Forrest Gump – Hành trình 1 con người



Author: Phan Dịu Hiền

“Forrest Gump” bắt đầu với một cậu bé có mẹ, có tuổi thơ, như bao nhiêu đứa trẻ khác. Nhưng Forrest Gump là Forrest Gump, cậu nhóc đi được nhờ một bộ khung nhôm nẹp vào chân, với một trí não không hoàn thiện. Cậu mãi là một cậu bé ngờ nghệch, một người đàn ông ngô ngô nghê nghê. Thế nhưng bao biến cố, thăng trầm trong cuộc đời của cậu lại chính là món quà lớn mà thượng đế dành ban tặng cho một con người.

Bộ phim được thể hiện với một tone màu sáng trong, thánh thiện như tâm hồn nhân vật chính. Âm nhạc tuyệt vời luôn cất lên đúng lúc, nhẹ nhàng đằm thắm quện với phần diễn xuất giản dị mà xuất thần của dàn diễn viên đã tạo nên sự thành công cho tác phẩm.

Mở đầu và kết thúc phim là một hình ảnh ẩn dụ: chiếc lông chim chao liệng nhẹ nhàng trong gió, một kiếp người đôi khi cũng chỉ giản đơn có vậy!

Bộ phim mang lại nhiều cung bậc tình cảm đan xen. Người xem vừa rưng rưng cảm động ngay lập tức lại bị lôi cuốn, bật cười thích thú theo mỗi bước đường của F.G., rồi lại bùi ngùi thương cảm… những xúc cảm đối nghịch cứ giằng co nhau gây xáo trộn lòng người, làm nên những rung động lắng đọng.

Một điểm khác tạo ra sức hấp dẫn của bộ phim là sự đan cài các sự kiện, biến cố, các nhân vật có thật suốt chiều dài lịch sử của nước Mỹ nửa sau thế kỷ XX, song hành với cuộc đời F.G., như Elvis Presley, tổng thống John F. Kennedy, tổng thống Richard Nixon, John Lennon…hay nhân vật trung úy Dan Taylor là bóng dáng của một nỗi buồn chiến tranh, bong dáng của nước Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam… Điều này làm cho Foresst Gump vừa có số phận, là một hình tượng riêng, vừa phản ánh hình ảnh của dân tộc, của đất nước ở thời đại ấy.

Tất cả các yếu tố trên có được nhờ vào tài năng của dàn diễn viên, và trí tuệ, bản lĩnh đặc biệt của đạo diễn Robert Zemeckis, tạo nên sự thành công của bộ phim, dành 6 giải Oscar – Best Pictures, Best Visual Effects, Best Director (Robert Zemeckis), và Best Actor (Tom Hanks), 32 giải thưởng khác cùng 38 đề cử.

Forrest Gump (do nam diễn viên Tom Hanks đảm nhận) trưởng thành được là nhờ “bệ phóng”-người mẹ tuyệt vời (nữ diễn viên Sally Field). Đây là hình mẫu người mẹ, sự giáo dục, nâng đỡ của gia đình đối với một đứa trẻ. Tuy là người kém may mắn vì không hoàn thiện về mặt thể chất và trí tuệ nhưng bù lại F.G. luôn được mẹ củng cố niềm tin, bà luôn nhắc nhở con “You are not difirent than anybody else is. Did you hear what I said, Forrest? You are the same as everyone else. You are not diffirent.”, “Don’t ever let anybody tell you they are better than you, Forrest.”, “You have to do the best with what God gave you”… tạo thành một niềm tin mạnh mẽ tiềm tàng bên trong con người F.G. Người đàn bà này vừa dịu dàng nhưng cũng luôn biết xù lông như con gà mái mẹ che chở bảo vệ con. Không ai không khỏi cảm động trước hành động hiến thân của bà để con trai mình được học ở một trường bình thường như bao đứa trẻ khác, để cậu có cơ hội “get the same opportinuties as everyone else.” F.G. thực sự may mắn có được một người mẹ thương con và sáng suốt như bà.

