Cu cú và se sẻ



Author: Trịnh Minh Phương

Theo phong trào “trở về quê hương” làm phim của các đạo diễn Việt Kiều, Stephane Gauger (bố người Mỹ, mẹ người Việt Nam) đã ra mắt bộ phim nhựa đầu tay của anh với tên gọi “Cú và chim se sẻ”. Thật không dễ dàng đối với bất cứ nhà làm phim Việt Kiều nào khi làm phim tại Việt Nam bởi lẽ do sống nhiều năm ở nước ngoài nên họ không quen với phong cách sống và ngôn ngữ nơi đây. Mặc dù phim của họ có thể đạt được nhiều giải thưởng tại các LHP quốc tế nhưng phần lớn không được người dân quê nhà đón nhận nhiệt tình bởi lẽ kịch bản của họ bị cho là “tây” quá. Ngoài ra các đạo diễn này cũng gặp không ít khó khăn khi xin dấu xác nhận của cơ quan chính quyền địa phương cho phép họ quay phim tại Việt Nam. Mọi chuyện có vẻ diễn ra khá suôn sẻ với đạo diễn Gauger khi anh đã hoàn thành câu chuyện của mình theo đúng kế hoạch.

“Cú và chim sẻ” là một câu chuỵên về thành phố Sài gòn hiện đại với hơn 8 triệu dân. Lạc lõng trong thành phố sôi động ấy, có ba con người cô đơn: Thuỷ, Lan và Hải. Thuỷ (Phạm Thị Hân – vai diễn đầu tiên của cô bé) là một bé gái mồ côi 10 tuổi phải làm việc trong xưởng mành tre của ông chú. Một hôm cô bé quyết định bỏ vùng quê hẻo lánh để vào thành phố. Giống như hàng trăm trẻ em đường phố khác giữa Sài Gòn, cô bé chọn nghề bán dạo để mưu sinh. Trong một lần đi bán hoa hồng trên phố, cô bé gặp Lan (Cát Ly) – một tiếp viên hàng không xinh đẹp đang cô đơn. Hai người nhanh chóng trở thành bạn bè. Một dịp khác, Thuỷ vào vườn thú chơi và kết bạn với Hải – anh chàng làm việc ở sở thú đang bị thất tình. Thuỷ chợt nảy ra một ý tưởng đó là kết hợp hai con người cô đơn lại với nhau. Ba người bọn họ có vẻ như là những mảnh ghép đã tìm đến với nhau và xếp lại thành một bức tranh gia đình hoàn hảo. Nhưng rồi Thuỷ bị đưa vào trại mồ côi và ông chú đến để đưa cô bé về. Gia đình hạnh phúc ấy tưởng chừng bị xé toang, nhưng cuối cùng một kết thúc có hậu vẫn đến.

Cho đến nay, “Cú và chim sẻ” đã nhận được một vài giải thưởng tại các LHP như LHP Á-Mỹ tại San Francisco, LHP Los Angeles, LHP quốc tế Rotterdam. Vào đầu năm 2008, bộ phim sẽ được hãng Chánh Phương phát hành rộng rãi tại Việt Nam. Liệu bộ phim của Gauger có nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả hay cũng chung số phận như các phim Việt Kiều khác? Câu trả lời nằm ở phía trước.

Trong chuyến đi ngắn ngủ đến Hà Nội để thực hiện một phim tài liệu về âm nhạc ở Việt Nam, đạo diễn Gauger đã có buổi giới thiệu phim và trò chuyện cùng phóng viên Tinvan:

PV : Trước tiên, anh có thể cho biết ý tưởng về phim “Cú và chim sẻ” xuất phát từ đâu?

S.Gauger: Tôi đã làm việc trong ngành công nghiệp điện ảnh vài năm với tư cách là người chỉnh ánh sang, quay phim và cả diễn viên. Bộ phim gần đây tôi tham gia là Dòng máu anh hùng. Trước đó tôi cũng có một vài dự án làm phim ngắn và vừa dưới dạng digital. Tôi nghĩ rằng mình có thể quay một bộ phim kinh phí thấp ở Việt Nam, sử dụng máy quay kĩ thuật số, kiểu như phong cách “làn sóng mới” ở Pháp.

PV: Anh đã tham gia những nhiệm vụ nào trong dự án phim Dòng máu anh hùng?

S.Gauger: Đầu tiên thì tôi làm ánh sáng, rồi sau đó là phụ trách máy quay số hai và đóng vài một ông tây người Pháp. Tôi làm việc trong bốn tháng với dự án này. Anh Charlie (đạo diễn phim Dòng máu anh hùng) đã chọn tôi cho vai DeRue vì anh ấy biết tôi nói được tiếng Pháp và anh ấy cũng không rõ liệu mình có chọn được một người Pháp ở Sài Gòn để đóng phim hay không. Và tôi được nhận vai này, đồng thời bên sản xuất cũng tiết kiệm được ít tiền.

PV: Quay lại với bộ phim “Cú và chim sẻ”, bộ phim này miêu tả không khí ồn ào và nào nhiệt ở Sài Gòn. Anh có gặp khó khăn gì khi đi quay ngoại cảnh?

S.Gauger: Với những cảnh quay đêm, chúng tôi phải chọn những nơi có đèn đường đủ sáng. Thường thì máy quay kĩ thuật số cũng có hỗ trợ ánh sáng. Một vài người chủ quán rất dễ tính, chúng tôi chỉ phải trả cho họ một ít tiền thế là họ để cho chúng tôi quay thoải mái.

PV: Đây là một bộ phim độc lập, thế nên kinh phí rất giới hạn? Anh đã phân bổ chi phí ra sao?

S.Gauger: Phần lớn kinh phí làm phim là tiền túi của tôi. Cám ơn trời là phim đã dành được vài giải thưởng quốc tế và như vậy vụ làm ăn này của tôi không thất bại. Quay phim ở Việt Nam khá là rẻ vì mức sống ở đây tương đối thấp. Tốn kém nhất là khi về Mỹ làm hậu kì. Dù sao thì mới mức kinh phí rất thấp mà làm được bộ phim như thế này, tôi rất hài lòng.

PV: Tại sao anh không chọn những diễn viên tên tuổi tại Việt Nam? Thường thì khán giả luôn bị thu hút bởi các ngôi sao.

S.Gauger: Tôi chọn diễn viên dựa trên tài năng của họ, thấy họ phù hợp với vai diễn. Cát Ly đã được biết đến tại Mỹ với bộ phim Journey from the Fall. Tôi được xem Thế Lữ trong phim Mùa Len Trâu và thấy gương mặt chất phác của anh ấy phù hợp với vai Hải nên tôi chọn anh ấy. Về cô bé Hân, trong số hơn một chục cô bé đến casting chỉ có Hân là khá nhất với gương mặt nửa ngây thơ, nửa lém lỉnh. Cô bé có nét của một bé gái từ nông thôn lên thành phố. Chính những diễn viên ít tên tuổi này khiến cho việc quay phim ngoài phố dễ dàng hơn, tránh được sự tò mò hiếu kỳ của người dân. Họ đơn giản nghĩ rằng tôi là một người nước ngoài đến Việt Nam du lịch và quay phim.

PV: Trong thời gian tới, anh có dự án làm phim nào khác tại Việt Nam không?

S.Gauger: Có chứ. Sau thành công của phim “Cú và chim sẻ”, tôi có một dự án làm phim kinh phí lớn hơn với sự xuất hiện của một sao Hollywood. Dĩ nhiên, mời được ngôi sao thì không phải là dễ nhưng nếu họ bị thuyết phục bởi kịch bản tốt, họ sẽ chấp nhận tham gia dự án với tiền cát xê thấp. Bộ phim sắp tới vẫn sẽ lấy bối cảnh Sài Gòn. Lần này kinh phí làm phim sẽ cao hơn vì tôi được hậu thuẫn bởi các công ty lớn ở New York hoặc Los Angeles.

PV: Cám ơn anh về cuộc phỏng vấn này. Chúc anh thành công với dự án sắp tới.

S.Gauger: Cảm ơn.

~ by phongsinh on December 27, 2007.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: