Sẵn sàng điên với nghệ thuật?

Author: Tran Truc Ly

Bài viết lấy cảm hứng từ những suy nghĩ trước một câu nói của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong buổi trò chuyện với sinh viên K3 DADA: “Làm nghệ thuật thì phải điên…nhưng vẫn phải tỉnh táo” và một vài liên tưởng với hình tượng nhân vật Trình Điệp Y trong phim Bá Vương biệt Cơ (Farewell my Concubine).

Có quá nhiều điều để viết về “Bá Vương biệt Cơ” tác phẩm với một serie giải thưởng quốc tế của đạo diễn thế hệ vàng Trần Khải Ca. Câu chuyện về cuộc đời của hai nghệ sĩ Kinh kịch Đoạn Tiểu Lâu và Trình Điệp Y trải dài qua hơn nửa thế kỷ đầy biến động của xã hội Trung Quốc từ những năm đầu dân quốc đến sau đại cách mạng Văn hóa được kể lại bằng một cốt truyện chắt lọc và tiết chế mà vẫn kéo dài đến 171 phút thời lượng phim này đã thể hiện được vẻ đẹp và sức sống của nghệ thuật Kinh kịch truyền thống, tái hiện chân thực không khí và những biến chuyển chính trị xã hội Trung Quốc giai đoạn này. Từ góc độ lịch sử và văn hóa Trung Quốc, có thể đưa nó vào mục tư liệu bổ trợ cho bài giảng lịch sử cận hiện (Giai đoạn từ đầu dân quốc đến Cách mạng văn hóa) hay bài giảng văn học Nguyên-Minh-Thanh (phần hình thức biểu diễn và địa vị của Khúc và Hí kịch trong đời sống văn hóa Trung Quốc)…

Nhưng có một khía cạnh khiến Bá Vương biệt Cơ còn có thể được chia sẻ từ cả những cảm quan của các nền văn hóa khác, làm mờ đi tính khu biệt và tăng tính phổ quát của nó với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật, đó là quan niệm của phim về thái độ của những người làm nghệ thuật đối với bản thân nghệ thuật.

Bộ phim sử dụng mở đầu và cái kết vòng tròn với hình ảnh hai nhân vật chính trên cùng một sân khấu Kinh kịch gợi một liên tưởng về cuộc đời biểu diễn nghệ thuật của họ từ thủy đến chung. Từ góc độ xây dựng nhân vật, chúng ta có Đoạn Tiểu Lâu và Trình Điệp Y như hai ẩn dụ về hai thân phận và thái độ khác nhau của người nghệ sĩ với loại hình nghệ thuật mà họ theo đuổi.

Đoạn Tiểu Lâu đến với nghệ thuật một cách tự giác. Người xem gặp cậu bé hòn đá nhỏ-Tiểu Lâu hồi nhỏ- khi cậu đã là đại ca trong đội ngũ những đứa trẻ học kịch với đầy đủ ý thức về việc mình làm, sự gan lì trong cả việc tập luyện lẫn việc chịu đòn roi của sư phụ, những trò nghịch ngợm tinh ranh và cả sự khổ công trong quá trình rèn luyện khắc nghiệt, vị thế và khí phách nổi bật của cậu so với tất cả những cậu bé khác. Tiểu Lâu được xây dựng như một motip nghệ sĩ chỉn chu, có ý chí, được đào tạo căn bản, dụng công và ý thức được quan hệ của mình với nghệ thuật, cái cách xuất hiện của Tiểu Lâu ở phần đầu phim cho thấy sự hiển nhiên của việc anh sẽ trở thành một diễn viên kinh kịch chuyên nghiệp và thành công sau này.

