Nước trong phim Mùa Len Trâu
Author: Mai Anh Tuấn
A.ĐẶT VẤN ĐỀ
1.Trong khoảng mười năm (1995-2005) điện ảnh Việt Nam có những chuyển biến, đổi mới rất đáng kể. Trước hết, như một hình thức nghệ thuật độc lập, tồn tại vì bản nó chứ không phải như một công cụ hay phương tiện cho một cá nhân hay tập thể với mục đích tuyên truyền, điện ảnh Việt Nam đã phần nào thoát ra khỏi vòng kim cô kiểm duyệt, hủy bỏ sức sáng tạo nghệ thuật. Bằng khoảng tự do nhất định ấy, mỗi đạo diễn đều tìm được một con đường riêng. Có thể kể ra vài phim, mà các giải thưởng của nó tại một số LHP đã minh chứng cho khuôn mặt mới, mạnh mẽ tươi sáng hơn của điện ảnh Việt Nam: Đời cát (2000- Nguyễn Thanh Vân); Mê Thảo- thời vang bóng (2002- Việt Linh); Chung cư (1999- Việt Linh); Chuyện của Pao (2005- Nguyễn Quang Hải)….Nhưng điều đáng kể hơn cả, khoảng mười năm gối giữa hai thế kỉ này, điện ảnh nước nhà đã có sự tham gia của một số đạo diễn Việt kiều. Sự xuất hiện của họ, một mặt góp phần giải thoát cho điện ảnh khỏi nỗi ám ảnh về kinh phí và kĩ thuật- vốn đã ngự trị lâu dài do các hãng phim đều sống chung với bầu sữa kinh phí nhà nước, mặt khác mở rộng biên giới phim Việt hơn. Trước đây, điện ảnh Việt Nam chủ yếu (và gần như tất yếu) chỉ biết đến qua các LHP tại những nước thuộc phe XHCN, hoặc thêm Nhật Bản. Song với các phim của đạo diễn Việt kiều thì điện ảnh Việt Nam còn được biết đến, gây ngạc nhiên hơn, ở một số LHP trên đất Mỹ, Pháp, Canada, Ý…Các giải thưởng mà họ đạt được, dĩ nhiên, đáng kể hơn tiếng tăm hơn và thực sự, thông qua họ, điện ảnh Việt Nam có nhiều cơ hội song hành cùng điện ảnh nghệ thuật quốc tế bằng một bản lĩnh, phong cách riêng. Có thể kể ra: Hồ Quang Minh với phim Thời xa vắng (2004), Tony Bùi với phim Ba mùa, Trần Anh Hùng (phim Mùi đu đủ xanh 1994- đề cử Oscar cho phim nước ngoài hay nhất; phim Xích lô 1995- Giải Sư tử vàng tại LHP Venise, phim Mùa hè chiều thẳng đứng 2000), Nguyễn Võ Nghiêm Minh với phim Mùa len trâu (2004). Nếu Trần Anh Hùng với ba phim kể trên được đánh giá như một trong số ít các đạo diễn có ngôn ngữ mang màu sắc đương đại nhất hiện nay của điện ảnh thế giới, có thể so sánh với Vương Gia Vệ (Hồng Kông- phim In the Mood for Love) hay Hầu Hiếu Hiền (Đài Loan- phim The Flower of Shangshai; Millennium Mambo) thì Nguyễn Võ Nghiêm Minh với Mùa len trâu đã làm cho màu sắc đương đại ấy trong toàn cảnh điện ảnh Việt Nam thêm phần rõ nét và phong phú. Mười năm sau Mùi đu đủ xanh và Xích lô, Mùa len trâu là bộ phim làm cho chúng ta không tự ti hay hổ thẹn khi nhìn về điện ảnh Việt Nam. Nghiên cứu Mùa len trâu chính là bước đầu, nhận ra và khẳng định nổi bật của nó trong lịch sử điện ảnh Việt Nam đương đại và với công việc đó, đồng thời khẳng định Nguyễn Võ Nghiêm Minh là đạo diễn mở đầu cho phong cách lập ngôn mới của điện ảnh Việt Nam.
2. Khi được công chiếu trên đất Pháp, Mùa len trâu được các nhật báo và tạp chí chuyên ngành điện ảnh Pháp như L’Express, Liberation, Télérama … đánh giá cao. Tờ Télé rama viết: “Đạo diễn đã làm chủ và xử lí đề tài một cách đáng ngạc nhiên, vì thế mà bộ phim này in sâu trong trí nhớ và cảm xúc của người xem [Trích dẫn theo Bảo Khánh]. Bản thân đề tài của phim, qua cái nhìn hơi duy lí của những nền điện ảnh chuyên nghiệp, có lẽ chỉ là quá trình trưởng thành của một chàng thanh niên, một người đàn ông sau những mùa len trâu giữa môi trường thiên nhiên hoang dã… Khi được trình chiếu ở Việt Nam, có nhiều nhận định khác nhau về những ẩn dụ trong bộ phim này: Có người coi đó như một hoài niệm nhiều chua xót về những con người khai hoang ở vùng nước nổi. Có người coi đó như một câu chuyện muôn thủơ về cuộc đấu tranh sinh tồn giữa thiên nhiên và con người. Có nhận định cho đó là bi kịch của những người đàn ông không làm chủ được mình… Còn chính đạo diễn lại nói: “Trong lúc viết kịch bản tôi bắt đầu cảm nhận được trong phim Mùa len trâu rằng nước không chỉ là một phần của hậu cảnh mà còn là một nhân vật luôn có mặt trong phim. Trong nhiều nền văn hóa khác nhau, kể cả văn hóa Việt Nam, thường thì nước là một biểu tượng của trong sạch, của sự sống… Trong phim Mùa len trâu, nước lại được gắn liền với sự chết và rũ mục…” [Nguyễn Võ Nghiêm Minh] . Ý kiến này của đạo diễn được Giovana Fulvi, giám khảo tuyển lựa phim ở đại hội điện ảnh Toronto- đại hội lớn nhất tại Bắc Mĩ, ủng hộ: “Dùng nước làm biểu tượng mạnh mẽ và một phương diện tạo hình táo bạo, Mùa len trâu có nhịp điệu cuồn loạn của tuổi trẻ.” [Bảo Khánh]. Như vậy có thể nói, trong Mùa len trâu, hình ảnh biểu tượng mạnh nhất là nước. Chính nước đã cấp cho bộ phim một kiểu đề tài mới, một cách xây dựng nhân vật mới. Tìm hiểu “nước trong phim Mùa len trâu” không nằm ngoài lí do dẫn dụ và phân tích cho những kết luận trên. Hơn nữa, ở địa hạt phê bình một tác phẩm điện ảnh cụ thể, chấp nhận khám phá một đề tài mới, giữa nhiều ý kiến tranh luận chưa thật thống nhất và rời rạc, bao giờ cũng thú vị dù có khó khăn hơn.
3. Cũng như nhiều người, tôi luôn choáng ngợp giữa khung cảnh nước nổi mênh mông của phim Mùa len trâu. Và có lẽ, cũng như đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh khi bắt tay viết kịch bản cho bộ phim này, đã có một thực tại từ lâu trong tôi ấy là: mùa nước nổi ở Cà Mau; ấy là nước.
B. NƯỚC VÀ KHÔNG GIAN
I.NƯỚC- KHÔNG GIAN SINH TỒN.
1.Phim bắt đầu với lời kể của nhân vật Kìm. “Cả đời tôi sống ờ đây. Cà Mau hai mùa mưa nắng. Mùa mưa nước tràn lên tất cả. Cỏ và nhà. Người và Trâu”. Lời kể mở ra một không gian khác lạ, không gian sống giữa người và nước.
1.1.Nước, trước hết là nước lũ. Đối mặt với cảnh nước lũ tràn về, tất cả chìm trong biển nước trắng xóa, Kìm phải lãnh một trách nhiệm nặng nề: đi len trâu. Lúc này Kìm còn quá trẻ, tâm hồn trong trắng. Lần len trâu thứ nhất của Kìm bị bủa vây bởi biển nước, bởi cuộc sống thiên nhiên hoang dã. Sự hung dữ của dòng nước, của sấm chớp, giông bão… dần luyện cho Kìm sự cứng cáp, mạnh mẽ. Nhưng cuộc sống bụi bặm của những kẻ len trâu, của những cuộc rượu, thuốc thâu đêm lại tước mất ở Kìm sự trong sáng ngây thơ. Thế giới nước tưởng chừng rất quen thuộc đối với Kìm ấy lại là vũng sâu nhất trong tâm hồn Kìm. Sau lần len trâu thứ nhất, Kìm đã trở thành một tên du đãng.
Cùng với Kìm, trong đám len trâu còn có đại ca Lập, Đẹt, Định… Cuộc sống họ cũng song hành với dòng chảy của nước. Trong dòng chảy đó, họ trở nên hoặc hung bạo hoặc kiên cường. Nước đồng hóa tính cách họ. Họ thân thuộc từng mạch đập, hơi thở của nước. Chính vì thế, họ- như những tên du đãng chân chính đã vượt hết mọi mênh mông mặt nước để tìm kiếm sự sống cho hàng chục con trâu cũng là sự sống của chính bản thân mình.
Lần len trâu thứ hai, Kìm cùng với Đẹt tách thành nhóm riêng. Kìm đã ý thức được, muốn tồn tại trong trong dòng nước, cần sự lạnh lùng đến tàn nhẫn. Kìm chấp nhận đối đầu với đại ca Lập, với các cuộc thanh trừng. Con đường riêng của Kìm, một lần nữa chịu quá nhiều cay đắng. Nếu lần lên trâu thứ nhất, Kìm mất đi một con trâu mà với Kìm nó chẳng khác gì người bạn thì đến lần len trâu thứ hai Kìm đã mất cha. Nỗi mất mát vô hạn này khiến cuộc tồn sinh còn lại mà Kìm phải đối mặt, phải trải qua kéo dài mênh mông như chính sự mênh mông của thế giới nước. Nhưng cái khác là, Kìm cô đơn.
Cảnh Kìm chèo thuyền chở người cha mình đang hấp hối đi trong mùa nước nổi là cảnh gây xúc động bậc nhất ở phim. Thật khó tin rằng, cái thế giới nước mà những người đàn ông từng đầm mình trong đó lại có thể bao la đến thế, bí ẩn và tàn nhẫn đến thế vào lúc họ từ giã cuộc đời. Nước đã không cho cha Kìm một mẩu đất nhỏ bé để yên nghỉ. Kìm đành phải thủy táng cha mình. Mà cái cách thủy táng đó, cũng cay đắng không kém cuộc sống lênh đênh của Kìm. Xác cha Kìm được níu vào cái cối đá- gia tài duy nhất của ông bà Hai Tích (cặp vợ chồng già sống chênh vênh trong một chòi nhỏ giữa biển nước) rồi thả xuống đáy ruộng. Cuộc tồn sinh của cha Kìm bắt đầu từ nước và kết thúc, mãi mãi cũng từ nước.
Cái chết của người cha còn để lại một bí mật kinh hoàng: cha Kìm thời trẻ đã từng hãm hiếp em gái Lập trong một lần len trâu. Kìm là kết quả của cuộc hãm hiếp đó. Đau đớn, chua xót và dồn nén Kìm đã hú lên giữa trời nước mênh mông. Những đỗ vỡ trong tâm hồn Kìm, giờ đây tan hòa trong dòng nước kia và sau đó, đông tụ thành vết thương lòng sâu kín nhất của Kìm.
1.2.Nước còn là nước mưa. Mưa xuất hiện bốn lần trong phim. Đó là những cơn mưa rào hối hả, ào ạt đổ nước.Mưa làm cho không gian nước thêm đặc quánh, triền miên. Mưa không cho ta cảm giác là sự ban phát phì nhiêu mà ngược lại, cho ta cảm thấy cuộc sống con người ở đây quá phù du, trôi nổi. Chỉ duy nhất một lần, khi cha Kìm chết, cơn mưa trắng xóa đổ xuống như sự ân nghĩa từ thần thánh- thứ mà cha Kìm luôn nể phục, cho cuộc đời người len trâu được cảm thông và chia sẻ.
1.3. Những địa danh được nhắc đến trong hành trình len trâu, hành trình của những con-sông- nước giúp ta hiểu sâu sắc hơn về không gian sinh tồn. Cha Kìm đã để lại trong tâm trí Kìm ấn tượng mạnh mẽ về vùng đất mà ông- vốn là thủ lĩnh len trâu từng đi qua. Đó là Ba Thê “cột đền vua chúa…thiên địa sơ khai”, là Bảy Núi “cỏ lạ hoa thơm”. Cuộc đời len trâu của cha Kìm xứng danh là cuộc chinh phục những vùng đất hoang sơ, là hành trình bất tận của những con-sông- nước. Sau này, trong lần len trâu thứ hai, Kìm đi cùng một người Khmer ngược về miền Tây, cũng là tiếp nối hành trình đó.
Trên thực tế, Ba Thê và Bảy núi là địa danh thuộc tỉnh An Giang. Như vậy hành trình len trâu tương ứng với sự mở rộng không gian sống, gợi đến sự trở về cội nguồn, với bản thể.Tỉnh An Giang cũng là nơi lưu dấu hình ảnh của vương quốc Phù Nam hình thành từ thế kỉ I đầu Công nguyên, bị suy vong từ thế kỉ VII. Dấu tích còn lại của văn minh Phù Nam là kiến trúc đền tháp,chùa chiền, miếu mạo… đúng như lời kể của cha Kìm.
Với việc xuất hiện hình ảnh người Khmer, dấu tích văn minh Phù Nam qua tiếng sáo tha hương, qua đền miếu … Mùa len trâu đúng là có những hoài niệm nhiều chua xót. Không gian sinh tồn ở đây, như bất kì mọi qui luật sống nào đều đan xen cái chết. Trong mùa len trâu, chết là một phần của sự hiện hữu.
2.Nước mở ra không gian sinh tồn của những người len trâu. Hành trình trên nước, những lưu lạc trên khắp mặt nước nói lên là họ phải đối đầu với những hiểm nguy trong cuộc sống. Sự đồi bại, sa đọa cũng được thể hiện bằng hình tượng nước bao trùm mặt đất (dục vọng phàm tục thấp hèn) hoặc những dấu hiệu về thời gian.
Nước cuốn chảy là biểu tượng của thời gian trôi qua. Mỗi chuyến đi chăn trâu là một hành trình vào thế giới trưởng thành. Hành trình này diễn ra dưới chế độ thuộc địa Pháp, những năm đầu thế kỉ XX. Những thanh niên bản xứ bất lực dưới vòng kim cô thực dân đã xoay ra phát tiết đàn ông bạo trợn của mình trong những cuộc thanh trừng lẫn nhau và đối với phụ nữ.
Chuyện hãm hiếp là một cách tả thực trong Mùa len trâu. Kìm, ở mùa len trâu thứ nhất đã tận mắt nhìn thấy đại ca Lập hãm hiếp một cô gái nơi đoàn len trâu dừng chân. Mùa len trâu thứ hai, chính Kìm đã tìm cách hãm hiếp Ban-vợ Đẹt, bạn mình. Bản thân Kìm cũng là sản phẩm của lần hãm hiếp. Dục vọng phàm tục phơi bày song hành với thế giới nước. Phải chăng, đối mặt với hiểm nguy lưu lạc, họ- những người đàn ông nghèo khổ rất muốn được dừng lại, muốn bình yên? Thế giới trưởng thành của những người đàn ông này được xác lập bằng cách chiếm đoạt giấc mơ dục vọng. Thực chất, đó là sự đổ vỡ, là thế giới không được làm chủ bất cứ điều gì.
II. NƯỚC- KHÔNG GIAN RŨ MỤC.
1.Trong phim Mùa len trâu, cái chết, sự rũ mục của cây cỏ, trâu và nguời hiện hữu cùng sinh tồn. Nếu không gian sinh tồn là điều có thể cảm nhận được trực tiếp, bao quát được thì không gian rũ mục cần đến sự liên tưởng, suy ngẫm. Và để người xem tận mắt nhìn thấy sự rũ mục, đạo diễn đã tạo ra những cảnh quay bên trong lòng nước.
1.1. Như đã nói, cái chết là một phần của sự hiện hữu. Người và trâu đều chết trong nước, kết thúc ở nước. Nước trở thành một biểu tượng cho sự không phân cách giữa sống và chết. Đoạn đối thoại giữa Kìm và con trai Đẹt biểu lộ cách hiểu về sự không phân cách đó. Kìm đã giải thích cho đứa bé rằng nước ngập là do mưa, mưa sinh ra từ trời, nước thì dìm chết cỏ cây, trâu và cả con người. Dường như đó là bài học đầu tiên và cũng là nhận thức sâu sắc nhất, thấm thía nhất của người dân sống trong thế giới nước.
1.2. Để nhận rõ sự rũ mục, Mùa len trâu đã có những cảnh quay bên trong lòng nước rất ấn tượng. Toàn bộ phim, rải rác có 5 lần đạo diễn đã để cho khán giả tận mắt nhìn thấy thế giới bên trong đó. Một thế giới đang phân hóa, tan rữa xác người- cỏ- trâu. Sức mạnh nhấn chìm của nước không loại trừ một ai. Đó cũng là cách để con người và vạn vật dừng lại trước thời gian và qui luật tạo hóa. Thế giới bên trong lòng nước giúp ta liên tưởng đến nơi vùng vẫy của những quái vật, những mối đe dọa. Chính Kìm đã phải níu xác cha mình vào cối xay đá để nước không cuốn mất đi.
Nhưng rõ ràng, từ trong lòng nước, từ sự rũ mục con người nhận lại sự tái sinh. Sau mùa nước, mùa khô chỉ còn lại những mảnh đất, cánh đồng màu mỡ. Dấu vết về thế giới chìm, thế giới tan rữa được khỏa lấp bởi màu xanh của lúa. Trên cánh đồng mới, sự sống lại bắt đầu sinh sôi.
2. Không gian rũ mục, thế giới bên trong lòng nước còn có một ẩn ý khác, sâu xa hơn: sự dìm kín những bí ẩn. Ở Mùa len trâu, cùng với nhịp điệu cuồn loạn của tuổi trẻ là nhịp điệu trầm lắng của bí ẩn. Những trầm tích quá khứ, dung nham trào chảy tính cách sống của con người hiện tại đan chéo vào nhau. Đó là quá khứ của cha Kìm, của đại ca Lập- những thủ lĩnh len trâu nổi tiếng; là quá khứ của mối tình Đẹt- Ban; là dục vọng hiện tại của Kìm, là tính cách phóng khoáng đặc trưng Nam Bộ của ông bà Hai Tích; là cảnh từng đàn quạ đợi rỉa xác chết khiến người dân phải lựa chọn cách thủy táng hoặc thiên táng… Đó quả là những bí ẩn nằm sâu sau khung cảnh trời nước. Trong đó, bí ẩn về dục vọng, về cuộc sống tha hương của người Khmer thật không dễ giải mã.
Phim kết thúc với hình ảnh đục ngầu tan rửa bên trong lòng nước “Nước lại phủ lên môt thế giới rũ mục”. Đó chưa phải là sự kết thúc một hành trình, đúng hơn, sau hành trình này những bí ẩn có thể được phơi mở dần. Những bí ẩn, một khi được thấu hiểu tức là đã tạo nên một “kinh nghiệm về sự hiện hữu (the experience of being live)” [Nguyễn Võ Nghiêm Minh] theo đúng ý đồ xây dựng nội dung bộ phim của đạo diễn.
III.NƯỚC- TÁI HỢP VÀ CHIA LÌA.
1.Trong Mùa len trâu có một sự tiếp nối mà bất kì người xem nào cũng có thể nhận ra: sự tiếp nối không gian, sự tiếp nối những cuôc đời. Sự tiếp nối đó tạo nên ý nghĩa về tái hợp mà nhân chứng- không ai khác chính là thế giới nước.
Sự tiếp nối không gian bắt đầu từ hành trình len trâu lần thứ nhất của Kìm. Với tính cách mạnh mẽ và một chút đam mê phiêu lưu Kìm đã quyết tâm theo dấu vết hành trình năm xưa của cha mình. Lời kể của cha Kìm trong đêm trước khi Kìm lên đường là lời thúc giục, chất kích thích cho mọi ham mê táo tợn của Kìm sau này. Không gian mà hai thế hệ len trâu này xuất phát- trải qua- kết thúc đều khép kín trong quá trình trưởng thành của họ, trong thế giới nước.
Sự tiếp nối, tái hợp những cuộc đời dựa vào những ràng buộc, liên hệ tình cảm. Có một chân dung sống giữa ba nhân vật: Cha Kìm- Kìm và con trai Đẹt Ban. Cha Kìm lưu lại ở Kìm tính cách một thủ lĩnh len trâu. Đến lượt mình, Kìm lại nuôi dưỡng ở con trai Đẹt những ham mê tuổi trẻ của mình. Bài sáo tha hương mà cha Kìm dạy cho Kìm giờ đây là niềm thích thú của con trai Đẹt. Kìm còn dạy cho cậu bé ấy bài học đầu tiên khi tiếp xúc với thế giới nước. Sau này, khi cuộc đời len trâu cay đắng buộc Kìm dừng lại, Ban đã đưa con trai mình giao cho Kìm nuôi dạy. Kìm và cậu bé ở lại trên cái chòi mà ông bà Hai Tích từng ở năm xưa. Tư thế làm cha của Kìm là tư thế bảo vệ mầm sống trước các biến động từ thế giới nước.
Tái hợp giữa Kìm và con trai Đẹt Ban là tái hợp thuần khiết tinh sạch mà những dòng-sông- nước mang lại. Cuối cùng, tình cảm con người- sợi dây liên hệ ngàn đời vẫn có sức mạnh níu kéo và nâng đỡ những bước chân phiêu bạt, xoa dịu mọi mất mát, cay đắng. Kìm đã có phút giây tươi sáng như một cơn mưa mùa khi được ủ ấm bởi mầm sống nhỏ bé. Mùa len trâu không cho ta cảm giác về sự đổ vỡ hay sa đọa hoàn toàn. Nói cách khác, như chính tính cách của thế giới nước, những bao dung ân nghĩa mà nó đem lại vẫn như một mạch lưu bất tận theo thời gian.
2 Song hành cùng tái hợp, tính chất chia lìa được triển khai trong vòng sống của đất và người. Chia lìa bởi cái chết, bởi sự rũ mục.Cái chết chia lìa tình cảm cha con (cha Kìm), tình cảm vợ chồng (bà Hai Tích chết; Đẹt mất tích). Sự rũ mục chia lìa những thân thuộc hằng ngày: ngôi nhà, cỏ cây. Chia lìa vĩnh viễn và vết thương chia lìa nếu có tái sinh, sẽ tái sinh theo một cách khác, tái sinh từ nước.
Bước vào thế giới trưởng thành, Kìm chia lìa tuổi thơ của mình. Một chia lìa mà khi nhìn lại, khoảng thời gian đã bị tước đoạt ấy, thật khó cứu chuộc. Có lẽ vì vậy mà Kìm đã chăm sóc, yêu thương con trai Ban Đẹt như một người cha tinh thần thực thụ. Có gì say đắm trong điệu sáo mà Kìm dạy cho đứa bé này, có gì êm dịu hoài vọng trong điệu sáo này.
II. NƯỚC VÀ PHONG CÁCH LẬP NGÔN MỚI CỦA ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM.
1.Theo Nguyễn Võ Nghiêm Minh, ông đã lựa chọn phong cách tối giản (minimalism) khi làm phim Mùa len trâu. Phong cách này quyết định tất cả các yếu tố khác trong phim, từ hình ảnh đến âm nhạc, diễn xuất.
Hình ảnh của phim Mùa len trâu có độ tương phản cao, với nhiều khoảng tối trong khung hình. Chỉ những chi tiết quan trọng mới được chiếu sáng, nhiều chi tiết khác không quan trọng bị chìm trong bóng tối.Cũng theo đạo diễn, ông đã dùng tranh của hai họa sĩ De La Tour (Pháp) và Carravagio (Ý) làm mô hình.
Âm nhạc không dùng để minh họa cho hình ảnh. Tương tự Mùa hè chiều thẳng đứng, âm nhạc trong Mùa len trâu không đi theo hành động. Âm nhạc kể một câu chuyện riêng của riêng nó, tạo ra những cảm xúc khác vượt ra khỏi khả năng chuyển tải của hình ảnh. Cũng từ phong cách tối giản nên âm nhạc trong phim rất ít, chỉ đôi nét chấm phá. Hai bài sáo đã dùng trong phim là bài “Lý con trâu” và một bài mang âm hưởng Khmer thổi theo hứng (improvise).
Mùa len trâu có sự tham gia của dàn diễn viên nghiệp dư nhưng đã diễn với cảm xúc chân thực trong lòng.Từ Kìm (Lê Thế Lữ), Ban (Nguyễn Thị Kiều Trinh) đến Đẹt (Kra Zan Sram), Lập (Võ Hoàng Nhân) đều diễn rất thật, mộc mạc, giản dị không bị gượng, không hề có cảm giác diễn.
Khái niệm phong cách tối giản mà đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh đưa ra và xử lý thành công là phong cách lập ngôn mới cho điện ảnh Việt Nam.
2. Những góc quay bên trong lòng nước vẫn cũng là một sáng tạo độc đáo. Đối lập giữa vẻ bề mặt ầm ào dữ dội và sự tĩnh lặng bên trong ở phim Mùa len trâu giúp ta liên tưởng đến phim The Return của đạo diễn Nga Andrei Zvyagintsev.
Nếu góc quay bên trong lòng nước đem lại hình ảnh chân thực nhất về thế giới phân rã, chuyển động thì những góc quay cận cảnh hàng trăm con trâu băng băng trong làn nước lại tạo ra nhịp điệu cuồn loạn. Thay đổi góc quay làm cho thế giới nước, trâu, cỏ và nhà- những thứ quá quen thuộc đến mức cũ kĩ trở nên ấn tượng đặc biệt trong mắt người xem.
3. Mùa len trâu thuộc vào số những phim chuyển thể từ tác phẩm văn học: Bến không chồng (Luu Trọng Lư chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Dương Hướng), Mê Thảo- thời vang bóng (Việt Linh, từ truyện Chùa đàn của Nguyễn Tuân), Người đàn bà mộng du (Nguyễn Thanh Vân từ truyện Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu) Thời xa vắng (Hồ Quang Minh từ tiểu thuyết cùng tên của Lê Lựu). Ít nhiều trong những phim này đem lại cho khán giả chút hoài nghi về sự thành công khi đem chất liệu văn học sang ngôn ngữ điện ảnh. Nhưng ở Mùa len trâu, Nguyễn Võ Nghiêm không những thể hiện tài tình hồn cốt của tập truyện Hương rừng Cà Mau mà còn đem lại cho tác phẩm này một vỉa tầng thẩm mĩ khác, có giá trị hơn. Đây cũng là một điểm rất đáng chú ý cho các nhà làm điện ảnh Việt Nam hiện nay.
D. KẾT LUẬN
1.Là không gian sinh tồn, không gian rũ mục, sự tái hợp và chia lìa, nước là một sáng tạo mới mẻ ở Mùa len trâu. Những ý nghĩa mà nước dung chứa đem đến hệ đo thẩm mĩ, văn hóa có tính chất điển hình trong nhận thức khán giả.
2.Nước trong phim Mùa len trâu còn là một nhân vật. Chính nước đã đem đến “không gian thưởng ngoạn nghệ thuật đầy chất đương đại dù câu chuyện phim đậm chất Folklore”.Chất đương đại thể hiện ở kĩ thuật làm phim hiện đại giàu cảm xúc, cách dàn dựng đầy dụng ý, những ẩn dụ sắc sảo…Ngôn ngữ điện ảnh trong Mùa len trâu đem lại gương mặt mới cho điện ảnh Việt Nam đầu thế kỉ XXI.
3. Bài thuyết trình này như bản thân người viết mong muốn, sẽ tạo ra được không gian đối thoại để những nhận định, đánh giá được thẩm định một cách đa chiều và chuẩn xác hơn.