Mother – phong cách Montage Xô Viết
Author: Lê Ngọc Tú
Phim “Mother” được đạo diễn Pudovkin làm năm 1926, tái hiện lại những hình ảnh của cuộc cách mạng 1905. Bộ phim được xếp một vị trí quan trọng trong Biên niên sử của trường phái Montage Xô Viết, do đó, một cách tất yếu, “Mother” (“Người mẹ”) mang phong cách Montage Xô viết điển hình.
Đây là phong cách nêu bật vai trò của tập thể, mà nhân vật chính là phong trào cách mạng, là cuộc biểu tình của nhân dân và cuộc nổi dậy của các tù nhân. Tuy nhiên, bộ phim cũng có phần khác với các phim cùng thể loại như “Chiến hạm Potemkin” hay “October”, ở “Người mẹ” có trò nhân vật chính là một cá nhân, và câu chuyện hướng vào diễn biến cuộc sống cũng như tâm lý của nhân vật người mẹ ấy.
Bộ phim kể về một gia đình gồm có cha, mẹ và cậu con trai Pavel. Người cha thường xuyên về nhà trong trạng thái say xỉn và còn lấy đồ đạc đi bán để uống rượu. Người mẹ thì thường là cam chịu, chỉ phản ứng khi ông chồng định lấy cái đồng hồ quả lắc, là vật đáng giá cuối cùng trong nhà định đem đi. Người con trai thì phản ứng dữ dội khi ông bố đánh mẹ.
Từ cuộc sống của một gia đình, một xã hội thu nhỏ như vậy, bộ phim đã mở rộng ra cả xã hội rộng lớn, mọi người đang sống trong lầm than, bị bóc lột và nát rượu. Từ đó mới nảy ra vấn đề cần phải chống lại những sự xấu xa đó. Phim xây dựng hình ảnh người mẹ là một người dân bình thường, do sợ hãi mà để lộ chỗ giấu vũ khí của con trai, và vì vậy cậu con Pavel phải đi tù. Từ đó, bà dần hiểu ra ý nghĩa của cuộc đấu tranh con mình đang tham gia, dẫn đến việc cuối cùng bà cũng tham gia trong hàng ngũ những người cách mạng.
Pavel từ lúc ở nhà cũng đã hoạt động cách mạng, do đó đã nhận giấu súng bí mật dưới sàn nhà. Sau đó anh bị bắt, bị giam trong tù, và cuối cùng trong cuộc nổi dậy của công nhân khắp nơi, các tù nhân cũng đã vùng lên và Pavel trốn thoát về nhà. Tuy nhiên cuối cùng các cuộc nổi dậy này đã bị đàn áp đẫm máu.
Pudovkin cũng sử dụng những thủ pháp nghệ thuật quen thuộc đối với trường phái Montage Xô viết như: đặt máy quay thấp để thể hiện đường chân trời rộng (ngay đầu phim và thêm một cảnh nữa ở sau đoạn cô gái đem gói đồ đến nhà đưa cho Pavel), dựng các cảnh phim nối tiếp có xu hướng đối lập nhau (cảnh 2 dòng người chạy ở 2 tầng trong tù theo hai hướng gần như vuông góc với nhau; cảnh sát xếp súng chéo nhau trong 2 cảnh liên tiếp). Cảnh dựng song song giữa cuộc biểu tình của những người dân ở bên ngoài đồng thời với cuộc nổi dậy ở trong tù. Ngoài ra Pudovkin còn dựng một cảnh nhân dân biểu tình mà người mẹ đi ở hàng đầu, cảnh này được dựng độc lập với cảnh một dòng sông băng trôi, thể hiện không khí khẩn trương, hối hả của đoàn biểu tình.
Cuộc biểu tình cuối cùng lại bị cảnh sát đàn áp dã man và nhiều người đã ngã xuống. Cuộc cách mạng 1905 thất bại nhưng cũng ghi được dấu ấn lịch sử nhất định của nó. Và bộ phim cũng vậy, cũng đóng một vai trò quan trọng trong dòng điện ảnh Nga – Xô Viết lúc bấy giờ.