Trình Điệp Y, trái lại, xuất hiện với những chi tiết mang đầy tính kịch, từ việc người mẹ nhẫn tâm chặt đứt ngón tay của con mình và bỏ con lại đoàn kịch trong cơn lạnh cắt da cắt thịt của ngày tuyết rơi phương bắc, sự quật cường của một đứa trẻ côi cút và yếu đuối trước những trêu chọc của đám trẻ học kịch, sự bỡ ngỡ và phản ứng tiêu cực trước những khổ luyện và đòn roi khắc nghiệt, cho đến chi tiết mang nhiều ẩn dụ được lặp đi lặp lại đến tận cuối phim về một đoạn hát trong khúc Tư Phàm của một ni cô đóng giả nam (trên thực tế Điệp Y được chọn để đào tạo thành một diễn viên chuyên đóng giả nữ)- sự mâu thuẫn về giới tính của nhân vật trong khúc hát với bản thân Điệp Y khiến cậu không thể nào hát đúng lời, cho đến khi người sư huynh thân thiết Tiểu Lâu khai thông cho cậu bằng một chi tiết cũng rất dữ dội, dùng tẩu thuốc ngoáy vào mồm Điệp Y đến chảy máu. Toàn bộ quá trình giới thiệu nhân vật cũng là toàn bộ quá trình Điệp Y tiếp cận và xây dựng thái độ của mình đối với Kinh kịch, từ hoàn toàn bị áp chế và ép buộc (bị mẹ chặt tay để được nhận vào đoàn và bỏ lại, bị bắt thể hiện những nhân vật ngược với giới tính tự nhiên của mình), sợ hãi, chán ghét và phản kháng trước phương thức đào tạo khắc nghiệt (không thể hát đúng nội dung câu hát, bị đánh, bỏ đi), nảy sinh niềm yêu thích (thấy một diễn viên nổi tiếng được hâm mộ, xem biểu diễn, xúc động và quay lại đoàn kịch), đến chủ động quyết định gắn bó với nó (tự yêu cầu sư phụ thi hành hình phạt để được tiếp tục học, có thể hát được rằng mình là con gái).

Tuy nhiên, tất cả những chi tiết mang ý nghĩa ẩn dụ và dự báo này sẽ không đạt đến hiệu quả cần có nếu thiếu chi tiết cuối cùng với vai trò làm điểm nhấn cho cả hệ thống dấu hiệu trên- đó là buổi lễ bái sư của Điệp Y. Trước linh bài của sư tổ, sư phụ kể lại tích truyện Bá Vương biệt Cơ, giảng giải về sự hi sinh, lòng chung thủy, về đạo lý làm người lồng ghép trong ý nghĩa của hoạt động biểu diễn Kinh kịch. Không khí trang nghiêm của khuôn hình (Điệp Y nghiêm trang quỳ trước ban thờ khói hương nghi ngút, giọng nói xúc động như của một người lên đồng và nét mặt say sưa của người sư phụ) gợi không khí long trọng của một buổi lễ rút phép thông công. Hình ảnh Điệp Y dùng hai bàn tay trong đó có một bên tay vẫn còn rớm máu vừa khóc vừa tự tát vào má mình, như là một biểu tượng cho sự giác ngộ của một tín đồ ngộ đạo. Người xem mơ hồ cảm nhận được rằng, với Điệp Y, từ đây Kinh kịch sẽ không còn chỉ là niềm yêu thích, là nghề nghiệp mà sẽ là một tình yêu mà vì nó anh ta sẽ hi sinh cả máu và nước mắt, là tín ngưỡng mà anh ta sẽ dùng cả cuộc đời mình để tôn thờ.

Trong suốt phần tiếp theo của phim, câu chuyện luôn được kể bằng hai tuyến truyện song song, cuộc sống đời thực của hai người diễn viên và cuộc sống của họ trên sân khấu. Nếu như với Đoạn Tiểu Lâu, hai bộ phận này được phân biệt rất rõ ràng (anh có thể vừa là một Sở Bá Vương Hạng Võ khí phách và oai nghiêm trên sân khấu, trở ra cánh gà, cởi bỏ áo mão phục trang, anh lập tức có thể đến lầu xanh tìm niềm vui thú). Thì ở Trình Điệp Y, anh không thể phân biệt rạch ròi giữa đời sống của nhân vật mình diễn trên sân khấu và đời thực của mình. Sự đắm chìm của Điệp Y được diễn tả theo một quá trình phát triển tịnh tiến ngược chiều với sự tỉnh táo của Tiểu Lâu, dưới xúc tác là những bức bách của đời sống thường ngày qua những biến động xã hội.

Thái độ của Điệp Y với Kinh kịch là thái độ thể hiện ngay cả trong những chi tiết nhỏ nhất như việc vẽ mặt cho người sư huynh, việc mặc phục trang hay đeo những trang sức biểu diễn, rất nhiều khuôn hình về quá trình chuẩn bị biểu diễn của hai nhân vật trong phòng hóa trang cho thấy sự nghiên cẩn của Điệp Y khi thực hiện tất cả những hành động đó.

Thái độ của Điệp Y còn thể hiện trong nhận thức của anh về quan hệ giữa người nghệ sĩ, nghệ thuật và khán giả. Là một nghệ sĩ biểu diễn-một phương tiện truyền tải nghệ thuật đến khán giả, anh đã đạt đến mức độ quên đi cái tôi của mình, hoàn toàn hóa thân thành công cụ truyền tải nghệ thuật. Vì thế, nếu như dưới áp lực của cuộc sống, Tiểu Lâu có thế bỏ Kinh kịch để sống một cuộc đời bình thường thì Điệp Y không thể sống khi không được biểu diễn. Khi quân Nhật chiếm thành phố, để cứu người sư huynh, Điệp Y không nề hà biểu diễn cho sĩ quan Nhật xem, khi bị xét xử ở tòa án của chính quyền Tưởng Giới Thạch, anh từ chối biện hộ cho mình, hơn thế, sẵn sàng chấp nhận sự tuyên phạt, chỉ vì “trong những người xem có người hiểu Kinh kịch” và, “nếu người đó còn sống thì nghệ thuật Kinh kịch đã được truyền sang Nhật Bản rồi”. Với Điệp Y, trước nghệ thuật, không tồn tại những rào cản chính trị, xã hội, giai cấp, chỉ cần có người có nhu cầu nghe kịch, anh sẽ tận tình thực hiện nghĩa vụ của một người nghệ sĩ biểu diễn.

Điệp Y sống với nhân vật đến mức quên đi thân phận và cuộc đời của bản thân mình. Tất cả những hoạt động tâm lý của bản thân anh không thể tách bạch khỏi hoạt động tâm lý của nhân vật mà anh phụ trách biểu diễn trên sân khấu. Có thể nói anh đã luôn sống với thân phận-từ khuynh hướng giới tính, trạng thái tình cảm đến diễn biến tâm lý-của nhân vật Ngu Cơ cả trong và ngoài sân khấu. Lại một lần nữa, cả một hệ thống chi tiết mang tính dấu hiệu được sử dụng để thể hiện sự lẫn lộn về tâm lý của Điệp Y:

1. Việc Điệp Y nảy sinh tình yêu với người sư huynh chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi cái tình yêu của hai nhân vật mà hai người diễn trên sân khấu, Điệp Y gần như không phân tách nổi hai tình cảm ấy, tình cảm của nhân vật và tình cảm của bản thân mình.

2. Điệp Y đã hi sinh một cái giá rất lớn để lấy bằng được được thanh kiếm báu chỉ vì một câu nói của người sư huynh “Nếu có được thanh kiếm này thì ngươi sẽ là chính cung của trẫm”, với Tiểu Lâu, đó chỉ là một câu nói vui, nhưng với Điệp Y, đó là lời thề của Hạng Võ-người anh hùng trong lòng mình với Ngu Cơ mà Điệp Y luôn tâm niệm chính là bản thân mình.

3. Khi Tiểu Lâu quyết định lấy Cúc Tiên-một cô gái lầu xanh, nhờ Điệp Y làm người làm chứng, anh nói “Trường đoạn Bá Vương đi tìm kĩ nữ tôi không biết diễn, sư phụ chưa dạy bao giờ”– Một câu nói ẩn dụ được diễn đạt đầy xúc động, thể hiện sự lẫn lộn trong hoạt động tâm lý của Điệp Y với Ngu Cơ.

4. Ngay cả ở cao trào của phim với tình huống đấu tố trong đại cách mạng văn hóa, trước sự cuồng tín đến nghiệt ngã của hồng vệ binh, khi mà nhân phẩm của mỗi người bị chà đạp một cách tàn nhẫn nhất, nếu như việc Tiểu Lâu đấu tố Điệp Y là một hành động tự vệ bản năng. Thì việc Điệp Y đấu tố Cúc Tiên vẫn xuất phát từ tình yêu với Kinh kịch và từ lòng hờn ghen của Ngu Cơ với người đã cướp đi Hạng Võ của mình. Câu nói của Điệp Y khi ấy Đến cả Bá Vương mà còn quỳ xuống xin tha tội thế kia thì Kinh kịch làm sao không bị diệt vong cho được” cho thấy nỗi chua xót và lòng căm thù của Điệp Y lúc đó không xuất phát từ việc người sư huynh phản bội lại mình, mà xuất phát từ nỗi đau đớn khi thấy thần tượng trong lòng mình sụp đổ và tín ngưỡng mà mình tôn thờ bị chà đạp.