Khác với F.G., Jenny có một thể chất và trí tuệ bình thường nhưng lại thiếu thốn tình thương yêu, không có mẹ bên cạnh, bị người cha có những biểu hiện xâm phạm tình dục. Đáng lẽ phải yêu đời yêu cuộc sống hơn một người thiểu năng thì cô bé phải chịu nhiều ẩn ức để luôn muốn thoát khỏi cuộc đời hiện tại, từ khi tuổi ấu thơ, với mong ước biến thành một chú chim và bay cao, bỏ mặc lại sau lưng tất thảy. Đối nghịch với F.G., Jenny là hình tượng con người thiếu hụt niềm tin vào cuộc sống, cả cuộc đời cô là một sự kiếm tìm niềm tin đó.

Forrest Gump là một người đặc biệt. Không thể nói đó là một người “không (kém) bình thường” bởi anh ta đã làm được những việc mà không phải người bình thường nào cũng có thể đạt được một trong số những thành tựu đó. Con người vốn bình đẳng trước thượng đế, trí óc kém minh mẫn nhưng bù lại trong anh là một nguồn năng lượng sống dồi dào. Forrest Gump luôn sống hết mình với khả năng bằng khát vọng sống tiềm ẩn. Việc sống hết mình, không e dè, đắn đo, liệu có phải là một “may mắn” chính từ sự thiểu năng trí tuệ của anh không? Có lẽ như thế, nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng nếu anh không được bù trừ bằng một nguồn năng lượng sống, một bản năng sinh tồn mạnh mẽ, được ẩn dụ qua hình ảnh đẹp và đặc biệt nhất của Forrest là chạy, thì Forrest không có được những thành quả kia trong cuộc đời anh.

Sự biến chuyển trưởng thành trong con người F.G. được thể hiện rất hay qua những chi tiết về giới tính.

Thời thanh niên, trong khi bạn bè trang lứa đã phát triển đầy đủ về trí tuệ và giới tính thì F.G. vẫn dậm chân tại chỗ ở tuổi ấu thơ. Bắt gặp cô bạn gái hôn đắm đuối một người đàn ông trong ô tô F.G. đã ra tay nghĩa hiệp “giải cứu” vì cứ ngỡ cô bị tấn công. Điều này cho thấy cậu chưa hề có chút khái niệm gì về giới tính. Mà “phi giới tính”, đó là thời kỳ thơ trẻ.

Lúc này, về tâm lý, F.G. vẫn chỉ yêu quý Jenny như chính cô bạn ngày nhỏ của mình, một thứ tình gắn liền với lòng biết ơn, cậu chưa biết yêu cô như một thiếu nữ mới lớn. Chi tiết cậu “khám phá” cơ thể cô với một sự ngạc nhiên gần như hoảng sợ thật đáng yêu và cũng làm xuất hiện trong lòng người xem sự thương cảm! Đối với Forrest, Jenny là một động lực sống, là người duy nhất ngoài mẹ cậu ra, từ thưở thiếu thời, quan tâm tới cậu. Điều này được chuyển tải qua hình ảnh Jenny hét lên “Run, Forrest, run!” để giục cậu bé Forrest bỏ chạy trước những đứa trẻ ngỗ nghịch, cũng như lời hứa mà cô yêu cầu Forrest phải ghi nhớ trước khi lên đường đi đến chiến trường Việt Nam: Hãy bỏ chạy nếu có chuyện gì xảy ra. “Run, Forrest, run!” – chính lời nói đó của Jenny đã phá bỏ khung nhôm đeo vào đôi chân cậu bé tội nghiệp và giải phóng một năng lượng sống vô bờ trong con người Forrest.

Tuy vậy, điều đó chưa đủ làm cho F.G. trưởng thành, nó chỉ giúp Forrest có những điểm tựa và niềm tin yêu để bắt đầu hành trình của mình. Trưởng thành, đó là một khái niệm dựa vào kinh nghiệm phần lớn. Nó đến khi F.G. thực sự lột xác trở thành một người đàn ông sau cái đêm anh nhận thức được đầy đủ về Jenny, không chỉ là một Jenny tình thương mến thương của tuổi ấu thơ, mà một Jenny bằng xương bằng thịt, không chỉ tâm hồn mà cả trọn vẹn cơ thể cô.

