp cận với khán giả phía Nam. Vì thế phim của Phùng dù gây được tiếng vang khá lớn, song lại chỉ bó hẹp trong phạm vi miền Bắc Trung Quốc, trong khi dân miền Bắc đã bắt đầu coi “Đạo diễn Phùng” là một thương hiệu bảo đảm cho một phim hài đáng chờ đợi của năm, thì dân Thượng Hải, Quảng Châu vẫn chẳng mặn mà gì lắm với phim Phùng, chưa kể các thị trường nói tiếng Hoa khác như Hồng Kông, Đài Loan gần như chẳng buồn để ý Phùng là ai.

Phim đầu tiên khiến khán giả khu vực có một chút ấn tượng về Phùng có lẽ là “Đạo diễn thượng thặng ” với sự tham gia diễn xuất của diễn viên nổi tiếng người Canada Donald Sutherland và một trong tứ đại mỹ nhân Quan Chi Lâm(cô diễn viên Hồng Kông này vẫn có vẻ khá được yêu thích ở Đại Lục, hai năm trước tôi vẫn thấy các áp phích quảng cáo đồ lót và mỹ phẩm của cô có mặt khắp nơi, trong khi ở Hồng Kông, Đài Loan, các công ty bách hóa đã dỡ hình cô xuống từ lâu) , tất nhiên cũng không thể thiếu át chủ bài Cát Ưu . Phim có những chi tiết gây cười kinh điển như khi các công ty tranh nhau từng centimet trên người ông đạo diễn nổi tiếng đã chết (thực ra là giả vờ chết) để quảng cáo cho sản phẩm của mình; mấy anh nhà giàu mới nổi sau khi vào trại tâm thần vì stress vẫn gặp nhau là bắt tay bắt chân, mở miệng là mua cổ phiếu, meeting hay khoe mẽ biệt thự, BMW, Audi; đặc biệt là Cát Ưu sau khi giả ngây giả dại “quay” mấy ông bà trong “hội đồng thẩm định mức độ điên” đã long trọng phong cho một ông bác sĩ làm trưởng hội người điên tầng ba.

Có thể nói, bắt đầu từ “Đạo diễn thượng thặng” chất điện ảnh đã bắt đầu rõ nét trong phim Phùng, và đến “Điện thoại di động” thì phong cách Phùng Tiểu Cương có vẻ đã định hình, đồng thời ác cảm của Phùng đối với sự đảo điên các giá trị mà “hiện đại hóa”, “văn hóa nghe nhìn”cũng như “văn minh đô thị” gây ra cho xã hội Trung Quốc hiện đại đã bộc lộ không giấu giếm.

Thế nhưng ngay cả khi “Điện thoại di động” đã làm mưa làm gió ở các giải thưởng điện ảnh trong nước, thì hầu hết phim của Phùng vẫn gần như hoàn toàn im hơi lặng tiếng ở nước ngoài. Đến lúc này, có lẽ Phùng đã bắt đầu phẫn chí, vì thế trong “Thiên hạ vô tặc”, ngoài ê kíp quen thuộc, người ta thấy có sự tham gia củaThiên vương Hồng Kông Lưu Đức Hoa và Thiên hậu Đài Loan Lưu Nhược Anh, Phùng có vẻ không giấu giếm mục tiêu hướng đến hai thị trường này, bộ “phim thị trường sâu sắc” này có bi có hài, có những vấn đề vừa lý tưởng vừa thực tế của xã hội Trung Quốc hiện đại, có đấu võ đấu trí, có tình cảm lãng mạn, vừa tận dụng kỹ xảo, vừa phát huy diễn xuất của diễn viên (các cao thủ thượng thừa khác thì khỏi nói, ngay đến Lưu Đức Hoa trong phim này diễn xuất cũng không đến nỗi tồi, điều mà Trương Nghệ Mưu không làm được trong “Thập diện mai phục”). Phim “cả gan” công chiếu cùng đợt với “Công Phu” của “Châu đại gia”(Châu Tinh Trì), mà thành công của nó thì ai cũng đã rõ, chẳng cần chờ đến ai rỗi việc ngồi “mạn đàm” lôi thôi:p

“Dạ yến”(Tiệc đêm), phim sắp tới trong kế hoạch của Phùng ôm mộng tiến xa hơn thị thường khu vực, sẽ có sự góp mặt của hai trong bốn “Hoa đán” của điện ảnh Trung Quốc: Chương Tử Di, Châu Tấn, anh chàng điển trai Ngô Ngạn Tổ, cùng anh chàng được mệnh danh là hoàng tử của phim cổ trang_chàng Dương Qua mới Hoàng Hiểu Minh và tất nhiên không thể thiếu Cát Ưu. Equyp làm phim úp mở về việc mượn cốt truyện phương Tây- mà cụ thể là Hamlet- đặt vào bối cảnh cung đình Vãn Đường, và người ta đang chờ xem một bộ phim với sao lớn nhất của thị trường điện ảnh nói tiếng Hoa Chương Tử Di,với việc kết hợp văn hóa Đông-Tây theo lối thời thượng- phương pháp đã đưa manga của Nhật len vào thị trường giải trí thế giới và một kế hoạch quảng cáo rầm rộ ở thị trường Bắc Mỹ sẽ mang diện mạo ra sao.

Phùng là một gương mặt lạ gây khá nhiều phản ứng nhiều chiều, giới phê bình cũng như các đạo diễn đàn anh vẫn đôi khi bóng gió hay công khai phê phán Phùng chưa đủ đẳng cấp ngồi cùng “chiếu trên” với họ, nhưng người xem thì rõ ràng đã mặc nhiên xếp Phùng vào hàng “ông lớn”. Thái Minh Lượng , đạo diễn Đài Loan gốc Malaixia với bề dày thành tích về giải thưởng quốc tế cũng như về tình trạng phim chiếu rạp không ai xem trong một lần trả lời phỏng vấn về việc thanh niên Đài Loan chỉ xem phim Hollywood mà quay lưng với phim trong nước, đã nói: “Đài Loan không có một-kiểu-Phùng-Tiểu-Cương, đấy chẳng phải lỗi của tôi, các bạn không thể trách Thái Minh Lượng tại sao không là PhùngTiểu Cương”–một câu nói mang nhiều hàm ý sâu xa. Nhưng dù sao ở cái thời đại mà cả văn hóa vật chất lẫn tinh thần đều khiến người ta khó tránh cảm giác no xôi chán chè này, đôi lúc thay đổi khẩu vị cũng là cần thiết. Xót xa cho sự nhỏ bé, xấu xa, bất lực của con người với Thái Minh Lượng xong, cũng cần có PhùngTiểu Cương để thấy đời vẫn còn vui và đáng sống.

Bài viết hoàn thành hồi tháng 6 năm 2005, bây giờ đọc lại, không khỏi cảm thấy nhiều thông tin đã trở nên “quá đát”. Ít nhất thì đến thời điểm này, khi mà Lệnh tập kết (The Assembly) –phim mới nhất của Phùng đã trở thành một “hiện tượng” của điện ảnh Trung Quốc cả về doanh thu phòng vé lẫn ấn tượng mà nó gây được ở các liên hoan phim trong nước cũng như quốc tế, thì người ra đã gần như bỏ qua những dị nghị về thành công doanh thu của Dạ Yến và cũng chẳng còn ai gièm pha gì về tính chất bình dân của phim Phùng Tiểu Cương nữa.

Kiên định lối đi của mình, không ngừng tìm tòi và học hỏi, Phùng Tiểu Cương sẽ là một gương mặt được nhắc đến khi người ta viết về nền điện ảnh Hoa ngữ đương đại.

~ by phongsinh on March 4, 2008.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: