The bicycle thief (1948)
Author: Lê Ngọc Tú
Bộ phim lấy bối cảnh là một thành phố nhỏ Italia, thời gian phim là khoảng thời gian sau chiến tranh, kinh tế khủng hoảng, người dân phải xếp hàng dài chờ việc làm. Nhân vật chính của chúng ta, Antonio Ricci cũng không phải là ngoại lệ.
Ricci may mắn nhận được công việc dán áp phích quảng cáo, nhưng điều kiện để nhận được việc là anh phải có xe đạp. Để có việc, anh vợ quyết định bán hết những chiếc chăn cũ mới trong nhà, và họ cũng có đủ tiền để mua xe.
Chuyện phim xoay quanh việc Ricci bị mất chiếc xe đạp và quá trình đi tìm lại xe của hai cha con anh. Cả một ngày đi khắp các phố, gặp và hỏi nhiều người mà không tìm được xe, cuối cùng bi kịch xảy ra, Ricci vì quá thất vọng, phải nói là tuyệt vọng, đã quyết định lấy cắp một chiếc xe đạp khác và bị bắt.
Đây là một phim tiêu biểu cho trào lưu phim Tân hiện thực Ý, thời kỳ 1942 – 1951, vì vậy nó cũng mang những đặc trưng thường thấy ở dòng phim này.
Đề tài của “Kẻ cắp xe đạp” là đề tài hiện thực xã hội, miêu tả xã hội nước Ý sau chiến tranh, kinh tế suy sụp, đời sống khó khăn, bi kịch của các gia đình nghèo, mãi mới kiếm được việc làm, nên vợ Ricci quyết định bán hết chăn đệm để mua xe đạp theo yêu cầu của công việc. Cốt truyện đơn giản, chỉ xoay quanh một việc mất xe đạp và đi tìm xe đạp. Tuy nhiên qua đó cũng nêu lên được cuộc sống khó khăn bế tắc của người nghèo, nêu lên cả các tệ nạn nảy sinh trong xã hội: thất nghiệp, trộm cắp, bói toán. Kết thúc phim bế tắc không được giải quyết: Hai cha con Ricci buồn bã trở về nhà, tuy may mắn không bị người chủ chiếc xe đạp mà Ricci lấy trộm tố cáo với chính quyền, nhưng cuộc sống ngày mai không biết sẽ ra sao. Bi kịch được nêu lên trong phim không phải chỉ là bi kịch của gia đình Ricci mà là bi kịch của xã hội thời đó, một mình anh không thể giải quyết được
Các cảnh quay trong phim chủ yếu được thực hiện với ánh sáng tự nhiên ngoài hiện trường, trên đường phố, ở quảng trường… tạo ra cảm giác sinh động như thật; máy quay được để chuyển động tự nhiên, có nhiều cảnh ẩn dụ ý nghĩa, chẳng hạn như cảnh quay dãy kệ để các loại đồ người dân đem đến bán cao chót vót; cảnh cậu bé Bruno con trai Ricci mới khoảng 10 tuổi đã phải đi làm ở trạm xăng để kiếm tiền phụ gia đình hay hai đứa trẻ khác đi kéo đàn rong trên phố kiếm ăn.
Có một chi tiết tôi rất ấn tượng mà có lẽ đạo diễn đã sắp xếp, một sự tương phản sáng tối rất rõ nét. Đó là khi Ricci cùng viên cảnh sát lên khám nhà kẻ bị tình nghi mà không thấy có gì lạ, anh buồn bã trở về, gọi Bruno đi cùng. Tại cảnh này có hai mảng đường sáng tối rõ rệt. Ricci đi vào bên có nắng chiếu sáng, với ẩn ý ngầm ở đây là Ricci là một người thật thà chất phác, bị thế lực đen tối đẩy đến đường cùng.
Một cảnh nhấn mạnh diễn tả tâm trạng khác là đoạn Ricci nảy ra ý định lấy trộm chiếc xe dựa cạnh ô cửa một ngôi nhà gần đó, anh đi qua đi lại, định tiến tới gần chiếc xe rồi lại thôi, dường như tâm trạng anh đã bị giằng xé giữa việc lấy trộm chiếc xe và không hành động gì. Sau đó phải đưa tiền cho con đi mua vé tàu trước rồi mới hành động. Bi kịch lớn nhất của Ricci không phải là đã không tìm được xe, đã lấy trộm xe, đã để bị bắt lại… mà là lấy trộm xe để bị bắt trước mắt cậu con trai.Thông thường mà rơi vào tình huống đó, nhiều người sẽ nghĩ hình ảnh người cha đáng kính trong mắt cậu bé từ đó sụp đổ, nhưng không, cậu bé đã rất người lớn, cậu tỏ vẻ hiểu cha, cậu thậm chí còn là chỗ dựa tinh thần của người cha vào thời điểm đó.
Kết thúc bộ phim, vấn đề của nhà Ricci vẫn chưa được giải quyết, đơn giản là vì đó là vấn đề của xã hội, một vài cá nhân không thể thay đổi được.