“Thỏ thẻ” với người sử dụng máy quay lần đầu
Khi chưa thạo máy móc người sử dụng thường có thái độ e dè với máy quay. Thao tác thế nào cho đúng, không gây lỗi làm hỏng máy? Làm thế nào để dễ dàng “chế ngự” nó trong khi áp lực thành thạo và làm chủ kỹ thuật đang “thao túng” sự tập trung gây căng thẳng cho bạn?
Lời khuyên này dành cho những người muốn tác nghiệp theo phong cách của điện ảnh trực tiếp, quay tay tất cả mọi khuôn hình, hạn chế sử dụng chân máy.
Thở nhẹ và đều không phải luôn dễ dàng, nhất là trong trường hợp bạn đang ở quá trình làm quen và làm thân với máy móc, đa phần người cầm máy đều có tâm trạng hơi hồi hộp và phấp phỏng khi thực hiện các cú quay. Tim đập nhanh và nhịp thở mạnh dễ tác động làm ảnh hưởng tới sự vững vàng giữ máy, chuyển động máy. Nín thở có ích lợi khá tốt, đặc biệt đối với các cú máy lia. Và gồng tay trong khi quay giúp cho sự chuyển động máy của bạn “mượt mà”, không bị rung lắc hay giật cục.
Luyện kỹ năng.
Bạn muốn thực hiện một cảnh lia từ phải qua trái, từ A tới B? Đừng vội bấm máy. Trước tiên hãy xác định chính xác điểm khởi đầu và điểm kết thúc của cảnh quay. Sau đó tập lia cảnh đó chính xác từ điểm đầu-A, tới điểm cuối-B, từ ba đến năm lần. Một hai lần đầu cú máy của bạn có thể còn run rẩy, tốc độ lia chưa ổn định. Nhưng chắc chắn với những lần sau cú lia của bạn sẽ uyển chuyển ngoạn mục vô cùng.
Hạn chế zoom máy nếu nó thực sự không cần thiết. Bởi zoom là một kiểu effect đặc biệt dựa dẫm vào máy quay, mà máy móc có lẽ sẽ không tinh tế và nhạy cảm bằng chính những chuyển động máy được tạo ra tự thân từ người quay phim.
Kết hợp với tư duy dựng phim.
Khi quay bạn nên nắm rõ mình đang làm gì, phục vụ cho mục đích gì. Tiếp tục với ví dụ về cảnh lia từ phải qua trái, từ A tới B. Vì sao bạn thực hiện sự chuyển động này? Vì bạn múôn diễn tả sự mở rộng không gian trong khuôn hình, bạn muốn diễn tả sự khác biệt ở hai điểm và giữa hai điểm. Với kỹ năng đã luyện ở trên bạn dễ dàng có thể thực hiện được ý đồ của mình. Nhưng hãy khoan, trước khi bấm máy, lưu ý thêm về độ dài của cảnh.
Người quay phim khôn ngoan là người có khả năng cung cấp cho người dựng nhiều phương án biên tập hình ảnh nhất, tạo cho người dựng sự lý thú khi xử lý cảnh, mở rộng sức sáng tạo của họ. Này nhé, với cú lia từ A sang B sẽ tạo nên một cảnh gọi tên là X. Thế nhưng, nếu trước khi lia máy bạn giữ cho ống kính của mình dừng ở A từ 5 đến 10, thậm chí 20 giây rồi mới thực hiện cú lia, sau đó tới điểm B, bạn không cắt máy ngay khi trong khuôn hình là điểm B mà tiếp tục giữ máy trong 15, 20 giây, ấy là bạn đã mang lại cho người dựng ba cảnh, bao gồm cảnh X (lia từ A sang B) và thêm hai cảnh nữa: cảnh Y (miêu tả độc lập điểm A) và cảnh Z (miêu tả độc lập điểm B). Bạn nhận ra sự ma mãnh và khôn khéo của mình rồi chứ?
Thỉnh thoảng rời mắt khỏi máy quay khi chưa tắt máy.
Điều này không phải là lơ là chuyên môn mà chính bạn đang tập trung cao độ vào công việc. Lời khuyên này dành cho người làm phim tài liệu. Bởi cuộc sống vốn sinh động và phong phú hơn chúng ta tưởng nhiều lần, vì vậy đừng bao giờ cảm thấy hoàn toàn thoả mãn với những gì đang tồn tại trong ống kính của mình.
Tiếp tục giữ máy nếu nội dung cảnh vẫn thú vị và thu hút bạn, nhưng thử đảo mắt ra xung quanh, đặc biệt liếc nhìn anh bạn thu âm thanh đang tác nghiệp cùng bạn, có thể anh ta đang ra sức kêu gọi sự xao lãng của bạn đối với cú máy để chỉ cho bạn một điều gì đó đặc biệt hấp dẫn đang xảy ra ngay cạnh hai người nhưng nằm ngoài ống kính. Còn chần chờ gì nữa mà không làm một cú lia để kể hai câu chuyện trong cùng một lần bấm máy nhỉ?
Đừng để tâm lý “hiếu chiến” chiếm đoạt bạn.
Áp lực “phải làm tốt” đôi khi cản trở chính bạn trong việc làm tốt hơn. Hãy nhớ câu hát này: “Ngày đầu chưa quen đường cày đâu thẳng ngay”. Lần đầu bạn quay TỆ. Lần thứ hai quay DỞ. Lần thứ ba bạn vẫn thất vọng (về mình). Lần thứ tư, nếu bạn còn kiên nhẫn và biết cách phối hợp những lời khuyên chân thành trên, xin cam đoan bạn đã là “ông chủ” đối với chiếc máy!