Nàng Yu của Chen Kaige
Author: Phan Dịu Hiền
“Lúc 16 tuổi tôi là ni cô, xuống tóc lúc cuộc đời đẹp nhất. Tôi bẩm sinh là gái, không phải trai, sao tôi phải mặc những bộ áo này? Tôi nhìn những cặp nam nữ mặc gấm thêu lóng lánh, vui vẻ sánh đôi. Khát vọng cháy trong tôi, dù tôi cố kiềm chế. Hết năm này qua năm khác, tôi đi theo đức vua khắp thiên hạ qua biết bao chiến dịch, chịu bao gió sương cùng gian lao vất vả. Tôi chỉ hận những hôn quan vô đạo đã đẩy dân đen vào vực thẳm lầm than”.
Những lời ca này, với giai điệu ám ảnh, là khúc nhạc chủ đạo của phim “Bá vương biệt cơ”. Không chỉ là trích đoạn từ một vở kinh kịch, nó còn là nỗi lòng của một nhân vật, một “con người” trong phim. Nếu như trong trích đoạn người mỹ nữ của Bá Vương mạnh mẽ và tràn đầy sức sống, biết vươn lên tìm tới hạnh phúc cho mình, tự do cho mình, thì nhân vật chính của phim, Zouzi, về sau là Dieyi, lại có một số phận đi theo chiều ngược lại.
Cuộc đời của nhân vật chính này được kể lại theo đúng diễn trình thời gian: thời cuối của triều đình phong kiến suy tàn, thời kỳ hỗn mang đầy biến động trước cách mạng Tân Hợi và giai đoạn về sau khi cuộc cách mạng thành công.
Quá trình biến chuyển bản chất (giới tính) bên trong của Zouzi đã được khắc hoạ một cách bạo liệt trong phần đầu của phim.
Thằng bé Zouzi đang được mẹ cưng bồng trên tay, bỗng chốc bị chính mẹ mình chặt phăng ngón tay thừa thứ sáu. Khi người ta lăn cái vết thương còn rỉ máu của nó lên tờ giao ước với đoàn hát là lúc cuộc đời nó đổi khác, chấm dứt quãng ngày sống lén lút trong lầu xanh, bắt đầu kiếp xướng ca của mình.
Cái hình ảnh đầy ám ảnh: một phần cơ thể đứa trẻ bị bức tách rời khỏi thực thể của mình, ẩn chứa một điềm báo nghiệt ngã: cuộc đời thằng bé Zouzi trở về sau sẽ không còn là của chính nó, như nó được sinh ra vốn vậy. Đây là ngầm ý người xem “đọc” được qua hình ảnh biểu đạt.
Sau những trận đòn roi, sau cú móc họng đẫm máu của bạn diễn-bạn thân chí cốt của mình, Zouzi đã hoàn toàn tâm niệm “…bẩm sinh tôi là gái, không phải trai”. Đây là chặng đường thứ hai thằng bé Zouzi phải trải qua để đến được vinh quang, nhưng là dần ngủ vùi trong vai diễn.
“Người ái nương, cách này hay cách khác, đều phải chết”. Sự cưỡng bức của lão thái giám Zhang đối với cậu bé là dấu chấm câu đầy ai oán chấm dứt vĩnh viễn cái thân phận nam nhi của cậu. Một con người mới tái sinh trong một cơ thể cũ.
Sau “cú đẩy” của lão thái giám, Zouzi như ở vào trạng thái rơi tự do, biến chuyển hoàn toàn sang tâm thế nữ. Khi những đứa trẻ đồng trang lứa vui đùa với hài nhi mà Zouzi vừa bế về từ vệ đường thì Zouzi nhỏ những giọt lệ, cho số phận bơ vơ của một sinh thể như cậu ngày nào, hay là nỗi niềm thương cảm của một con người mang “tính nữ”?
Những chặng đường khổ hạnh mà Zouzi phải đối mặt ở tuổi niên thiếu chính là những bước đường nhân vật biến chuyển, từ thân thể, tâm nguyện, tinh thần, cuối cùng là tâm thức bản năng.
Vì đó, Zouzi đã nhập thân và ở lại trong vai diễn nàng Yu của mình?
Vì vậy, cũng nguyện gắn trọn đời mình với “Bá vương” – Duan?
Với một cốt truyện tự sự, nguyên nhân và kết quả luôn là yếu tố quan trọng bậc nhất. Trong “Bá vương biệt cơ”, tình yêu của Dieyi dành cho Duan, niềm đam mê của Dieyi với kinh kịch, đó là nguyên nhân, kết quả là một đoạn kết đầy tính “bi tráng”.
Phim mở và khép đều bằng hình ảnh hai dáng người cùng nhau đi vào một không gian vắng lặng, một nhân vật nam và một nhân vật nữ của trích đoạn kinh kịch nổi tiếng “Bá vương biệt cơ”, đồng thời là Dieyi và Duan, hai nhân vật chính của bộ phim.
Duan và Dieyi, hai bạn diễn gắn kết với nhau từ thời thơ ấu, bởi cái nghề hát ca, là tấm gương để phản chiếu hai số phận giữa cuộc đời thực và gắn bó với nghiệp ở những cung bậc khác nhau.
Thuở nhập môn Shitou (sau này là Duan) sớm đã lém lỉnh, chăm chỉ học nghề nhưng cũng rành những món ngoại lai với kinh kịch, như trò biểu diễn đập gạch vào đầu để mua vui kiếm tiền. Cái thái độ nóng giận với Zouzi (Dieyi) khi Zouzi hát sai vai diễn của mình không xuất phát từ tâm yêu nghệ thuật mà do cáu giận sợ Zouzi làm lỡ một cơ hội biểu diễn kiếm tiền của đoàn hát. Ba lần bảy lượt Duan nể vợ sợ vợ toan bỏ nghề. Cuối cùng, nỗi sợ hãi cùng cực trong cuộc cách mạng văn hoá đã khiến Duan với đích thân giọng nói của mình, ngữ điệu của mình, đáng lẽ chỉ dành cho kinh kịch, đứng lên đấu tố Dieyi.
Duan là hình ảnh của một con người “đi xuống”, trong sự gan trường bản lĩnh với đời, trong hình ảnh một “Bá vương” oai hùng với tích tuồng cũng chính là cái nghiệp mà người nghệ sĩ đã luỵ vào thân.
Trong phim, tình cảm của Dieyi và Duan bị gián đoạn bởi sự xen vào của một người đàn bà, Xialou, cô gái lầu xanh.
Xialou là một người phụ nữ khôn ngoan và mẫn cảm, chính vì vậy cô dễ dàng chiếm được Duan, trong khi Dieyi chỉ có một tình yêu thầm kín mà mãnh liệt với chàng “Bá vương” của mình. Thứ tình cảm “thuận chiều” luôn dễ dàng hơn mối tình éo le của của người nửa nam nửa nữ.
Bộ phim được kể theo điểm nhìn khách quan đan xen với chủ quan, trong đó, điểm nhìn khách quan giữ vai trò chủ đạo chiếm ưu thế. Tuy nhiên, có một đoạn phim được thể hiện thông qua điểm nhìn chủ quan của nhân vật Dieyi, thực sự ấn tượng và lắng đọng trong lòng khán giả, đó là cảnh Dieyi tìm tới nhà Duan trong một đêm mưa gió, vào giai đoạn đầu của cách mạng văn hoá.
Hai tông màu chủ đạo ở cảnh này là đỏ rực và xanh lạnh. Sự rực đỏ ở phía bên trong căn nhà của vợ chồng Duan với ảnh lửa đang thiêu rụi “tàn tích của văn hoá” cũng chính là sự rực lửa của tình yêu đôi lứa-ham muốn đàn ông đàn bà. Phía bên ngoài là ánh chớp, là mưa, là một khuôn mặt hốc hác đơn độc đang hướng mắt tập trung vào sự bập bùng ánh lửa-ham muốn ấy.
Những câu thoại xuất thần, cùng một lúc biểu đạt tâm trạng của hai con người. Xialuo: “Em sợ! Em đã mơ em ở trên nóc một toà nhà cao tầng một mình, xung quanh là mây. Em đã muốn nhảy xuống…Anh không có ở đó…Anh sẽ không bỏ em chứ?”. Cái ngữ điệu nhát gừng da diết trên đôi môi nóng bỏng của Xialou đang kề sát bên khuôn mặt của chồng mình, Duan, làm cho người xem càng cảm thấy thương cảm, thấy bẽ bàng cho số phận của Dieyi. Những lời ấy, hoàn cảnh bi thương nhưng chỉ là trong mộng ấy của Xialou lại chính là cuộc sống thực đầy hãi hùng mà Dieyi đang phải đối mặt.
Ánh chớp lại loé lên. Hai tấm thân quện chặt lấy nhau. Một cái dáng nhỏ nhoi trong đêm mưa lạnh lẽo và lạnh lòng. Một đoạn phim ấn tượng và ám ảnh về thân phận của một con người không được hưởng hạnh phúc lứa đôi.
Vượt lên trên ý nghĩa về tình yêu đồng tính, phim là lời ca ai oán của người nghệ sĩ không tìm được cho mình một người tri âm tri kỷ. Tích xưa về Bá Nha Tử Kỳ cho thấy nỗi khát vọng có một người bạn lòng của một con người, của một người nghệ sĩ.
Với Dieyi, Duan là người bạn diễn ăn ý, là người anh em kết nghĩa từ thuở thiếu thời, là con người được gửi gắm một trái tim khát khao yêu thương. Nhưng Duan không hiểu Dieyi, không thể cảm tài Dieyi như cái cách Yuan mến mộ biệt tài của Dieyi.
Sư phụ Yuan là một nhân vật được xây dựng công phu và có cá tính, một con người nham hiểm, sống lèo lá theo thời cuộc nhưng đặc biệt rất am hiểu kinh kịch, đam mê bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Điều này được lột tả bằng nhiều chi tiết, nhưng có lẽ đặc biệt nhất nằm lại ở hai cận cảnh lột tả Yuan: một khuôn hình tối, một luồng ánh sáng được đánh duy nhất vào chính giữa khuôn mặt Yuan, thể hiện sự say mê nhập cuộc hoàn toàn vào vở diễn. Yuan từng thốt lên: “Có những lúc anh bạn Yuan đây đang bị cuốn hút vào câu chuyện đến nỗi anh ta tin là ái thiếp Yu đã sống lại giữa đời”.
Yuan đối với Dieyi, vừa là thứ tình cảm mến tài, phục tài, vừa là thứ tình yêu lứa đôi đồng giới, hai điều này đan xen quện lẫn khó tách rời.
Nhưng Dieyi vẫn cô độc. Vì ở Yuan không có được cái tâm tĩnh và sáng như Dieyi. Yuan vụ lợi và nham hiểm.
Dieyi bơ vơ trong tình yêu, đơn độc trong tình tri kỷ.
Nếu như cốt truyện của “Bá vương biệt cơ” là một cốt truyện kể về số phận của hai người bạn diễn kinh kịch trong cơn biến loạn của lịch sử thì ẩn giấu bên trong đó còn là câu chuyện về số phận người nghệ sĩ quá đam mê và hiến trọn cuộc đời mình cho nghệ thuật.
Zouzi (Dieyi) là mẫu hình của con người thiếu hụt. Một đứa trẻ thiếu hụt tuổi thơ, thiếu hụt tình thương yêu của mẹ. Khi lớn lên nhân vật này thiếu hụt bản tính nam giới vốn lẽ phải thuộc về mình. Và vì vậy, thiếu hụt tình yêu, thiếu hụt sự thông cảm.
Nhưng, có lẽ chính sự thiếu hụt ấy, cái “tính âm” quá mạnh trong cuộc sống đời thường lại là mảnh đất trống màu mỡ để Zouzi dung nạp nuôi dưỡng và cống hiến trọn vẹn trái tim mình cho duyên nghiệp với nghề.
Sự thâm thuý và sâu sắc của bộ phim có phải ngầm ẩn ở cái chi tiết Dieyi say sưa hát cho đám quân Nhật nghe. Lúc đầu là do bị cưỡng ép, về sau là tình nguyện bởi Dieyi nhận ra được sự đồng cảm với những con người khác chủng đang xâm lược nước mình này. Với nghệ thuật, không hề có giới hạn về quốc gia, dân tộc, chỉ có những trái tim đang hoà nhịp trái tim. Hình ảnh tên đại tướng của Nhật phải rút găng tay nghiêng mình cảm phục tài Dieyi thật quá cách biệt với cái thái độ bài văn hoá của chính dân tộc Trung Quốc thời cách mạng văn hoá. Nghệ thuật vượt lên trên nhận thức lý trí.
Đầu phim là lời dạy của người thầy: “Từ ngàn xưa con người đã cần nghề, đã chọn nghề rồi. Chúng ta phải sống chết với nghề.” Có phải điều này ám chỉ một chuỗi cái chết gắn với nghiệp ca về sau.
Cái chết thứ nhất là cái chết thảm của một thằng bé trong đoàn, say mê kinh kịch. Nhưng nó là người không bền chí, hay nghiệp hát ca không chọn nó?
Cái chết thứ hai là của người thầy. Sau bao nhiêu năm khổ công rèn luyện và tâm huyết truyền nghiệp cho học trò, ông tắt thở khi vừa ca xong một đoạn ca trước đám trò nhỏ. Cái chết này hàm ẩn ý nghĩa sống chết thuỷ chung với nghề.
“Nàng Yu”-Dieyi tự vẫn bởi “các người đã phản bội ta”. Đây là câu thoại hay nhất trong phim, nó lột tả được trọn vẹn tình yêu, niềm say mê, và cả mụ mị của người nghệ sĩ với nghiệp của mình.
Duan đã từng nói trước khi bị thúc ép tố cáo Dieyi: “Những gì anh ấy quan tâm là kinh kịch. Dù khán giả là ai, thuộc bất cứ tầng lớp nào anh ấy cũng diễn bằng tất cả…”
Dieyi diễn bằng tất cả điều gì? Bằng tất cả trái tim ư? Hay bằng cả cuộc đời bởi Dieyi chỉ có một cuộc đời là cuộc đời nàng Yu?
“Các người đã phản bội ta”. Hình tượng “Bá vương” đã hoàn toàn sụp đổ, đê hèn cúi đầu trước uy lực bên ngoài. Duan đã phản bội kinh kịch, mọi người đã phản bội kinh kịch!
“Các người đã phản bội ta”, Dieyi thốt ra câu ấy như một sự hiện thân của kinh kịch.
“Bá vương biệt cơ” là một bộ phim ám ảnh. Ám ảnh bởi âm thanh với thứ âm nhạc vốn đã rất truyền cảm và da diết của kinh kịch. Ám ảnh bởi hình ảnh với những gam màu tương phản, bố cục mạnh và nặng. Ám ảnh bởi dàn diễn viên điêu luyện và tinh tế. Ám ảnh bởi cốt truyện về số phận một con người “bị thất sủng” giữa cuộc sống, “bị thất sủng” trong tình yêu. Ám ảnh bởi câu chuyện về bi kịch người nghệ sĩ chôn vùi đời mình trong vai diễn. “Bá vương biệt cơ” xứng đáng là một trong những phim hay nhất của mọi thời đại!