Trước đấy, mỗi khi Jenny rời xa, ở F.G. có lẽ chỉ là cảm giác man mác trống vắng, ở anh chưa thấy biểu hiện quặn lên cồn cào nỗi nhớ thương và khát khao tái ngộ, nghĩa là ý thức được đoàn tụ, được gắn bó mãi mãi không rời. Từ chỗ chỉ biết trao tình cảm, nay đã được “nhận”, và khát khao mãi được “nhận” và “trao”, cân bằng. Lúc này, bên trong con người F.G. đã có sự bừng tỉnh của cảm xúc, nó vượt xa những gì đã từng rung động về Jenny.

Sau đêm ân ái, Jenny bỏ đi. Bỏ đi có lẽ vì nghĩ rằng sau cùng mình đã làm trọn bổn phận tình yêu với F.G., đã dâng hiến cả tâm hồn và cơ thể, và cô không còn muốn ở lại để cảm thấy dằn vặt vì quá khứ của mình trước một tâm hồn trong sáng như tâm hồn của Forrest. Nhưng Jenny đã không ngờ rằng, một lần nữa, cô lại kích động nguồn năng lượng sống trong con người Forrest, khiến anh bừng tỉnh, khiến cảm giác thiếu hụt xuất hiện và lan tỏa không ngừng, F.G. không thể tiếp tục sống dật dờ cô độc như những tháng ngày trước đó. Lần thứ hai chạm đến tâm hồn Forrest bằng nhục thể của mình, Jenny đã giúp anh bước một bước dài trong hành trình làm người.

F.G. đứng lên, cất bước, và chạy, chạy với đôi giày mới mà Jenny tặng anh, đôi giày nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bằng vô thức của mình, anh tìm kiếm Jenny, bằng vô thức anh mải miết chạy, chạy, và chạy, với một nguồn năng lượng lớn lao cần giải tỏa, để kiếm tìm mục đích sống chân thực của đời mình.

F.G. vốn là hình tượng một con người thánh thiện. Đơn giản vì anh có một trí não giản dị như một tờ giấy trắng, một con số 0 dung hòa đứng giữa âm và dương nên dễ dàng dung nạp mọi điều thế giới mang đến cho anh. Thời gian chạy bộ như một quãng đời thiền định của F.G. Trong tiềm thức anh đã vỡ ra được nhiều điều mà có lẽ từ trước tới giờ chưa bao giờ anh hạnh ngộ, đó là cảm nhận về trời, về đất, về thiên nhiên, vũ trụ, cái hình ảnh về sau anh kể lại với Jenny, khi không gian đổ bóng xuống mặt nước thì dường như có hai bầu trời chồng lớp lên nhau, mỗi buổi hoàng hôn ối đỏ thì ranh giới giữa trời và đất trở nên khó phân định… Đó là sự hiển nhiên mà như thấp thoáng một điều gì bí ẩn. Và anh thú nhận, suốt ba năm chạy bộ ngược xuôi nước Mỹ, khám phá vẻ đẹp nước Mỹ, khám phá vẻ đẹp của chính anh, anh chỉ có một suy nghĩ duy nhất: Jenny. Tình yêu với Jenny là cuộc đời của anh.

Từ chỗ hành động theo phản xạ bản năng theo sự đưa đẩy của số phận, F.G. giờ lại đi đúng theo con đường mà mẹ mình, một người mẹ bình thường mà vĩ đại đã đi: yêu thương con mình, nuôi dạy con mình, bảo bọc chở che cho con mình, cho kết quả của tình yêu giữa anh và Jenny. Có lẽ F.G. chỉ thực sự trở thành “một con người hoàn thiện” khi anh có con, một mầm sống mới mang vóc dáng anh, tình cảm anh, con người anh, nhưng hoàn thiện hơn: là một đứa trẻ bình thường, thông minh lanh lợi.

Hóa ra sống ở đời này lại đơn giản lắm, là tồn tại, vận động không ngừng. Và tồn lưu, tái sinh, nghĩa là được bất tử.

~ by phongsinh on January 7, 2008.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: