
Author: Đình Khôi
Ngay cả khi chúng ta tin rằng: Lão Hạc thực sự khốn khổ khi mang khuôn mặt của Kim Lân (diễn viên) hoặc giả cụ Nam Cao đồng tình rằng “đêm tình bụi chuối” là một cú quay trung cảnh…thì cái lằn ranh giữa văn học và điện ảnh vẫn còn là rất lớn. Một bên là tư duy hình tượng thông qua ngôn ngữ; bên kia sử dụng chuỗi hình ảnh để kể một câu chuyện (dẫu có một vài hình ảnh mang sức nặng của biểu tượng) nhưng đã ít nhiều kìm hãm trí tưởng tượng của khán giả. Ngay cả đối với một bộ phim được chuyển thể từ một tác phẩm văn học thì về cơ bản, chúng không hoàn toàn đồng nhất mà vẫn là hai tác phẩm nghệ thuật độc lập. Chúng đòi hỏi những tâm lý và phương thức tiếp nhận khác nhau. Người ta có thể xem phim Juts like Heaven (ĐD Mark Waters, BK: Peter Tolan và Leslie Dixon)trước khi đọc cuốn tiểu thuyết “Và nếu như chuyện này là có thật” (Marc Levy), thậm chí chẳng cần quan tâm đến sự tồn tại cuốn tiểu thuyết ấy.
Nhưng người ta đã chuyển thể cuốn tiểu thuyết của Marc Levy thành phim như thế nào?
Trong phòng trọ, chàng trai (Anthur)bắt gặp linh hồn lang thang của một cô gái (Lauren) mà thân thể đang đắm chìm trong cơn hôn mê ở bệnh viện. Sau những hồ nghi, phân vân, họ đã yêu nhau mà không cần quan tâm đến cái hoàn cảnh bi hài của nhau. Họ hướng đến một tình yêu thuần khiết, sự hoà hợp toàn vẹn của tâm hồn. Chàng trai đã tìm mọi cách để cứu cô khỏi “đời sống thực vật”, thậm chí đã đánh cắp thân thể cô để ngăn cản việc chấm dứt cuộc sống mong manh. Chính trong hành trình ấy, chàng trai đã trở về với những ký ức tuổi thơ trong trẻo, với điều chưa bao giờ nói của người mẹ dịu hiền…Chính cái đêm chàng trai định buông xuôi mọi thứ thì cô gái tỉnh lại, không ghi nhớ một chút gì về anh, tất cả chỉ lướt qua như một giấc mơ, nhanh chóng tan đi không dấu vết…. “ Và nếu như chuyện này là có thật” (2000) là nhanh chóng trở thành bestseller và được dịch ra hơn 30 thứ tiếng. Thậm chí chất thơ của nó đã từng “gây sốc” cho nhiều người vốn trầm cảm, suy nhược sau những cuộc tình chớp nhoáng của một đời sống chìm đắm trong cảm quan hậu hiện đại.
Hơn 300 trang tiểu thuyết trở thành 93 phút phim. Đó thực sự là một thách thức đối với đạo diễn, biên kịch, dẫu trong tay họ có đủ những công cụ hỗ trợ để “chỉ dẫn trí tưởng tượng của khán giả”. Về đại thể, cốt truyện được giữ nguyên (thậm chí không hề có sự xáo trộn trình tự sự kiện) nhưng biên kịch đã loạt bỏ một số nhân vật và chi tiết (mà theo tôi bao gồm cả những chi tiết quan trọng lẫn không quan trọng). Điều đó tất yếu dẫn đến sự tước bỏ tuyến truyện. Nếu ở tiểu thuyết, câu chuyện đi theo một lịch trình gồm hai tuyến khá rõ ràng: Mối tình giữa chàng trai và cô gái (Anthur và Lauren); mối quan hệ giữa con trai và mẹ, thì trong phim câu chuyện chỉ xoay quanh mối tình của hai người (David – do Mark Ruffalo thủ vai và Elizabeth – do Lesse Witherspoon thủ vai). Mà “Và nếu như chuyện này là có thật” chắc chắn không đơn thuần là một chuyện tình. Thông điệp về tình yêu cuộc sống không dừng lại ở đó. Hình ảnh người mẹ hầu như vắng bóng, chỉ ẩn hiện trong những dấu vết còn sót lại của căn nhà hoang vắng, của vườn hồng kỳ lạ sau bao năm tháng vẫn đơm hoa. Trong khi đó, nếu đọc kỹ cuốn tiểu thuyết thì tình cảm của người mẹ là phần mà nhà văn Marc Levy chú tâm diễn tả. Đó chính là phần hiện thực của giấc mơ mà anh sợ mình không đủ kiên nhẫn để đi hết.
Cũng ở đây, đạo diễn đã loại bỏ nhân vật người mẹ của Lauren – người mà trong suốt 6 tháng trời ngồi bên cô con gái, khóc cạn nước mắt. Rất bất ngờ thay vào đó là một người chị gái. Theo tôi, đó là một nhân vật mờ nhạt, hầu như không để lại dấu ấn gì ngoại trừ cảnh cầm dao đuổi David ra khỏi nhà. Bộ phim cũng thêm vào nhân vật kỳ lạ là chàng trai bán sách có khả năng “cảm nhận sự tồn tại của những con ma”. Sự xuất hiện của nhân vật này khiến cho bộ phim thêm phần hư ảo, dẫu cho cần phải khẳng định đây không phải là phim ma (nghĩa là không gây hoảng sợ, kinh hãi cho người xem). Nó chỉ là những hình ảnh “hình như đã từng tồn tại” đâu đó trong ký ức của chúng ta. Biên kịch đã lấy thêm một vài tình tiết từ cuốn tiểu thuyết Gặp Lại (2005 – phần cơi nới không thành công của chính Marc Levy). Bên cạnh đó, phim sử dụng nhiều cảnh hài hước hơn là ngôn ngữ hài hước (như trong tiểu thuyết). Tuồng như các nhân vật gây cười vì rơi vào hoàn cảnh trớ trêu (nói chuyện một mình như một kẻ có vấn đề về đầu óc), chứ không phải là sự lạc quan trong cái cách đối thoại của hai người yêu nhau (chính xác là hai linh hồn yêu nhau).
Nhưng với những điểm mạnh trong khả năng tác động vào giác quan của con người, đây vẫn là một bộ phim thành công với những cảnh quay đẹp và có nhiều dụng ý. Đó là cảnh tờ rơi quảng cáo cho thuê căn hộ của cô gái cứ bám chặt vào vai áo và gót giầy của chàng trai như định mệnh; cảnh cây cầu Golden Gate mờ trong sương như chốn thiên đường; cảnh vườn hồng và khu vườn trên sân thượng cứ lơ lửng trên không cho những yêu thương không hạn định…Hay ít ra, cũng thành công ở chỗ đã lựa chọn một câu chuyện hay để dựng phim và làm “bẽ mặt” những khán giả trước khi xem phim cứ chắc mẩn rằng mình đã biết tất cả ( nhà sản xuất đã chi 58 triệu USD để sản xuất bộ phim này). Và đó là lý do khiến chúng ta trông đợi vào bộ phim mới do chính Marc Levy biên kịch, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông: Bạn tôi, tình tôi (Những người bạn những tình yêu của tôi), đã được bấm máy từ đầu năm 2007.
Văn học và điện ảnh vẫn có những ranh giới không thể xâm lấn (và may mắn là không thể xoá nhoà). Những cuốn tiểu thuyết kinh điển đã được dựng thành phim: Cuốn theo chiều gió, Tiếng Chim hót trong bụi mận gai…và ngày hôm nay vẫn có những bộ phim được quay sau khi một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn nào đó được ra đời (Người tình, Cao lương đỏ…) Kịch bản phim có thể được gợi hứng từ một tác phẩm văn học, có thể không. Nhưng rõ ràng đã có những bộ phim mà tên tuổi của nó gắn với một tác phẩm văn học, trong sự đối sánh thành công hay thất bại. Đặc biệt với sự kiện Hiệp hội các nhà biên kịch Mỹ dọa “bãi công” vì giá kịch bản quá bèo bọt, thì các đạo diễn Hollywood càng nên chú ý đến các tác phẩm văn học, nơi mà ít ra cũng cung cấp cho họ được một ý tưởng không đến nỗi tệ cho lắm.
Like this:
Like Loading...
Related
~ by phongsinh on November 18, 2007.
Posted in Critical Writing
Tags: Just like Heaven