Rashomon – phim gây ấn tượng mạnh
Phim Rashomon của đạo diễn tên tuổi người Nhật Kurosawa Akira sản xuất năm 1950. Khi mới ra đời, nó không được nhiều sự ủng hộ của khán giả Nhật, chỉ sau khi tình cờ được phát hiện và đưa ra thế giới, “Rashomon” mới được ghi nhận là một kiệt tác xuất sắc, chính bộ phim đã làm thay đổi nhãn quan của thế giới đối với đất nước Nhật Bản, nơi mà từ đó cũng sản sinh ra những tài năng lớn, làm nên một bộ phim được đưa vào danh mục những bộ phim hay nhất mọi thời đại.
Phim kể về sự gặp gỡ của ba người đàn ông trú mưa dưới cổng thành Rashomon, họ kể cho nhau nghe chuyện xảy ra trong rừng trúc. Các câu chuyện diễn biến khác nhau do người tiều phu và thầy tu đều được nghe các nhân vật trong câu chuyện kể lại trước quan toà. Câu chuyện xoay quanh việc tên cướp Tajomaru gặp một đôi vợ chồng đi trong rừng, hắn nảy ý định chiếm đoạt người vợ nên đã lừa người chồng đi vào trong rừng trói lại, sau đó đưa người vợ đến và cưỡng hiếp trước mặt người chồng, cuối cùng hắn giết chết người chồng và sau đó bị bắt.
Các câu chuyện sau đó được diễn ra lần lượt theo lời kể của Tajomaru, người vợ, hồn ma người chồng qua người lên đồng và cuối cùng là người tiều phu chứng kiến toàn bộ câu chuyện. Khán giả được dẫn dắt từ tình huống này sang tình huống khác và luôn có cảm giác mơ hồ, không rõ câu chuyện do ai kể mới là sự thật, bởi vì ngay cả khi người tiều phu kể lại lần cuối cùng, nhưng chính ông cũng đã giấu giếm sự thật là ông đã lấy con dao có cán bằng ngọc, lẽ ra là một tang vật trong vụ án; và chính vì giấu chuyện này nên ông đã chỉ khai trước quan toà là ông chỉ là người tìm ra xác chết chứ không phải là người chứng kiến toàn bộ sự việc.
Đạo diễn Kurosawa đã dùng các kỹ thuật máy quay xuất sắc và gây được ấn tượng cho khán giả. Đầu tiên là trong cảnh người tiều phu đi vào rừng chặt củi, phát hiện xác chết và bỏ chạy; sau đó là cảnh Tajomaru đưa người chồng vào sâu trong rừng để mua kiếm. Cả hai cảnh quay này đều dùng máy quay đi theo sát nhân vật, cây lá đập vào máy quay, máy quay rung theo nhịp bước hoặc chạy của nhân vật. Cách quay này tạo cho người xem cảm giác hồi hộp, không biết phía trước nơi nhân vật đi tới sẽ có chuyện gì xảy ra.
Mặt khác, Kurosawa sử dụng nhiều góc máy rộng, quay toàn cảnh và di chuyển nhanh, các cảnh Tajomaru và người chồng giao đấu, thể hiện sự quyết liệt, gay cấn; tiết tấu nhanh, tạo nên cảm giác căng thẳng của một vụ án giết người.
Ở cảnh kể chuyện của các nhân vật trước toà, các nhân chứng nhìn thẳng vào máy quay, không có thoại của phía quan toà, như thể các nhân chứng nói chuyện trực tiếp với khán giả, cách quay này rất đặc biệt, ít thấy ngay cả cho đến sau này. Cách quay này khiến cho khán giả có cảm giác như đang trực tiếp tham gia vào câu chuyện.
Ngoài các kỹ thuật máy quay, trong Rashomon, Kurosawa đã xây dựng một cách kể chuyện khác hẳn với điện ảnh thời bấy giờ. Đó là cách kể hồi tưởng qua lời kể của các nhân vật, thậm chí là hồi tưởng chồng bên trong một hồi tưởng khác. Các nhân vật kể cùng một câu chuyện nhưng lại kể khác nhau, theo quan điểm và mục đích của mình, do đó làm cho khán giả lẫn lộn không biết chuyện nào là thật. Vì vậy khi xem khán giả phải theo dõi rất kỹ từng chi tiết để phán đoán diễn biến câu chuyện cũng như các tình tiết thật giả. Dù vậy, Kurosawa cũng vẫn không cho một kết quả xác đáng để thoả mãn khán giả, sự thực thật sự của câu chuyện vẫn được giấu kín, để tuỳ theo suy đoán của người xem. Đạo diễn chỉ kết thúc phim một cách rất tình người bằng hình ảnh người tiều phu nhận đứa trẻ về nuôi, mặc dù ông đã có tới sáu đứa con, mà thực sự là ông đã phải vất vả nuôi chúng, vì ông rất nghèo, đến nỗi phải lấy con dao trong vụ án để bán lấy tiền. Kết thúc dường như không hề có liên quan đến nội dung về vụ giết người kéo suốt cả câu chuyện. Khán giả dường như quên bẵng câu chuyện vì hành động của người tiều phu, ở đoạn này người thầy tu nói: “Cảm ơn anh, tôi nghĩ tôi vẫn có thể tin tưởng vào con người.”
Rashomon đã để lại cho người xem một ấn tượng sâu sắc. Từ các kỹ thuật quay, các cảnh quay đẹp, cách dàn dựng… đến cách kể chuyện, tình tiết câu chuyện, cách kết thúc phim, tất cả đều khiến cho người xem phải chú tâm theo dõi và suy nghĩ. Kết thúc của phim cũng là lúc trời tạnh mưa, đạo diễn có lẽ muốn nói với khán giả một thông điệp: Dù cho tất cả mọi thứ đều là lừa dối như vậy, nhưng vẫn cứ cần tin vào con người, và mọi thứ lại sẽ bắt đầu tốt đẹp và thánh thiện như đứa trẻ sơ sinh.