Trong nỗ lực xây dựng một hệ thống dấu hiệu ẩn dụ, những khúc hát kinh kịch đã được sử dụng trong phim như một bộ phận hữu cơ của hệ thống âm thanh và tạo được hiệu quả đặc biệt. Một loạt các câu hát với nội dung mang tính ước lệ rất cao được sử dụng đắc địa đã tạo nên một hiệu ứng cảm xúc rất tốt với khán giả. Đặc biệt ở trường đoạn tiểu Tư tranh vai diễn của Điệp Y, Tiểu Lâu không chịu diễn nữa, song dưới áp lực của quần chúng, cuối cùng anh phải chấp nhận ra diễn cùng tiểu Tư, Điệp Y bước tới đội mũ cho người sư huynh rồi bước ra khỏi phòng hóa trang, nhưng anh bỗng đứng khựng lại khi nghe tiếng hát của người sư huynh trong vai Hạng Võ đáp lại lời Ngu Cơ vọng vào từ sân khấu, chỉ một trung cảnh đôi vai run run của Điệp Y từ phía sau và tiếng ngoài hình của những lời hát trên sân khấu đã cho thấy được toàn bộ diễn biến tâm lý hai chiều của Ngu Cơ-Điệp Y trước sự phản bội của Hạng Võ (hát với một Ngu Cơ khác) và sự thỏa hiệp của người bạn diễn với những thế lực bên ngoài.

Với việc đặt câu chuyện cuộc đời hoạt động nghệ thuật của hai nhân vật chính vào một bối cảnh xã hội khắc nghiệt hơn bao giờ hết, phân tích sự nhập vai đến mức hơi cuồng tín của Điệp Y song song với sự tỉnh táo và “bình thường” của Tiểu Lâu, bộ phim đưa ra một ngụ ngôn về thái độ của người nghệ sĩ với nghệ thuật mà mình theo đuổi. Rất nhiều lần trong phim, Tiểu Lâu đã cảnh tỉnh Điệp Y về ranh giới giữa sân khấu và đời thực, song với Điệp Y, ranh giới đó hoàn toàn không tồn tại, anh có thể sống với Kinh kịch trên sân khấu và ngoài sân khấu, hay nói một cách khác, anh gần như đã hoàn toàn từ bỏ cuộc sống và thân phận thực của mình để sống trọn vẹn với nhân vật sân khấu. (Kể từ sau buổi lễ bái sư, chỉ có một lần duy nhất Điệp Y thể hiện hành động tâm lý và tình cảm của bản thân, đó là khi mê man trong cơn nghiền thuốc phiện, vật vã gọi mẹ trong vòng tay Cúc Tiên).

Sự lựa chọn cuối cùng của Điệp Y- dùng thanh kiếm báu để kết thúc cuộc đời mình như hành động của chính nhân vật mà mình đóng trên sân khấu trong lần biễu diễn sau cùng với Tiểu Lâu-có vẻ như là một hành động bất ngờ, song lại rất logic với diễn biến tâm lý của anh trong suốt tiến trình phát triển của chuyện phim. Đó là lựa chọn duy nhất để Điệp Y được sống trọn vẹn với tình yêu và tín ngưỡng mà mình tôn thờ. Liệu có bao nhiêu phần trăm những người làm nghệ thuật đủ “điên toàn phần” để chạm tới cái cảnh giới “từ chối tỉnh táo” và “quên mình” như vậy.

~ by phongsinh on January 9, 2008.

One Response to “Sẵn sàng điên với nghệ thuật?”

  1. Mình chưa xem phim này nhưng có theo dõi thông tin. Bài viết rất hay, nhất định sẽ tìm xem để cảm nhận hết cái hay của Phim. thanks!

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: