Những nàng thơ của Trần Anh Hùng

Author: Trịnh Đan Phượng

Bạn hỏi tôi thích nhân vật nào trong ba chị em gái của bộ phim Mùa hè chiều thẳng đứng? Tôi nói rằng không thích ai trong số họ. Nếu tính cả nhân vật cô gái làng chài, họ là bốn tố nữ trong bức tranh tứ bình, mỗi người mang bên mình một nhạc cụ riêng, đánh lên một giai điệu riêng, nhưng không hoà âm trong cùng một dàn hợp xướng.

Câu chuyện về ba chị em gái và những mảnh đời riêng tư của họ trong một cấu trúc đan xen song song. Chị cả Sương âm thầm giấu kín khoảng vỡ trong đời sống gia đình. Đối với chồng vẫn là một mẫu người đàn bà cổ điển nhưng những khao khát yêu đương vẫn không bị bó chặt trong khuôn khổ truyền thống. Biết chồng bội tình, cắn rứt với mối tình ngoại hôn đậm chất tiểu thuyết của thế kỷ lãng mạn thời Duyma, nhưng vẫn bàng hoàng khi phải đối diện với sự thực, để rồi kiêu hãnh và bao dung khi quay về với thiên chức người vợ và giấc mơ chồng sẽ yêu mình như xưa. Tôi thấy đây là nhân vật có chút ít tính cách bi kịch nhất trong ba chị em gái, nhưng không vì thế mà rung động được lòng người.
Chị hai Khanh, một phụ nữ đầy nữ tính và nồng nàn, yêu chồng và đòi hỏi một tình yêu trọn vẹn được đáp lại. Đời sống gia đình tưởng có lúc viên mãn như hình ảnh một quả trứng đặc tả trong khuôn hình phim. Một ngày kia, cô nếm trải khoảnh khắc đau đớn khi phát hiện hay mới chỉ là dự cảm thấy chồng bội tín. Ấn tượng về cô không đậm, ngoài những câu thoại tự nhiên chủ nghĩa, nhiều lúc khá dung tục.

Cô em út Liên hồn nhiên, sôi nổi, tôn thờ mối tình lý tưởng của cha mẹ nhưng lại bị người yêu từ chối vì cho rằng cô quá già dặn và có thể chế ngự trong tình yêu. Cô sống khá tự do và đầy ngẫu hứng trong việc thể hiện cảm xúc. Những câu thoại và mối quan hệ của cô với người anh trai khiến người xem lạ lẫm, tôi luôn nhìn cô như một “người xa lạ”.

Đó là những nàng thơ của Trần Anh Hùng. Tính cách của họ đậm chất tiểu thuyết lãng mạn hơn là chất điện ảnh tâm lý. Dưới con mắt duy mĩ và tài hoa của Trần Anh Hùng, họ trở nên đẹp lạ thường, đôi lúc rực rỡ trong những khao khát thầm kín và những tâm tư cá nhân. Họ là những bông hoa với vẻ đẹp và hương thơm riêng biệt. Sương là bông hoa trong vườn hoa, Khanh là bông hoa trong bình hoa, Liên là bông hoa trong bức tranh. Họ đáng được chiêm ngưỡng.

Người thơ, không gian sống phải thơ. Thật tinh tế khi đạo diễn biết cách điểm xuyến cho nhân vật Sương những đoá hoa tường vi kiêu sa và bí ẩn; nhấn vào tổ ấm gia đình của Khanh một không gian thơ mộng và phù du; bao bọc quanh Liên một không gian mát dịu của màu xanh nõn chuối và vị ngọt ngào của nhạc Jazz.

Họ không phải là mẫu số chung của con gái Hà thành, dù đạo diễn đã mượn cốt không gian Hà Nội mà không gợi lên cái hồn của người Hà Nội. Ba cô đã được nhìn qua lăng kính của một đạo diễn Việt kiều, đúng hơn là qua con mắt của người nước ngoài. Tôi ngỡ ngàng, họ quen mà lạ, lạ mà quen, cái quen không phải của mình, cái lạ không phải của người. Một cái nhìn lưỡng thê. Phải chăng ba cô hiện lên qua một tư duy, một ngôn ngữ hiện đại hay chỉ là một hoài niệm quê hương, nguồn gốc như một thứ tâm thức – nền của những người con xa xứ ý thức rõ sự tồn tại trong một thế giới phẳng.

Cả ba nhân vật đều đẹp và buồn, buồn nên đẹp. Bao phủ lên không khí phim là giai điệu của nhạc Trịnh, một ẩn dụ âm nhạc đầy chất phiêu du về một bóng dáng Em huyền thoại quyến rũ và xa cách trong thân phận tình yêu. Nhưng ở đây, cái buồn thiếu chiều sâu, thiếu bản thể. Cảm giác như đạo diễn chỉ dừng lại ở góc độ chiêm ngưỡng và ấn tượng nhằm phục vụ cho ý đồ thẩm mỹ. Một bộ phim nghệ thuật vì thế dễ biến thành phim du lịch.

Như một nghệ sĩ thực thụ, Trần Anh Hùng để người xem khám phá ra dụng ý tài hoa của người đạo diễn trong phim. Thế nhưng, những bức tranh tố nữ kia không mang bản sắc người Việt, lại không nhập cư ở nước ngoài. Tôi vẫn không cắt nghĩa nổi: họ là ai?

~ by phongsinh on November 5, 2007.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: